Vướng mắc khi áp dụng quy định miễn tạm ứng án phí, án phí đối với trường hợp người cao tuổi là người nước ngoài

Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định “người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn tiền nộp tạm ứng án phí, án phí”. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về người cao tuổi đối với trường hợp là người nước ngoài, do đó, trong thực tiễn có các quan điểm khác nhau.

Vụ việc

Ông A có quốc tịch nước ngoài, 75 tuổi, có nộp đơn khởi kiện đến TAND quận Q để đòi lại căn nhà bị mua bán không đúng quy định của pháp luật. Trong hồ sơ khởi kiện ông A có nộp kèm Đơn đề nghị miễn nộp tạm ứng án phí, án phí.

Sau đó, TAND quận Q ban hành Thông báo về việc không miễn tiền tạm ứng án phí, án phí đối với ông A với lý do “ông A là công dân Nhật Bản nên không là người cao tuổi được quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009. Do đó, ông A không thuộc trường hợp miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016”.

Quan điểm đối với vụ việc

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định trường hợp người cao tuổi thuộc đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên, để xác định người cao tuổi thì phải căn cứ vào Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được xem là người cao tuổi”. Mặc dù ông A trên 60 tuổi nhưng ông A không phải là công dân Việt Nam nên đương nhiên không thuộc đối tượng được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí.

Quan điểm thứ hai cho rằng (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng, Điều 2 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về đối tượng áp dụng thì “Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án”. Đồng thời theo điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết thì “người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn tiền nộp tạm ứng án phí, án phí”. Căn cứ theo khoản 2 Điều 70 BLTTDS năm 2015 thì “đương sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật”.

Theo các quy định nêu trên, ông A là đương sự trong vụ việc tranh chấp, thuộc trường hợp liên quan đến án phí Toà án, thuộc trường hợp đương sự có nghĩa vụ chung là nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định của BLTTDS. Do đó Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 sẽ được áp dụng đối với ông A và sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí nếu ông A là “người cao tuổi”.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định chi tiết về người cao tuổi đối với trường hợp của người nước ngoài. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015 về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì “việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau: Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này…”.

Ở Việt Nam, người trên 60 tuổi là người được mọi người trong xã hội thừa nhận là người cao tuổi, được pháp luật về người cao tuổi Việt Nam quy định chi tiết tại Điều 2 Luật người cao tuổi 2009. Ông A đã 75 tuổi, vì vậy cũng nên được xem là thuộc trường hợp người cao tuổi, có như vậy mới đảm bảo “mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản” và “không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự”. Do vậy, trong trường hợp này, hoàn toàn có căn cứ pháp luật để miễn tạm ứng án phí, án phí đối với ông A.

Trên đây là các quan điểm đối với vụ việc nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

TAND Tp Vĩnh Long xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Khôi Nguyên

VŨ VĂN ĐOÀN (Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh)