A phạm tội cố ý gây thương tích trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Qua nghiên cứu bài viết “A phạm tội gì?” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích đăng ngày 9/8, tôi cho rằng A phạm tội cố ý gây thương tích trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Thứ nhất, để phân biệt giữa tội cố ý gây thương tích và tội giết người sẽ cần làm rõ một số vấn đề sau:
Mục đích hành vi phạm tội: Nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người, còn nếu ý thức chủ quan không có ý định giết người thì phạm tội cố ý gây thương tích.
Mức độ tấn công, cường độ tấn công: Nếu người phạm tội có hành vi đánh người một cách liên tục và rất mạnh, chứng tỏ họ có ý định giết người.
Vị trí tác động: Cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng… đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra, khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng…
Yếu tố lỗi: Lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.
Qua phân tích trên áp dụng vào vụ án từ mục đích hành vi phạm tội cho đến yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi: A không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, A đâm M bị thương rồi dừng hành vi lại ngay sau đó. Đưa M đi cấp cứu, không để mặc cho hậu quả xảy ra. Nên đủ căn cứ xác định hành vi của A không phải giết người.
Thứ hai, Căn cứ Điều 22 BLHS 2015, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Để hành vi được coi là phòng vệ, cần phải thỏa 2 điều kiện là có hành vi xâm phạm đến lợi ích chính đáng của mình, người khác hoặc của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; chống trả một cách cần thiết và đủ để ngăn chặn hành vi xâm phạm nói trên.
Qua những tình tiết đã có từ vụ án tôi xác định hành vi của A là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì đã có hành vi xâm phạm đến lợi ích chính đáng của A đó là bị xâm phạm về thân thể. Còn hành vi chống trả của A rõ ràng là quá mức cần thiết.
Trong hoàn cảnh đang bị vây đánh cộng với những mâu thuẫn có đánh nhau từ trước, tôi cho rằng tâm lý của lúc đó A sau khi thoát được dù có bỏ chạy thì mọi chuyện vẫn sẽ không kết thúc hoặc vẫn sẽ bị đuổi đánh tiếp nên A chọn cách dùng dao chống trả. Việc đâm trúng mạn sườn của M ở trong hoàn cảnh trời tối mà có tới 3 đối tượng vây đánh, M bị A gây thương tích là ngẫu nhiên trong quá trình chống trả.
Vì vậy, hành vi của A có đầy đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trên đây là nội dung trao đổi về vụ án, rất mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc và đồng nghiệp./.
Tòa án tỉnh Vĩnh Long xét xử "Cố ý gây thương tích" - Ảnh: Ái Bình
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận