Vướng mắc, bất cập về thứ tự thanh toán trong Luật Thi hành án dân sự

        Thời gian gần đây, tại các địa bàn nông thôn, việc vỡ nợ đang xảy ra rầm rộ, làm cho người dân hoang mang, ảnh hướng đến an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Phần lớn các vụ vỡ nợ, con nợ là chủ đầu thảo hụi hoặc huy động vốn bằng hình thức vay mượn từ nhiều người để đầu tư, làm ăn, rồi mất khả năng thanh toán nên tuyên bố vỡ nợ. Số tiền nợ lên đến vài tỷ, thậm chí là vài chục tỷ đồng.

        Khi con nợ tuyên bố vỡ nợ, do không có đầy đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự nên chuyển sang Toà án giải quyết dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án có hiện tượng con nợ có những thoả thuận khác nhau đối với các chủ nợ khác nhau hoặc tiến độ giải quyết vụ án của từng thẩm phán khác nhau (nhanh hay chậm),… dẫn đến thời gian nộp đơn yêu cầu thi hành án của các chủ nợ đối với con nợ cũng khác nhau, làm cho số tiền thi hành án mà các chủ nợ (người được thi hành án) được nhận cũng khác nhau.

        Xin đơn cử một vụ án: Từ năm 2010 đến năm 2013, bà Nguyễn Thị Lan làm đầu thảo hụi, đến tháng 06/2014 thì bà  tuyên bố vỡ nợ vì kinh doanh thua lỗ. Các hụi viên đều gửi đơn đến cơ quan điều tra yêu cầu xử lý hình sự nhưng do không có dấu hiệu hình sự nên cơ quan điều tra đã hướng dẫn các chủ nợ khởi kiện tranh chấp dân sự tại Toà án nên các đương sự cùng đồng loạt khởi kiện tại Toà án.

        Bà Đặng Thị Tám và chị Nguyễn Thị Na là mẹ và là chị của chị Lan cũng khởi kiện yêu cầu chị Lan trả số tiền vay tổng cộng là khoảng 01 tỷ đồng, còn các chủ nợ khác yêu cầu chị Lan phải trả tổng cộng số tiền gần 03 tỷ đồng. Trong quá trình giải quyết tại Toà án thì chị Lan và bà Tám, chị Na thoả thuận với nhau được cách thức trả nợ nên Thẩm phán giải quyết đã ban hành quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.

        Riêng các trường hợp các chủ nợ khác thì chị Lan xin trả dần nhưng không được sự đồng ý của các chủ nợ khác nên Toà án đã tiến hành xét xử. Sau khi cấp sơ thẩm xét xử xong thì chị Lan kháng cáo xin được trả dần, nhằm kéo dài thời gian cho mẹ và chị của chị nộp đơn yêu cầu thi án tại cơ quan thi hành án trước.

        Do chị Lan không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án kê biên đối với quyền sử dụng đất diện tích khoảng 8.000m2 đất của chị Lan. Ngoài ra, chị Lan không còn tài sản nào khác.

        Tiếp đó, các chủ nợ khác đều nộp đơn yêu cầu thi hành án.

        Đến tháng 4/2015, cơ quan thi hành án đã bán đấu giá tài sản đã kê biên của chị Lan. Chấp hành viên đã căn cứ Điều 47 Luật Thi hành án dân sự có qui định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án, đã trừ các khoản chi phí thì còn được khoảng 2,5 tỷ, trong đó chi đủ cho bà Tám và chị Na với số tiền khoảng 01 tỷ đồng,  còn lại 1,5 tỷ đồng  chi cho các chủ nợ khác (người được thi hành án khác) mỗi người nhận được khoảng 50% tương ứng với số tiền của mình.

        Các chủ nợ khác của chị Lan cho rằng việc chi tiền như vậy là không hợp lý nên đã khiếu nại và đã được cơ quan thi hành án giải thích, khẳng định việc chi tiền cho các người được thi hành án  như nêu trên là đúng pháp luật.

        Điểm b, khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự có qui định như sau:   “Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán”.  Tại thời điểm ra quyết định cưỡng chế kê biên thì đối với 8.000m2 đất của chị Lan là để đảm bảo thi hành án cho các quyết định của bà Tám, chị Na; bà Tám và chị Na sẽ được ưu tiên chi tiền trước, sau đó số tiền còn lại mới chi cho các chủ nợ khác.

        Tuy nhiên, qui định về thứ tự thanh toán trong trường hợp nêu trên nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập, tạo sự bất công giữa các chủ nợ của chị Lan. Bỡi lẽ: Con nợ biết rõ quy định về thứ tự thanh toán thi hành án, nên chủ động làm “động tác giả” để kéo dài thời gian được quyền yêu cầu thi hành án của các chủ nợ khác. Mặt khác, trong trường hợp này, nên nhớ rằng bà Tám, chị Na là người thân của chị Lan và số nợ này hoàn toàn có thể là nợ khống giữa các đương sự để “chạy tiền thi hành án”. Ngoài ra, qui định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án cũng tạo ra “nguy cơ” tiêu cực vì các thẩm phán có thể lợi dụng kẻ hở này để giải quyết án nhanh hay chậm nhằm mục đích chạy thời điểm nộp đơn yêu cầu thi hành, chạy thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án để trục lợi; và đối với chấp hành viên cũng vậy.  Do đó, qui định về thứ tự thanh toán thi hành án như hiện nay là chưa đảm bảo được tính công bằng giữa các chủ nợ, là kẻ hở pháp luật… Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này nhằm đảm bảo các bản án quyết định của Toà án phải được thi hành nghiêm chỉnh và công bằng; tránh các nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra đối với các cơ quan tư pháp.

        Trên đây là tình huống pháp lý mà tác giả đưa ra để trao đổi với các đồng nghiệp, bạn đọc của Tạp chí và rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi.

         Ảnh: Vỡ hụi xảy ra ở nhiều nơi.

Huỳnh Minh Khánh - Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang