Vướng mắc về tạm ngừng phiên tòa dân sự phúc thẩm

Điều 259 và Điều 304 BLTTDS đã có quy định về việc tạm ngừng phiên tòa. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử vụ án dân sự phúc thẩm còn gặp tình huống vướng mắc mà Điều luật chưa quy định và chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.

 Bị đơn ông Nguyễn Thành A có đơn kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm. Quá trình xét xử phúc thẩm, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng ông A vắng mặt không có lý do nên phải hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 296 BLTTDS. Tại phiên tòa lần thứ hai, ông A có mặt. Tuy nhiên, quá trình tranh tụng tại phiên tòa HĐXX phúc thẩm căn cứ điểm c khoản 1 Điều 259 và Điều 304 BLTTDS, quyết định tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện được thì không thể giải quyết được vụ án. Sau khi thu thập tài liệu chứng cứ, Tòa án đã tống đạt hợp lệ thông báo về việc mở lại phiên tòa và giấy triệu tập nhưng người kháng cáo vắng mặt không có lý do. Trường hợp này, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể nên còn có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.

* Quan điểm thứ nhất cho rằng:

Tòa án tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ quan trọng mà không thực hiện được thì không thể giải quyết được vụ án. Do đó, bị đơn ông Nguyễn Thành A (đồng thời là người kháng cáo) có quyền được tiếp cận và có ý kiến đối với các tài liệu, chứng cứ mới thu thập. Nếu Tòa án tiếp tục xét xử vụ án mà không có mặt người kháng cáo sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, cần phải ra Quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo sự có mặt của ông A. Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 3 mà người kháng cáo vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan thì HĐXX đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 312 BLTTDS.

* Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả):

Người kháng cáo có mặt tại phiên tòa lần thứ hai là đã đảm bảo để Tòa án tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án và ban hành Bản án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án (sơ thẩm, phúc thẩm) Tòa án không thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ dẫn đến phải ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung. Như vậy, lý do để tạm ngừng phiên tòa là xuất phát từ Cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải do người kháng cáo.

Mặt khác, việc hoãn phiên tòa chỉ được xem xét, quyết định trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, còn tạm ngừng phiên tòa là trong phần tranh tụng tại phiên tòa (theo thứ tự của Điều luật trong BLTTDS là sau khi kết thúc việc hỏi tại phiên tòa) và khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa thì vụ việc xét xử được tiếp tục, nghĩa là nếu trước khi tạm ngừng phiên tòa vụ án đang được giải quyết ở giai đoạn nào thì khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết ở giai đoạn trước khi tạm ngừng. Ngoài ra, BLTTDS cũng không có quy định việc HĐXX có quyền ra quyết định hoãn phiên tòa sau khi tạm ngừng nếu đương sự vắng mặt.

Do đó, nếu HĐXX quyết định hoãn phiên tòa sau khi tạm ngừng và triệu tập hợp lệ lần thứ 3 mà người kháng cáo vẫn vắng mặt thì bắt buộc phải căn cứ vào khoản 2 Điều 312 BLTTDS để đình chỉ xét xử phúc thẩm. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo ông Nguyễn Thành A. Bởi lẽ, việc người kháng cáo có mặt tại phiên tòa lần thứ hai đã thể hiện ý chí của họ là mong muốn được xét xử và nhận được phán quyết cuối cùng bằng một bản án phúc thẩm. Việc họ vắng mặt tại phiên tòa mở lại sau khi tạm ngừng chỉ có thể khẳng định là họ từ bỏ quyền tham gia tố tụng ở giai đoạn tranh tụng tiếp sau, từ bỏ quyền được tiếp cận và có ý kiến đối với các tài liệu, chứng cứ mới được thu thập (đã được nêu trong Quyết định tạm ngừng phiên tòa).

Vì vậy, trong trường hợp này quan điểm của tác giả cho rằng, mặc dù người kháng cáo vắng mặt nhưng HĐXX cần phải tiếp tục xét xử và tuyên bản án phúc thẩm thì mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Ngoài ra, trường hợp mở lại phiên tòa sau khi tạm ngừng mà người kháng cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì HĐXX có thể quyết định thay đổi thời gian mở lại phiên tòa tạo điều kiện cho họ được tham gia tố tụng nhằm giải quyết đầy đủ, toàn diện vụ án.

Trên đây là tình huống vướng mắc xảy ra trong quá trình tạm ngừng phiên tòa dân sự phúc thẩm, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc và đồng nghiệp; đồng thời kính đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

 

Tòa án nhân dân huyện Mường Tè, Lai Châu xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Bùi Ngọc Chín

 

 

NGUYỄN TẤT DUẨN  (Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum)