Vũ Thị N có phạm tội hay không ?

Anh H có hành vi đòi quan hệ tình dục nhưng chị N không đồng ý. Chị N trong lúc phản kháng đã gây nên cái chết cho anh H. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh đối với chị N.

Chị Vũ Thị N (20 tuổi) quen anh Lê Văn H (23 tuổi) qua mạng. Tối 08/3/2021, anh H có qua nhà chở chị N đi chơi, tối muộn anh H chở chị N đến công viên nói chuyện. Lúc này, do không kiềm chế được anh H đòi “yêu” nhưng N không đồng ý, đẩy ra. Chị N lập tức bị H vật ngã rồi rút dao đe dọa. Khi có người đi qua chị N định hô hoán nhưng bị H bịt miệng, doạ nằm im nếu không sẽ giết. Giằng co qua lại, cô cắn vào tay anh ta, giật được dao rồi bỏ chạy nhưng bị H kéo lại, N liền đâm H ba nhát rồi chạy thoát. Gặp người dân bên đường, N mượn điện thoại gọi Công an trình báo và nhờ đến cứu giúp H, sau đó N đón taxi về nhà. Nạn nhân cũng chạy bỏ đi nhưng chạy  được một đoạn thì ngã và tử vong.

Vậy, Vũ Thị N có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì? Hiện có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Về vụ án này, hành vi của N bị khởi tố về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với nhận định: N phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vì H và N mới quen nhau trong thời gian ngắn, hẹn nhau đi chơi nhưng H lại có hành vi dùng dao khống chế đòi quan hệ tình dục trái ý muốn với N. Một cô gái trẻ trong tình huống nêu trên phản kháng là cần thiết và pháp luật vẫn cho phép N được phản kháng trong phạm vi cho phép. Khi N đã giật được dao và bỏ chạy nhưng bị kéo lại, tức bị cáo đang đứng trước lựa chọn phải có hành động để giải thoát cho mình. Lúc này, N mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của mình cho xã hội về hành vi của mình.

Do vậy, với biểu hiện của hành vi thể hiện ở trên thì N đã thoả mãn cấu thành tội phạm của tội “Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” được quy định tại Điều 125 BLHS nên việc truy tố và xét xử đối với N về tội danh trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Quan điểm thứ hai đây cũng là quan điểm của các tác giả cho rằng: N không phạm tội giết người và cũng không phải tội giết người do bị kích động mạnh về tinh thần. Hành vi chống trả của N trong trường hợp nêu trên là hành vi chống trả một cách cần thiết để bảo vệ nhân phẩm của mình. Hành vi của N ở trường hợp nêu trên phải được coi là phòng vệ chính đáng. Vì mới quen nhau qua mạng, lần đầu gặp nhau, H đưa N đến nơi ban đêm, hoang vắng và “đòi” quan hệ tình dục. Khi N phản kháng thì H có hành vi thô bạo tấn công (vật ngã). Khi bị phản kháng, hành vi của H càng trở nên hung dữ, nguy hiểm khi rút dao đe dạo xâm phạm tính mạng. Trong hoàn cảnh đêm tối, nhân phẩm, tính mạng bị đe doạ như vậy, để bảo vệ mình, khi bỏ chạy thì bị tóm tay kéo lại. Hành vi phản kháng ở trong trường hợp này chỉ là hành vi chống trả cần thiết để bảo vệ nhân phẩm và tính mạng của mình khi đang bị đe doạ.

Hành vi này không phải phạm tội giết người, cũng không phải là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. N không có ý định giết người, không có ý thức tước đoạt đi tính mạng của H. Khi bị tấn công xâm phạm nhân phẩm điều đó làm cho N tìm mọi cách từ “giằng co”, “xô đẩy”, “cắn”, “đâm” H chỉ để nhằm ngăn chặn hành vi tấn công và bảo vệ mình chứ không phải bức xúc, kích động đến mức “không thể kìm chế, không kiểm soát được hành vi”.

Do đó, hành vi của N không cấu thành tội giết người do bị kích động về tinh thần. Với những phân tích trên, hành vi phản kháng hành vi tấn công gây hậu của chết người của N trong trường hợp nêu trên cần được coi là phòng vệ chính đáng.

Mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

TANDCC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án hình sự - Ảnh: Đức Thọ

NGUYỄN PHI HÙNG (Tòa án Quân sự Quân khu 4)