Vướng mắc về tính thời hạn trong tố tụng dân sự
Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì có nhiều loại thời hạn khác nhau. Có loại thời hạn tính theo ngày làm việc nhưng cũng có loại thời hạn chỉ tính theo ngày. Hiện nay trong thực tiễn đang gặp vướng mắc khi tính thời hạn để Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và thời hạn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS năm 2015 thì “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 273 BLTTDS năm 2015 thì “Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.”
Nếu như ngày bắt đầu của thời hạn hoặc ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (Thứ bảy, Chủ nhật) hoặc ngày nghỉ Lễ, còn những ngày còn lại là ngày làm việc (từ Thứ Hai đến Thứ sáu) thì không có vướng mắc gì. Theo quy định chung hiện nay đối với trường hợp thời hạn tính theo ngày, nếu như ngày bắt đầu để tính thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hay ngày nghỉ lễ thì vẫn phải tính. Còn ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Tuy nhiên, nếu ngày bắt đầu của thời hạn và ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần; còn những ngày khoảng giữa ngày bắt đầu và cuối cùng của thời hạn đều là ngày nghỉ lễ thì thời hạn 07 ngày theo khoản 1 Điều 212 và khoản 1 Điều 273 BLTTDS năm 2015 sẽ được tính như thế nào.
Ví dụ 1: Ngày 01/02/2019, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và tống đạt quyết định đình chỉ cho đương sự cùng ngày 01/02/2019. Theo quy định thì thời hạn kháng cáo của đương sự là từ ngày 02/02/2019 đến ngày 08/02/2019. Tuy nhiên, ngày 02-03/02/2019 là ngày nghỉ cuối tuần; ngày 04-08/02/2019 là ngày nghỉ Lễ Tết nguyên đán; ngày 09-10/02/2019 là ngày nghỉ cuối tuần. Vậy ngày 11/02/2019 (Thứ hai), nguyên đơn gửi đơn kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì thời hạn kháng cáo tính như thế nào (đương sự kháng cáo trong hạn hay quá hạn).
Ví dụ 2: Ngày 01/02/2019, Tòa án lập biên bản hòa giải thành trong một vụ án dân sự. Theo quy định nếu hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì ngày 09/02/2019 Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, ngày 09-10/02/2019 là ngày nghỉ cuối tuần nên theo quy định chung ngày 11/02/2019 Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Vậy ngày 11/02/2019 (Thứ hai), đương sự có được quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận không.
Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về tính thời hạn để Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và thời hạn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp 07 ngày đều là ngày nghỉ cuối tuần và ngày nghỉ lễ, nên thực tiễn có nhiều quan điểm khác nhau.
Có quan điểm cho rằng trong ví dụ 1 thì thời hạn kháng cáo của đương sự là đã hết nên ngày 11/02/2019 đương sự kháng cáo là quá hạn; trong ví dụ 2 thì ngày 11/02/2019 Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nên ngày 11/02/2019 đương sự không được quyền thay đổi ý kiến. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng trong ví dụ 1, ví dụ 2 do từ ngày 04-08/02/2019 là ngày nghỉ lễ nên không tính vào thời hạn, Tòa án chỉ tính thời hạn gồm các ngày nghỉ cuối tuần là ngày 02, 03, 09, 10/02/2019. Do đó, thời hạn cuối cùng để đương sự kháng cáo là đến ngày 13/02/2019 nên ngày 11/02/2019 đương sự kháng cáo là trong hạn; thời hạn để Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là ngày 14/02/2019 nên ngày 11/02/2019 đương sự có quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận.
Ngoài ra, cũng có ý kiến là để đảm bảo quyền lợi của đương sự thì từ ngày 02 – 10/02/2019 là không tính vào thời hạn nên ngày bắt đầu để tính thời hạn là từ ngày 11/02/2019.
Cùng một vấn đề nhưng trong thực tiễn lại có nhiều quan điểm khác nhau về cách tính thời hạn như đã nêu trên. Thiết nghĩ TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể hơn để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn cho thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
4 Bình luận
Trần Mỹ Phương
17:47 22/12.2024Trả lời
Xuân Phạm
17:47 22/12.2024Trả lời
Ninh Ninh
17:47 22/12.2024Trả lời
1 phản hồi
chidung333
17:47 22/12.2024Trả lời