Vướng mắc về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức
Qua nghiên cứu một số bản án hình sự về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” trong thời gian qua thấy rằng áp dụng pháp luật có nhiều vấn đề chưa thống nhất, như xác định số lượng tài liệu giải để định khung, định khoản; định tội đối với hành vi mua tài liệu giả sau đó bán lại; Giấy khám sức khỏe giả đã đầy đủ thông tin nhưng chưa có tên người khám...
Tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” được quy định tại Điều 341, Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015), Điều luật này bao gồm 02 tội danh là: “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Tội sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” đây là tội phạm ghép nên hành vi khác nhau như:
Đối với “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, bao gồm các hành vi: Đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức; vẽ, in, phôtô, viết, các kỹ thuật khác… để làm ra các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức.
Đối với “Tội sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, bao gồm các hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như bán lại cho người khác, giao nộp tài liệu giả cho cơ quan chức năng…
1. Về số lượng tài liệu làm giả để định khoản
Theo quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015 căn cứ vào số lượng con dấu, tài liệu giả để xác định hành vi phạm vào khoản 1, 2 hay 3 của, cụ thể như:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
…c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên”.
Đối với trường hợp loại tài liệu giả là giấy khám sức khỏe giả của một bệnh viện nhưng được làm giả với số lượng lớn thì xác định mỗi giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu giả hay tất cả giấy là một lại tài liệu giả thì vẫn có các quan điểm khác nhau.
Có quan điểm cho rằng tất cả các giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu vì các giấy tờ giả đó giống nhau (chỉ khác nhau về thông tin người khám), như Bản án số 47/2018/HS-ST ngày 11/10/2018 của TAND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An: Khoảng 17 giờ 10 phút ngày 18/7/2018, tổ công tác Công an huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An phối hợp với ban Công an xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ an tiến hành kiểm tra đối với cơ sở Photocoppy của B tại bản LS, xã LD, huyện Con Cuông, tỉnh nghệ An.
Quá trình kiểm tra, phát hiện thu giữ một số tài liệu giả gồm có: 08 mẫu giấy chứng nhận sức khỏe. Trong đó có 07 mẫu giấy chứng nhận sức khỏe chưa điền thông tin người khám và 01 mẫu giấy chứng nhận sức khỏe đã điền các thông tin có liên quan đến người khám. Phía dưới phần kết luận của 08 mẫu giấy nói trên có chữ ký của bác sỹ Hà Văn Q và bác sỹ Vi Văn T đã được in hình dấu tên của hai bác sỹ này và hình dấu đỏ mang tên Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An.
HĐXX tuyên bố bị cáo Phan Văn B phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1, Điều 341. Xử phạt bị cáo Phan Văn B 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng).
Như vậy, với số lượng 08 giấy khám sức khỏe giả được HĐXX nhận định là 01 loại tài liệu giả nên tuyên án Phan Văn B phạm vào khoản 1, Điều 341 BLHS 2015.
Có quan điểm khác cho rằng mỗi giấy khám sức khỏe giả là một tài liệu giả. Bản án số 35/2019/HSST ngày 22/4/2019 của TAND huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh xác định một giấy chứng nhận sức khỏe giả là một loại tài liệu.
Hồi 17 giờ 30 phút ngày 24/12/2018, tại quán nước của chị Trần Thị T ở thôn Mao Dộc, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Công S đã có hành vi viết họ và tên; địa chỉ của Vi Trung H vào tờ giấy khám sức khỏe giả (loại giấy A3) của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh rồi bán cho Vi Trung H lấy số tiền 240.000 đồng.
Khám xét chỗ ở của bị cáo thu giữ: 12 tờ giấy khám sức khỏe giả loại giấy A3; 02 tờ giấy ra viện giả loại giấy A5 đã đóng sẵn dấu tròn đỏ ghi “BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH” và dấu chức danh “GIÁM ĐỐC Hạ Bá Ch”, còn để trống mục thông tin
HĐXX tuyên bố bị cáo phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 3, Điều 341 BLHS. Xử phạt bị cáo 03 (Ba) năm tù, nhưng cho hưởng án treo.
Như vậy cùng một hành vi làm giả một loại giấy khám sức khỏe của một bệnh viện với số lượng lớn (trên 06) nhưng nhận định của mỗi HĐXX là khác nhau nên tuyên án đối với bị cáo là khác nhau.
Theo chúng tôi, một giấy khám sức khỏe giả đã có đầy đủ một các con dấu, chữ ký và được sử dụng đối với mỗi trường hợp khác nhau, quá trình làm ra là khác nhau, do đó mỗi giấy tờ khám sức khỏe giả là một loại tài liệu giả; nên căn cứ vào số lượng giấy khám sức khỏe giả để định khung, định khoản là phù hợp với thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này.
2. Xác định tội danh đối với hành vi mua tài liệu giả sau đó bán lại
Trường hợp đối tượng mua số lượng lớn giấy khám sức khỏe giả sau đó bán lại cho bên thứ 3, đối tượng này không có hành vi làm ra giấy khám sức khỏe giả cũng như chỉnh sửa hay thêm thông tin gì lên giấy khám sức khỏe giả, khi mua bán các bên đều biết đó là giấy chứng nhận sức khỏe giả.
Xác định tội danh đối với trường hợp này có các quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng đối tượng phạm tội “Tội sử dụng giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức”. Theo Bản án số 04/2019/HS-ST ngày 23/01/2019 của TAND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ngày 05/11/2018, Lâm Thị T gặp và mua của một người phụ nữ lạ mặt 80 tờ giấy khám sức khỏe với giá 20.000đ tờ để bán kiếm lời. Ngày 15/11/2018, T bán cho Lê Văn Q 50 tờ giấy khám sức khỏe với giá 90.000đ tờ, Q trả trước cho T 500.000đ và hẹn sáng hôm sau gặp nhau tại cầu Hải Quang I thuộc xóm 14 xã Hải Quang để giao nhận giấy khám sức khỏe và số tiền còn lại.
Khoảng 5 giờ 45 phút ngày 16/11/2018, T mang theo 50 tờ giấy khám sức khỏe đến điểm hẹn để giao cho Q thì bị Công an huyện Hải Hậu phối hợp Công an xã Hải Quang phát hiện bắt quả tang; thu giữ gồm: 50 tờ giấy khám sức khỏe có in dấu hình tròn màu đỏ nội dung “Công ty cổ phần Bệnh viện giao thông vận tải – Q.Đống Đa- TP. Hà Nội” trong đó cả 50 tờ đều chưa ghi thông tin người yêu cầu khám, 29 tờ đã điền đầy đủ thông tin các mục khám, có chữ ký của bác sỹ khám và 21 tờ đã điền thông tin các mục khám nhưng chưa có chữ ký của bác sỹ khám.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của T thu giữ thêm 30 tờ giấy khám sức khỏe có in dấu hình tròn màu đỏ nội dung “Công ty cổ phần Bệnh viện giao thông vận tải – Q.Đống Đa- TP. Hà Nội”, đã điền đầy đủ các mục khám nhưng chưa có chữ ký của bác sỹ khám, chưa ghi thông tin người đề nghị khám.
Hành vi nêu trên của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 34 BLHS. Tuyên bố bị cáo Lâm Thị T phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Xử phạt bị cáo Lâm Thị T 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ.
Như vậy với số lượng 80 tài liệu giả, bị cáo mua đi để bán lại nên bị tuyên phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Bên cạnh đó, vụ án này HĐXX cũng xác định số lượng 80 giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu giả nên chỉ tuyên Lâm Thị T phạm khoản 1, Điều 341.
Tuy nhiên có quan điểm khác cho rằng đối tượng phạm tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo Bản án số 33/2019/HSST Ngày 29/01/2019 của TAND quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, vào đầu năm 2018, Vũ Thị T2 xem trên mạng xã hội thấy có nhiều người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe để làm hồ sơ xin việc nên T2 nảy sinh ý định mua về để bán kiếm lời. Qua tìm hiểu T2 đã tìm được 02 tài khoản Zalo có bán giấy khám sức khỏe giả là tài khoản “Lặng Lẽ” và tài khoản “Hân Hoan”, T2 dùng tài khoản zalo của mình với tên “Thuy Vu” để liên hệ với các tài khoản zalo trên. Từ đó đến khi bị bắt tổng số giấy tờ giả T2 đã mua của hai nick “Lặng Lẽ” và “Hân Hoan” là khoảng 500 tờ các loại.
Để bán số giấy tờ trên, T2 đăng tin trên tài khoản facebook của T2 là “Thu Thu” với nội dung “Bán giấy khám sức khỏe cho người nộp hồ sơ xin việc” kèm theo số điện thoại. T2 đã bán được khoảng 300 tờ và thu lời khoảng hơn 10.000.000 đồng.
Khoảng đầu tháng 8/2018, T2 có gọi điện đến số của D thuê D đi giao giấy khám sức khỏe giả cho khách, D đồng ý. Mỗi lần đi giao cho khách D đều đến nhà T2 để lấy, T2 đưa cho D túi hồ sơ bên trong đựng giấy khám sức khỏe giả, bên ngoài có ghi số điện thoại của khách mua. D đều biết bên trong có giấy khám sức khỏe giả vì đã đi giao cho khách và kiểm tra nhiều lần. Sau đó, D mang đi giao cho khách và thu tiền về đưa cho T2, mỗi lần đi giao D được T2 trả công khoảng 35.000 đồng đến 50.000 đồng. D đã chuyển cho Nguyễn Văn TH ở khu vực Miếu Đồng Cổ, Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội khoảng 10 lần.
Đến khoảng cuối tháng 8/2018, những người khách D đi giao hộ T2 có liên lạc với D hỏi mua Giấy khám sức khỏe (do D là người trực tiếp đi giao và liên hệ với các khách hàng thông qua số điện thoại bằng số điện thoại của mình). Sau đó, D đã mua lại của T2 để bán lại kiếm lời. D đã mua từ T2 khoảng 100 tờ giấy khám sức khỏe các loại, đã bán được khoảng 30 tờ, thu lời khoảng hơn 500.000 đồng.
Khoảng tháng 8/2018, qua tìm hiểu trên mạng Internet, Nguyễn Văn TH thấy có nhiều người cần có giấy khám sức khỏe để xin việc cho nên T2 đã nảy sinh ý định mua giấy khám sức khỏe giả để bán kiếm lời. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, TH tìm được dòng “Bán giấy khám sức khỏe cho người nộp hồ sơ xin việc” kèm theo số điện thoại. TH kết bạn Zalo qua số điện thoại trên thì thấy hiện tài khoản Zalo là “Thuy Vu” (chính là Vũ Thị T2), TH đã dùng tài khoản Zalo “Anh Tuấn” để liên lạc với T2. Qua trao đổi thống nhất, TH mua của T2. Các lần giao dịch mua giấy khám sức khỏe giả giữa TH và T2 đều do Nguyễn D mang đến cho T2 tại khu vực Miếu Đồng Cổ, Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội (do T2 bị tàn tật không đi lại được nên đã thuê D chuyển hộ và trả tiền công cho D).
Sau khi giao dịch, TH trả tiền mua số giấy tờ giả cho D và D mang về cho T2. Sau khi mua được giấy khám sức khỏe trên, TH đăng tin trên tài khoản facebook “Trái Tim Lạnh” với nội dung “có giấy khám sức khỏe để xin việc làm, ai mua thì liên hệ”. Ai hỏi mua sẽ liên hệ với TH qua mạng xã hội, TH trực tiếp đi bán cho khách hoặc thuê xe ôm trên mạng để đi giao cho người mua. TH đã mua được từ T2 khoảng 200 tờ giấy khám sức khỏe giả các loại và đã bán được khoảng 100 tờ, thu lời khoảng hơn 3.000.000 đồng. Khoảng 11giờ 40 phút ngày 08/9/2018, khi TH đang đi bộ để đi bán giấy khám sức khỏe giả thì bị cơ quan Công an bắt quả tang cùng tang vật.
HĐXX nhận định những căn cứ xác định tội danh: Từ khoảng đầu năm 2018, Vũ Thị T2 đã có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức với hình thức mua bán Giấy khám sức khỏe các loại với số lượng hơn 300 tờ và thu lời khoảng hơn 10.000.000 đồng.
Từ khoảng đầu tháng 8/2018, Nguyễn D đã giúp Vũ Thị T2 bán giấy khám sức khỏe giả. Cuối tháng 8/2018, D đã có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức với hình thức mua bán Giấy khám sức khỏe các loại với số lượng hơn 30 tờ và thu lời khoảng hơn 500.000 đồng.
Từ khoảng từ đầu tháng 8/2018, Nguyễn Văn TH đã có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức với hình thức mua bán Giấy khám sức khỏe các loại với số lượng hơn 100 tờ và thu lời khoảng hơn 3.000.000 đồng. Ngoài ra, TH đã bị thu giữ tổng số 72 tờ giấy khám sức khỏe giả các loại.
Hành vi của các bị cáo Vũ Thị T2, Nguyễn D và Nguyễn Văn TH đã phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo chúng tôi, hành vi mua bán giấy khám sức khỏe giả để bán lại mà định tội danh là “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là chưa thật sự phù hợp, việc xác định mua bán là phương thức để làm giả tài liệu là không chính xác vì lúc này việc làm giả tài liệu đã hoàn thành và các đối tượng mua tài liệu không có các hành vi khách quan để làm ra tài liệu giả.
Vì vậy, hành vi mua giấy khám sức khỏe sau đó bán lại là phạm vào “Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là phù hợp với cấu thành của tội phạm.
3. Đối với trường hợp giấy khám sức khỏe đã đầy đủ con dấu, chữ ký nhưng thiếu thông tin người khám.
Trong các vụ án trên, các giấy khám sức khỏe chưa có thông tin người khám, nhưng đã đủ con dấu, chữ ký thì có được làm căn cứ định tội, định khung để tuyên án đối với bị cáo hay không?
Có quan điểm cho rằng, những giấy khám sức khỏe như vậy không là căn cứ để định khung, định tội đối với bị cáo. Theo Bản án số 69/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 của TAND huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, ngày 17/9/2018, Lê Văn T đã làm 01 giấy khám sức khỏe giả của Bệnh viện đa khoa huyện N nay là Trung tâm y tế huyện N bán cho Nguyễn Thị H với giá 100.000 đồng, H biết là giấy khám sức khỏe giả và H bán cho Đinh Văn V với giá 300.000 đồng 01 giấy.
Khi Nguyễn Thị H đang bán 01 giấy khám sức khỏe giả của Bệnh viện đa khoa huyện N nay là Trung tâm y tế huyện N cho Đinh Văn V tại nhà Nguyễn Thị H, ở Tổ dân phố xx, Thị trấn Đ thì bị lực lượng Công an huyện Nghĩa Hưng phát hiện bắt quả tang hồi 14 giờ 30 phút, ngày 17/9/2018.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Văn T, T đã tự giác giao nộp 12 con dấu, trong đó có 01 dấu tròn của Bệnh viện đa khoa huyện N, 06 dấu chữ ký, 05 dấu chức danh của các y bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện N nay là Trung tâm y tế huyện N; 05 phôi giấy khám sức khỏe chưa có ảnh, chưa ghi tên, địa chỉ người khám sức khỏe nhưng đã ghi đầy đủ thông tin về kết quả khám sức khỏe.
HĐXX nhận định: Ngày 17/9/2018, Lê Văn T đã làm 01 giấy khám sức khỏe giả của Bệnh viện đa khoa huyện N bán cho Nguyễn Thị H. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước. Đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự thấy đủ cơ sở kết luận các bị cáo Lê Văn T và Nguyễn Thị H đã phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo khoản 1 Điều 341 BLHS.
Như vậy, trong vụ án này Lê Văn T đã làm 06 giấy khám sức khỏe giả (trong đó có 05 phôi và 01 hoàn chỉnh), theo đó hành vi của Lê Văn T phạm vào khoản 3, Điều 341, nhưng HĐXX chỉ xác định Lê Văn T làm giải 01 giấy khám sức khỏe (đã có thông tin người khám) nên chỉ phạm vào khoản 1, Điều 341.
Tuy nhiên có quan điểm cho rằng những giấy khám sức khỏe giả ấy là căn cứ để định khung, định khoản đối với bị cáo, như vụ án hình sự. Theo Bản án phúc thẩm số 55/2018/HS -PT ngày 13/11/2018 của TAND tỉnh Bắc Ninh, khoảng đầu tháng 2/2017, bị cáo Nguyễn Minh K có thuê phòng trọ của gia đình ông Nguyễn Đình G, sinh năm 1950 ở thôn M, xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh để mở quán phôtô và chụp ảnh thẻ. Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 20/6/2018, K đang ở quán phô tô thì có một người đàn ông K không quen biết vào giới thiệu tên là S ở thị trấn P, huyện Q vào quán đặt vấn để bán giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Quân y 110- Bắc Ninh cho K. K đồng ý và mua của S 24 tờ giấy khám sức khỏe loại giấy A3 đã ghi sẵn các nội dung tại các mục khám và Phần Kết luận có đóng dấu tròn đỏ ghi “PHÒNG KHÁM BỆNH – BỆNH VIỆN 110 người ký “BSCKI: NGUYỄN VĂN C” còn để trống mục thông tin về người khám. 01 tờ giấy chứng nhận nghỉ ốm điều trị bệnh loại giấy A5, 02 quyển sổ khám bệnh bìa màu xanh. S và K thống nhất mỗi tờ giá 100.000 đồng, khi nào bán được giấy khám sức khỏe thì K mới trả tiền cho S.
Khoảng 09 giờ 10 phút cùng ngày, có Lại Thị Thùy Ch, sinh năm 1993, HKTT: Thôn B, xã C, huyện H, tỉnh Lạng Sơn và Phạm Thị Tuyết Tr, sinh năm 1997, HKTT: Thôn K, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định vào quán. Thùy Ch hỏi K“Chú có giấy khám sức khỏe không? bán cho cháu một tờ, K trả lời “Có”. Sau đó, K lấy 01 tờ giấy khám sức khỏe ra và hỏi tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của Thùy Ch để viết vào giấy khám sức khỏe. Ch cầm và đưa cho K 150.000 đồng đúng lúc đó thì bị lực lượng Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an xã P, huyện Quế Võ bắt quả tang.
Với nội dung nêu trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 149/2018/HSST ngày 19 tháng 9 năm 2018 của TAND huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử và tuyên bố bị cáo Nguyễn Minh K phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1, khoản 4 Điều 341.
Ngày 16/10/2018, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Ninh Quyết định kháng nghị phúc thẩm với nội dung: Kháng nghị phần tuyên án áp dụng khoản 1 Điều 341 BLHS và hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm.
HĐXX nhận định: Nguyễn Minh K có hành vi làm giả 24 giấy khám sức khỏe đã ghi sẵn nội dung, 01 tờ giấy chứng nhận nghỉ ốm điều trị bệnh và 02 quyển sổ khám bệnh của Bệnh viện Quân y 110 nhằm bán kiếm lời. Hành vi của bị cáo Nguyễn Minh K đã phạm vào tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” với tình tiết định khung tăng nặng “làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS. Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo mới làm giả 01 giấy khám sức khỏe bán cho chị Lại Thị Thùy Ch và xét xử bị cáo K về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1 Điều 341 BLHS.
Qua vụ án trên thấy rằng K mua bán 24 giấy khám sức khỏe, xác định số lượng giấy khám sức khỏe giả chưa có thông tin người khám làm căn cứ để định khung, định khoản là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên trong 24 giấy khám sức khỏe giả K, thì K chỉ làm giả 01 giấy (giấy ghi thông tin để bán); 23 giấy còn lại K chỉ mua lại của người khác, không có các hành vi làm giả tài liệu nên HĐXX tuyên K phạm “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là chưa thật sự chính xác mà phải là “Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo chúng tôi, giấy khám sức khỏe đã đầy đủ thông tin, chữ kỹ, con dấu nhưng chưa có thông tin người khám là đã cấu thành tội phạm, do đó là căn cứ để định khung, định khoản đối với bị cáo.
Qua một số vụ án trên thấy rằng, thực tiễn áp dụng quy định đối với tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015 còn có nhiều vấn đề, quan điểm khác nhau, do đó cần có sự hướng dẫn thống nhất của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để áp dụng thống nhất trong quá trình xét xử vụ án hình sự có liên quan./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận