Vướng mắc trong thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và một số đề xuất, kiến nghị

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình trạng công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, định cư ở nước ngoài, hoặc có tài sản chung tại nhiều quốc gia diễn ra ngày càng phổ biến. Kéo theo đó là sự gia tăng các vụ việc ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ - con… có yếu tố nước ngoài.

Các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không chỉ phức tạp về mặt nội dung mà còn đặt ra yêu cầu cao về thủ tục tố tụng. Việc áp dụng pháp luật nào, xác định thẩm quyền ra sao, thực hiện tống đạt văn bản, ủy thác tư pháp thế nào… đều cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích vấn đề pháp lý, một số vướng mắc trong thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, qua đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao chất lượng xét xử.

1. Thủ tục tố tụng đặc thù

Thủ tục tố tụng đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đương sự ở nước ngoài là thủ tục tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài. Có thể nói, đây là thủ tục có tính chất quyết định trong quy trình tố tụng giúp cho việc đưa vụ án ra xét xử. Theo quy định tại Điều 474 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) thì Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo một trong các phương thức sau đây:

i) Theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

ii) Theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế;

iii) Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện pháp luật nước đó đồng ý với phương thức tống đạt này;

iv) Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài.

v) Đối với trường hợp các phương thức tống đạt như trên thực hiện không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

2. Một số vướng mắc trong thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, các Tòa án đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện ủy thác tư pháp văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài, nhiều trường hợp hồ sơ ủy thác của Tòa án bị cơ quan có thẩm quyền của nước nhận ủy thác trả lại với lý do địa chỉ không chính xác, điều này thường do nguyên đơn là công dân Việt Nam cung cấp địa chỉ của đương sự ở nước ngoài theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận kết hôn, nhưng trên thực tế đương sự ở nước ngoài sinh sống ở địa chỉ nào thì đương sự ở Việt Nam không biết, khi hồ sơ ủy thác tư pháp bị trả lại cũng không thể cung cấp đúng địa chỉ hoặc địa chỉ mới của đương sự ở nước ngoài theo yêu cầu của Tòa án, Tòa án không có cơ sở để xác minh, tống đạt cho đương sự ở nước ngoài, làm cho vụ án bị tồn đọng kéo dài, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trường hợp này, điểm c khoản 6 Điều 477 BLTTDS 2015 quy định nguyên đơn yêu cầu Tòa án thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù thủ tục, quy trình niêm yết, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ở nước ngoài đã được Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2019 (TTLT số 01/2019), tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, TTLT số 01/2019 lại bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình triển khai, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả giải quyết các vụ án, cụ thể:

Thứ nhất, bước đầu tiên trong quy trình thực hiện tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài đó là Tòa án lập văn bản đề nghị Cơ quan đại diện cung cấp thông tin về mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài và tài khoản ngân hàng để Tòa án chuyển khoản tiền này cho Cơ quan đại diện. Tòa án và Cơ quan đại diện gửi các văn bản thông qua hộp thư điện tử đầu mối của từng cơ quan (Điều 16 TTLT số 01/2019).

Tuy nhiên, trên thực tế việc liên hệ để xác định cước phí bưu chính quốc tế không đạt hiệu quả, chủ yếu do Cơ quan đại diện không phản hồi. Điều này gây ách tắc quy trình tố tụng ngay từ khâu đầu tiên, dẫn đến các bước tiếp theo không thực hiện được, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, đặc biệt trong các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài mà bị đơn cư trú tại các quốc gia có hệ thống bưu chính không đồng nhất hoặc chi phí cao. Hiện nay, TTLT số 01/2019 cũng chưa có quy định rõ ràng về cơ chế phản hồi, theo dõi và cập nhật tiến độ của hồ sơ đề nghị Cơ quan đại diện tống đạt, thông báo nên Tòa án khó theo dõi tiến độ thực hiện, thiếu minh bạch về lý do chậm trễ, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.

Nguyên nhân của điều này là do: (i) Thiếu cơ chế trách nhiệm rõ ràng: TTLT số 01/2019 chưa quy định cụ thể trách nhiệm trả lời của cơ quan đại diện trong việc cung cấp thông tin về cước phí bưu chính; (ii) Không có biểu phí chuẩn hóa: Mỗi quốc gia có quy định riêng về bưu chính, giá cước thay đổi theo thời gian và loại hình gửi (thường, bảo đảm, nhanh…), gây khó khăn trong việc xác định khoản tạm ứng chính xác; (iii) Thiếu công cụ tra cứu chung: Tòa án không có công cụ hoặc cơ sở dữ liệu trực tuyến nào để chủ động kiểm tra biểu phí thay vì phải hỏi qua email; (iv) Một số Cơ quan đại diện thiếu nhân sự chuyên trách hoặc ưu tiên công tác đối ngoại, khiến việc tống đạt hoặc hỗ trợ tư pháp bị chậm, có vụ việc kéo dài trên 12 tháng vẫn chưa có phản hồi.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 12 TTLT 01/2019 thì “Tòa án cấp sơ thẩm mở một tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại ngân hàng thương mại nơi Tòa án có trụ sở để quản lý, thanh toán, trả lại tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng còn thừa cho đương sự. Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm có thể lập văn bản ủy quyền thường xuyên cho các Thẩm phán thay mặt chủ tài khoản ký văn bản, chứng từ giao dịch với ngân hàng liên quan đến khoản tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng”. Quy định này là nhằm để đảm bảo minh bạch tài chính, thuận tiện trong hoàn trả chi phí tạm ứng và phục vụ các giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai lại không khả thi, bởi lẽ:

i) Thiếu hướng dẫn cụ thể về quản lý tài khoản và trách nhiệm liên quan

Mặc dù quy định về việc mở tài khoản và ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện giao dịch ngân hàng (khoản 2, 3 Điều 12), nhưng không có quy định cụ thể về chế độ kế toán, báo cáo tài chính, đối chiếu định kỳ của tài khoản ngoại tệ; không hướng dẫn rõ về trách nhiệm pháp lý của người được ủy quyền (Thẩm phán) trong trường hợp phát sinh sai sót, nhầm lẫn về tiền tạm ứng; việc chấm dứt ủy quyền được quy định tại khoản 3 nhưng còn chung chung, thiếu rõ ràng về quy trình xử lý tài chính chuyển tiếp. Hơn nữa, hình thức “tài khoản ngoại tệ” không khả thi tại nhiều Tòa án ở vùng sâu, vùng xa, không có trụ sở ngân hàng đủ chức năng hỗ trợ tài khoản ngoại tệ, dẫn đến phải phụ thuộc vào cấp tỉnh, làm tăng thủ tục hành chính. Hơn nữa, việc quản lý tài khoản ngoại tệ cần kiến thức chuyên môn tài chính – ngân hàng mà không phải Tòa án nào cũng có đủ nguồn lực.

ii) Chưa có cơ chế xử lý tiền còn thừa trong tài khoản rõ ràng

 Điều 12 TTLT số 01/2019 đề cập đến việc “trả lại tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng còn thừa cho đương sự”, nhưng không quy định rõ phương thức, thời hạn, và cách xử lý khi không liên lạc được với đương sự, điều này dễ dẫn đến tồn đọng tiền tạm ứng do không xác định được chủ thể nhận, kéo dài trách nhiệm tài chính cho Tòa án, gây rủi ro trong quản lý.

3. Một số kiến nghị, giải pháp

Từ những vướng mắc nêu trên, để nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động tố tụng mà Tòa án đề nghị Cơ quan đại diện thực hiện ở nước ngoài thực hiện liên quan đến vụ án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, tác giả đề xuất một số kiến nghị, giải pháp sau:

Thứ nhất, kiến nghị TANDTC sửa đổi, bổ sung Điều 16 của TTLT số 01/2019; nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Điều 16. Đề nghị cung cấp thông tin để chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện

“1. Tòa án lập văn bản đề nghị Cơ quan đại diện cung cấp thông tin về mức tiền cước bưu chính ở nước ngoài và tài khoản ngân hàng để Tòa án chuyển khoản tiền này cho Cơ quan đại diện theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Tòa án, Cơ quan đại diện lập văn bản cung cấp thông tin cho Tòa án theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Hết thời hạn này, Tòa án có trách nhiệm gửi văn bản nhắc lại Cơ quan đại diện, trường hợp quá thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản nhắc lại mà Tòa án vẫn không nhận được phản hồi từ Cơ quan đại diện, Tòa án lập văn bản kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Cơ quan đại diện để xem xét, giải quyết.

3. Tòa án và Cơ quan đại diện gửi cho nhau các văn bản quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thông qua hộp thư điện tử đầu mối của từng cơ quan”.

Thứ hai, đối với quy định tại Điều 12 TTLT số 01/2019 về việc mở tài khoản ngân hàng để quản lý, thanh toán, trả lại tiền tạm ứng chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng còn thừa cho đương sự, TANDTC cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc ủy quyền cho Thẩm phán, thời hạn ủy quyền, quyền và trách nhiệm của người được ủy quyền, biểu mẫu thống nhất của văn bản ủy quyền; hướng dẫn chi tiết về việc xử lý khoản tiền tạm ứng chi phí tố tụng không hoàn trả được, cụ thể, trả lại tiền tạm ứng trong bao nhiêu ngày kể từ khi hoàn tất thủ tục, trường hợp không thể hoàn trả (đương sự không liên hệ được…), khoản tiền này sẽ được xử lý như thế nào. Ngoài ra, cần hướng dẫn liên ngành giữa TANDTC, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế mở và sử dụng tài khoản chuyên dùng phục vụ tố tụng quốc tế, có thể tổ chức thí điểm tại một số Tòa án lớn như TAND TP. Hà Nội, TP. HCM để chuẩn hóa mô hình.

Thứ ba, thời gian tới, TANDTC cần tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước số hóa quy trình phối hợp giữa Tòa án và các Cơ quan đại diện, bởi lẽ, hạ tầng số quốc gia (Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), chữ ký số, mã hóa dữ liệu…) hiện đã đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, do đó, kiến nghị TANDTC chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao tích hợp trên Cổng DVCQG mô hình dịch vụ công trực tuyến về ủy thác tư pháp quốc tế nhằm cung cấp bảng biểu phí bưu chính quốc tế tiêu chuẩn, số tài khoản ngân hàng của Cơ quan đại diện tại các nước được cập nhật định kỳ; thực hiện thủ tục nộp, xử lý, trả lời hồ sơ ủy thác qua Cổng DVCQG, điều này tạo công cụ đồng bộ để Tòa án theo dõi tiến độ, kết quả xử lý (đã nhận, đang thực hiện, đã hoàn tất…) của hồ sơ ủy thác, qua đó kịp thời xử lý các yêu cầu của quy trình tố tụng.

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, số lượng vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng, đòi hỏi hệ thống Tòa án phải có cơ chế phối hợp hiệu quả với các cơ quan hữu quan. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật không chỉ tạo hành lang pháp lý thống nhất, giúp Tòa án và các cơ quan hữu quan chủ động, kịp thời trong phối hợp thực hiện các hoạt động tố tụng, giúp nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án có yếu tố nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn góp phần xây dựng nền tư pháp công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời đại kỷ nguyên số.


PHAN THỊ THÚY AN (Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau)

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.