Vướng mắc, bất cập trong áp dụng quy định “lãi suất”

Hiện nay, quy định về tính lãi suất của hợp đồng tín dụng, lãi suất chậm trả… giữa BLDS và Luật các tổ chức tín dụng không thống nhất, dẫn đến việc giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự có liên quan đến lãi suất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

I.THỰC TRẠNG ÁP DỤNG CHẾ ĐỊNH LÃI SUẤT THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

1.1.Quy định về lãi suất của Hợp đồng tín dụng

Khoản 1 Điều 476 của BLDS năm 2005 quy định, lãi suất vay tiền “do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản”, như vậy lãi suất các bên thỏa thuận không vượt quá 13,5%/năm (từ cuối năm 2010 cho đến nay lãi suất cơ bản được áp dụng là 9%/năm theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015, mức lãi suất vay tiền cũng theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, còn nếu trong trường hợp không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp thì lãi suất sẽ là 10%/năm.

Tại khoản 2 Điều 91 của Luật các TCTD năm 2010 chỉ quy định: “2. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”.

Hơn nữa, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, theo những quy định chuyên ngành thì hiện tại pháp luật công nhận về mức lãi suất mà các bên thỏa thuận. Trên thực tế, công ty tài chính cũng là một tổ chức tín dụng và các công ty này cho vay với lãi suất lên đến 7%/tháng, tương đương với 84%/năm, tức là gấp hơn 4 lần so với quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015. Trừ trường hợp trong điều lệ của công ty tín dụng đó có quy định cụ thể về mức lãi suất cho vay, thì lãi suất sẽ được định đoạt dựa vào sự thỏa thuận của hai bên, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Liệu đây có phải là một hình thức trá hình của “cho vay nặng lãi”?

1.2.Lãi suất chậm trả nợ gốc

Khoản 5 Điều 474 của BLDS năm 2005 quy định, bên vay tiền có thỏa thuận trả lãi, nếu chậm trả nợ thì “phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản”, tức là phải trả mức lãi suất 9%/năm kể từ năm 2011 đến nay.

Còn khoản 5 Điều 466 BLDS 2015 quy định, nếu chậm trả nợ gốc thì ngoài việc phải trả nợ gốc, còn phải trả lãi với mức lãi suất “bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng”. Như vậy, theo quy định này, lãi suất chậm trả nợ gốc quá hạn tối đa kể từ năm 2017 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất vay theo hợp đồng. Như vậy, liệu có gây thiệt hại đối với bên vay trong trường hợp bị mất khả năng chi trả, nhưng bên cho vay cố tình không khởi kiện để kéo dài thời gian chậm trả. Đặc biệt, nếu các công ty tài chính được phép cho vay tới 84%/năm như đã nêu trên, thì lại được phép tính lãi suất chậm trả lên tới 126%/năm.

1.3.Lãi suất chậm trả nợ lãi

Ngoài việc quy định trả nợ gốc trong hạn và quá hạn như trên, BLDS 2015 còn có thêm một quy định mới về việc trả nợ lãi tính trên số lãi chậm trả (còn được gọi là lãi mẹ đẻ lãi con). Cụ thể điểm a khoản 5 Điều 466 của BLDS năm 2015 quy định, lãi suất chậm trả đối với số tiền lãi được chốt cứng là 10%/năm. Trước đây, vì BLDS 2005 không quy định rõ, nên thường không được Tòa án chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả đối với khoản tiền lãi này. Quy định mới của BLDS đã tăng thêm một gánh nặng đối với người vay, khi không có khả năng trả nợ đối với các khoản vay lãi suất cao, thì sẽ phải trả lãi suất quá hạn rất cao, nhất là cả khoản lãi chồng lên lãi.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là lãi suất chậm trả nợ lãi cho đến tính đến ngày xét xử, vậy kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm, lãi suất chậm trả của tiền lãi sẽ được tính như thế nào? Trên thực tế, vấn đề này vẫn được được một văn bản hướng dẫn nào của BLDS năm 2015 quy định.

Hiện nay, tại TAND huyện Ia Grai khi ghi nhận vấn đề này tại các Bản án thì đều có mô tuýp chung là “Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015”, đây chẳng quả là sự kế thừa ý chí của Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TANDTC,VKSNDTC hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản để quyết định về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án quy định “Toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 phần 1 Thông tư này về các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng”.

Mặt khác, theo khoản 3 phần 1 của Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 quy định “Đối với các khoản tiền vay, gửi ở tài sản Ngân hàng, tín dụng thì Tòa án quyết định buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán số tiền thực tế đã vay, gửi cùng với khoản tiền lãi, kể từ ngày khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong, theo mức lãi suất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định”. Và hiện nay là Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm được công bố và áp dụng trong xét xử quy định: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.

Như vậy, điểm bất hợp lý ở đây là phát sinh trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án là thời điểm khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án. Vậy khoảng thời gian sau ngày xét xử cho đến khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án thì người phải thi hành án có phải trả lãi đối với khoản tiền chậm trả đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả hay không? Và điểm này cũng hoàn toàn khác đối với “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, bởi Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm đã được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án TANDTC, đã yêu cầu ghi nhận vào bản án nội dung sau: Sau khi đã có bản án, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho tổ chức tín dụng khoản tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay, thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay. Đối với quy định này liệu còn đúng khi vụ án đã được giải quyết bằng một bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tức là mọi tranh chấp cũng như mọi nghĩa vụ của các bên đã kết thúc, nhưng lãi suất vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận như trước khi tòa án ra phán quyết, rong khi giao dịch dân sự của các chủ thể khác thì lại không được quyền này, liệu đây có phải là sự bất bình đẳng trong giao dịch dân sự và giữa các chủ thể khác nhau.

1.4.Lãi suất trong trường hợp áp dụng thời hiệu khởi kiện trong hợp đồng vay tài sản

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể này mất quyền khởi kiện.

Điều 429 của BLDS 2015 quy định:“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Tại Điều 155 của BLDS 2015 quy định:

“Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;

Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;

Trường hợp khác do luật quy định.”

Trước đây một số ý kiến cho rằng, có thể coi tranh chấp đòi nợ gốc là một dạng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu bởi vì tranh chấp về quyền sở hữu tập trung vào tranh chấp về đòi tài sản trong khi đó, đòi tài sản gắn liền với quyền sở hữu nên chừng nào quyền sở hữu tồn tại thì quyền đòi tài sản vẫn tồn tại. Tuy vậy, trong quan hệ vay tài sản, nguyên tắc chung là bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó (Điều 464 BLDS 2015), tức là bên vay trở thành chủ sở hữu của số tiền vay nhận được khi ngân hàng giải ngân (đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng). Như vậy, trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án vẫn thụ lý yêu cầu đòi nợ gốc và nợ lãi theo thủ tục chung và thời hiệu khởi kiện là 3 năm, thay vì 2 năm như quy định trước đây.

Điều 184 BLTTDS 2015 quy định:

“1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

Theo quy định mới, sẽ có một vài điểm bất cập như sau:

– Trường hợp 1, Tòa án đang thụ lý, giải quyết đối với “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản (hợp đồng tín dụng)” và yêu cầu khởi kiện đã hết thời hiệu khởi kiện và bị đơn (người vay) yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc, dẫn đến Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Ngân hàng) do đã hết thời hiệu khởi kiện. Như vậy, trường hợp này bên vay sẽ là bên có lợi, còn phía bên cho vay (Ngân hàng) sẽ mất cả tiền gốc lẫn tiền lãi.

– Trường hợp 2, Tòa án đang thụ lý, giải quyết đối với “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản (hợp đồng tín dụng)” đã hết thời hiệu khởi kiện, bị đơn (người vay) không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện (bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương hoặc bị đơn không trình bày ý kiến trong quá trình Tòa án giải quyết) thì việc nguyên đơn (Ngân hàng) kéo dài thời gian khởi kiện càng lâu thì lãi suất càng lớn, gây thiệt hại cho bên bị đơn.

2.MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Một là, cần phải có một trong các văn bản quy định hoặc giải thích rõ việc đối với các hợp đồng tín dụng các TCTD được phép áp dụng mức trần lãi suất cao hơn 20% như sau: Thứ nhất là Quốc hội sửa đổi Luật các TCTD 2010 (cho phép áp dụng vượt trần lãi suất chung) hoặc sửa đổi Bộ luật Dân sự 2015 (quy định lại dựa vào trần lãi suất của các TCTD). Thứ hai là UBTVQH giải thích luật theo thẩm quyền.

 Hai là, cần quy định rõ mức lãi suất trần tối đa mà các TCTD có thể áp dụng khi giao kết hợp đồng tín dụng, kể cả trong trường hợp phạt lãi trên nợ gốc chậm trả, ví dụ:

– TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật nhưng không được vượt quá 50%/năm.

– Trường hợp khách hàng chậm trả nợ gốc thì ngoài việc phải trả nợ gốc, còn phải trả lãi với mức lãi suất bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng nhưng không vượt quá 60%/năm của khoản tiền vay.

 Ba là, để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, tránh tình trạng người phải thi hành án chây ì không thi hành án, cần tiếp thu những yếu tố hợp lý của của Thông tư 01/TTLT và Án lệ 08/2016/AL để hướng dẫn việc xác định trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ của người thi hành án trong vụ án tranh chấp dân sự nói chung và hợp đồng tín dụng nói riêng cho phù hợp với quy định tại Điều 357 của BLDS năm 2015 và khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 30 Luật THADS. Theo đó, cần hướng dẫn trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án được xác định kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án, cụ thể: “Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015”.

 Bốn là, quy định thêm về việc trường hợp khi thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản (hợp đồng tín dụng) đã hết, trường hợp người bị kiện (bên vay) yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc, thì đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Năm là, cần quy định mức lãi suất tối đa trong trường hợp lãi suất trên nợ gốc chậm trả, cụ thể tại khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015 quy định, nếu chậm trả nợ gốc thì ngoài việc phải trả nợ gốc, còn phải trả lãi với mức lãi suất “bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng”, như vậy bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng nhưng phải thấp hợp một mức lãi suất nào đó, ví dụ 25%/năm hoặc 30%/năm, cụ thể: “Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, nhưng không quá 50%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

Sáu là, trước đây đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một bên là tổ chức tín dụng (ngân hàng) và một bên khách hàng là tổ chức, cá nhân không có đăng ký kinh doanh thì đều được Tòa án thụ lý giải quyết là án kinh doanh thương mại, nhưng hiện nay đối với các trường hợp bên khách hàng là tổ chức, cá nhân không có đăng ký kinh doanh thì Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết là án dân sự. Như vậy, đối với những trường hợp này cần áp dụng các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết đối với các tranh chấp phát sinh như vậy.

 

                                                                            

NGUYỄN THÁI NAM ( TAND huyện Ia Grai – Gia Lai)