Vướng mắc trong thực hiện niêm yết công khai theo Bộ luật tố tụng Dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thủ tục niêm yết công khai vác thông báo, văn bản tố tụng, tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định này còn có những khó khăn, vướng mắc.
1. Quy định về thủ tục niêm yết công khai.
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định tại Điều 173:
“Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây:
1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.
2. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
3. Niêm yết công khai.
4. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật này”.
Điều 179 quy định:
“1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.
2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
3. Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết”.
Như vậy, thủ tục niêm yết công khai là một trong năm phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và chỉ đặt ra trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của BLDS, tức là không thể cấp, tống đạt trực tiếp văn bản tố tụng cho người được cấp, tống đạt, thông báo vì họ vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ. Địa điểm niêm yết công khai là tại trụ sở Tòa án, tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo và tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo. Thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
2. Thủ tục niêm yết công khai trong thực tiễn
a. Xác minh nơi cư trú của cá nhân, cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo (sau đây gọi chung là người được cấp, tống đạt, thông báo).
Tại khoản 5 Điều 177 của BLTTDS quy định, trong trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của BLTTDS.
Thực tế việc xác minh nơi cư trú của người được cấp, tống đạt, thông báo nhằm mục đích xác định được rằng người được cấp, tống đạt, thông báo rơi vào trường hợp nào trong các trường hợp “vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ”. Vấn đề đặt ra là, trong một vụ án có rất nhiều văn bản tố tụng được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau và thủ tục niêm yết sẽ được thực hiện nhiều lần tương ứng với các thời điểm ban hành văn bản tố tụng, vậy việc xác minh nơi cư trú người được cấp, tống đạt, thông báo có phải luôn thực hiện kèm với với các lần niêm yết văn bản tố tụng đó không, hay người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo chỉ thực hiện việc xác minh nơi cư trú của người được cấp, tống đạt, thông báo một lần duy nhất đầu tiên và các lần tiếp theo chỉ cần lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt.
b. Thủ tục xác nhận trong Biên bản niêm yết.
Tại khoản 5 Điều 177 của BLTTDS quy định, biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn. Vấn đề đặt ra là các biên bản niêm yết tại Trụ sở Ủy ban cấp xã, tại nơi cư trú (có trụ sở) hoặc nơi cư trú (có trụ sở) cuối cùng người được cấp, tống đạt, thông báo thì Công an xã, phường, thị trấn có được quyền ký chứng kiến, xác nhận việc niêm yết hay không. Bởi trên thực tế, có rất nhiều nơi trụ sở làm việc của Công an được đặt chung với trụ sở làm việc của Ủy ban và Công an xã, phường, thị trấn cũng quản lý về hộ khẩu, nơi cư trú của người dân trên địa bàn quản lý.
c. Biểu mẫu tố tụng.
Hiện nay chưa có bất cứ quy định nào của BLTTDS liên quan đến các biểu mẫu như: Biên bản xác minh; Biên bản về việc không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng; Biên bản niêm yết,… Hiện nay, đối với thủ tục niêm yết công khai, đa số người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo đều dựa vào mẫu số 34 của Danh mục phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ tư pháp, hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. Việc không đồng nhất trong biểu mẫu tố tụng đôi khi dẫn đến dẫn đến người đọc biên bản có thể hiểu lầm vấn đề.
d. Thủ tục niêm yết đối với trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo bỏ đi khỏi địa phương.
Khoản 1 Điều 180 của BLTTDS quy định:“Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo”. Vậy đối với các trường hợp “người được cấp, tống đạt, thông báo đã bỏ đi khỏi địa phương” và “khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo” thì Tòa án sẽ thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tương tự trong một vụ án có nhiều văn bản tố tụng được ban hành tại các thời điểm khác nhau và việc người được cấp, tống đạt, thông báo đã bỏ đi khỏi địa phương, nên thủ tục niêm yết các văn bản tố tụng là không đảm bảo, như vậy liệu có phải cứ mỗi lần ban hành văn bản tố tụng thì Tòa án đều phải thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để nhằm đảm bảo cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo?
Trên thực tế, đối với những vụ án có đương sự bỏ đi khỏi địa phương trước thời điểm Tòa án thụ lý, thì Tòa án chỉ thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm mục đích thông báo đương sự bỏ đi khỏi địa phương được biết về việc Tòa án đã thụ lý vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, sau đó Tòa án tiến hành thủ tục niêm yết như đối với trường hợp đương sự vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ.
e. Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng
Khoản 4 Điều 177 của BLTTDS quy định: “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án”. Như vậy đối với trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo “chỉ” phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ mới quy định trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng, tuy nhiên trên thực tế có trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vẫn nhận văn bản tố tụng nhưng từ chối ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng, vậy gặp trường hợp này thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo sẽ làm gì?
Trên thực tế, khi gặp trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng hay trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vẫn nhận văn bản tố tụng nhưng từ chối ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng, rất nhiều Tòa án đã có cách giải quyết khác nhau, có trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo “chỉ” lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối; có trường hợp bên cạnh việc lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối thì lập luôn cả biên bản niêm yết công khai theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về bản chất, theo tôi thì không khác nhau là mấy, nhưng dẫn đến sự rườm rà về mặt thủ tục.
3. Kiến nghị và đề xuất
Một là, cần quy định rõ là trước khi tiến hành thủ tục niêm yết công khai, người người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải tiến hành lập biên bản xác minh để xác minh nơi cư trú của người được cấp, tống đạt, thông báo. Trường hợp nội dung biên bản xác minh đủ điều kiện “người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ” thì tiếp tục lập biên bản về việc không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng với lý do như trong biên bản xác minh, sau đó mới tiến hành thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng.
Hai là, cần quy định thêm đối với Biên bản niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (có trụ sở) hoặc nơi cư trú (có trụ sở) cuối cùng người được cấp, tống đạt thì phải do Công chức tư pháp – hộ tịch của Ủy ban đó ký chứng kiến và được xác nhận của Ủy ban đó.
Còn đối với Biên bản niêm yết tại nơi cư trú (có trụ sở) hoặc nơi cư trú (có trụ sở) cuối cùng người được cấp, tống đạt, thông báo thì đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn đều được quyền ký chứng kiến, xác nhận việc niêm yết.
Ba là, để đảm bảo việc thống nhất trong trong việc sử dụng biểu mẫu tố tụng, cần ban hành phụ lục các văn bản tố tụng gồm: Biên bản xác minh; Biên bản về việc không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng; biên bản về việc đương sự nhận văn bản tố tụng nhưng không ký vào biên bản giao nhận; Biên bản niêm yết (tại Trụ sở Ủy ban, tại nơi cư trú (có trụ sở) hoặc nơi cư trú (có trụ sở) cuối cùng và tại trụ sở Tòa án).
Bốn là, cần quy định thêm tại khoản 1 Điều 180 của BLTTDS, cụ thể: “Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo. Sau khi tiến hành thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, Tòa án tiến hành thủ tục niêm yết công khai đối với các văn bản tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 179 của Bộ luật này”.
Năm là, cần quy định thêm tại khoản 4 Điều 177 của BLTTDS quy định như sau: “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng hoặc nhận văn bản tố tụng nhưng từ chối ký vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối nhân văn bản tố tụng hoặc nhưng từ chối ký vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án”.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về thực trạng cũng như đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện quy định của BLTTDS liên quan đến thủ tục niêm yết công khai. Kính mong quý bạn đọc cùng đóng góp ý kiến.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Đức Tuấn
22:36 22/12.2024Trả lời