Vướng mắc trong việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp có đương sự vắng mặt tại phiên họp
Để phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải diễn ra thì luật quy định nhiều điều kiện. Tuy nhiên, khi áp dụng khoản 3 Điều 209 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì xuất hiện những bất cập, mâu thuẫn khó giải quyết về các đương sự vắng mặt tại phiên họp.
Điều kiện của phiên họp
Khoản 3 Điều 209 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự.”
Như vậy theo quy định trên, để phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải có thể diễn ra, phải đảm bảo các điều kiện sau:
Điều kiện 1: Vụ án có nhiều đương sự, có thể là từ 2 (cá nhân hoặc tổ chức) trở lên đối với nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều kiện 2: Các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp. Như vậy, phải đảm bảo “tất cả” các đương sự có mặt đều đồng ý tiến hành phiên họp. Trường hợp các đương sự không đồng ý hoặc có một số đương sự có mặt đồng ý, số còn lại không đồng ý thì:
– Nếu các đương sự không đồng ý và đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp.
– Nếu có một số đương sự có mặt đồng ý, số còn lại không đồng ý. Vấn đề này vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể. Theo quan điểm của tác giả, Thẩm phán vẫn tiến hành mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và lập Biên bản không tiến hành hòa giải được với lý do có đương sự vắng mặt. Sau đó ban hành Thông báo kết quả phiên họp cho đương sự vắng mặt theo quy định tại khoản 2 Điều 210 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều kiện 3: Việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.
Hiện nay vẫn chưa có quy định như thế nào là “không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”. Như vậy, có thể hiểu “quyền, nghĩa vụ của đương sự” được quy định tại Điều 70, Điều 71 (đối với nguyên đơn), Điều 72 (đối với bị đơn) và Điều 73 (đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) của Bộ luật tố tụng dân sự. Và việc đánh giá việc đương sự vắng mặt có bị ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của họ hay không phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của Thẩm phán.
Những vướng mắc, mâu thuẫn
Tại khoản 3 Điều 212 của BLTTDS quy định: “Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.”
Với quy định nêu trên, rõ ràng có sự mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 209 của BLTTDS về việc cho rằng không được tiến hành phiên họp nếu có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Như vậy, việc có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt hay không thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp nếu các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp.
Và với quy định nêu trên, một lần nữa lại phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của Thẩm phán về việc thỏa thuận của họ (các đương sự có mặt) có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt hay không. Bởi sẽ chia ra hai trường hợp như sau:
– Trường hợp 1: Việc thỏa thuận của họ (các đương sự có mặt) không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp này, thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Như vậy, hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 212 của BLTTDS.
Tuy nhiên, việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận trong trường hợp này có đảm bảo về việc giải quyết toàn bộ vụ án đối với các đương sự vắng mặt không, mặc dù sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến sự thỏa thuận của các đương sự có mặt tại phiên họp.
Ví dụ: A và B đã ly hôn, A khởi kiện B tại Tòa án về việc tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn (tài sản 1, 2 và 3). Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bao gồm: Ngân hàng (A và B có thế chấp tài sản 1 để vay tại Ngân hàng và Ngân hàng không yêu cầu khởi kiện), ông C (A và B có cùng vay, ông C khởi kiện A và B cùng trả nợ) và bà D (A và B có chuyển nhượng cho D một bất đồng sản nằm trong khối tài sản chung, nhưng chưa tiến hành sang tên, D khởi kiện yêu cầu A và B tiếp tục hợp đồng chuyển nhượng). Tại buổi hòa giải, có mặt A (nguyên đơn), B (bị đơn), ông C, bà D (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và vắng mặt người đại diện của Ngân hàng. Các đương sự có mặt vẫn đề nghị tiếp tục phiên họp. Tại phiên họp các đương sự có mặt đều thỏa thuận được với nhau về các vấn đề có liên quan.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Tại phiên họp vắng mặt người đại diện của Ngân hàng, các thỏa thuận khác của các đương sự vắng mặt không có liên quan đến Ngân hàng, như vậy không thể coi là các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Vậy việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự giữa A, B và C,D là không đúng.
– Trường hợp 2: Việc thỏa thuận của họ (các đương sự có mặt) có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Theo quy định trên, thỏa thuận của họ (các đương sự có mặt) có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
Thời hạn 7 ngày
Một vấn đề đặt ra là việc Thẩm phán ra quyết định công nhận trong trường hợp này có cần đảm bảo thời hạn (hết 7 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành) quy định tại khoản 1 Điều 212 của BLTTDS hay không? Bởi sau khi mở phiên họp (đã lập Biên bản hòa giải thành), Thẩm phán phải ban hành Thông báo kết quả phiên họp cho đương sự vắng mặt theo quy định tại khoản 2 Điều 210 của BLTTDS. Vì luật không quy định trong thời hạn bao lâu kể từ ngày nhận được Thông báo kết quả phiên họp thì đương sự phải có ý kiến bằng văn bản về việc có đồng ý hay không đối với thỏa thuận của các đương sự có mặt và trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp như: Ủy thác, gửi văn bản bằng đường bưu điện hoặc đương sự không biết chữ,…) dẫn đến việc Tòa án nhận được văn bản đồng ý của các đương sự vắng mặt quá với thời hạn “hết 7 ngày, kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành”.
Theo quan điểm của tác giả, việc Thẩm phán ra quyết định công nhận trong trường hợp có đương sự vắng mặt không cần đảm bảo thời hạn (hết 7 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành) quy định tại khoản 1 Điều 212 của BLTTDS; cần phải văn bản hướng dẫn quy định thời gian (có thể là 15 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo về kết quả phiên họp) về việc trả lời bằng văn bản việc có đồng ý hay không đối với sự thỏa thuận của các đương sự có mặt và trường hợp đương sự đồng ý với kết quả hoà giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.
Trường hợp đương sự vắng mặt không có văn bản trình bày ý kiến hoặc có văn bản đồng ý nhưng gửi trễ thời hạn thì cũng coi như là không đồng ý với sự thỏa thuận của các đương sự có mặt. Bởi nếu không quy định như vậy thì có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án dân đến ảnh hưởng đến các đương sự khác, vụ án bị quá hạn hoặc trường hợp Tòa án ra Quyết định công nhận vượt quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 212 của BLTTDS dẫn đến bị kiến nghị của Viện kiểm sát.
TAND tỉnh Hà Giang xét xử vụ án dân sự phúc thẩm “Chia di sản thừa kế và yêu cầu trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Ảnh: Phương Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận