Xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá: Hô biến nhiều hecta đất lâm nghiệp thành nơi khai thác khoáng sản trái phép?
Bài 2: Lập biên bản xử lý hay chỉ để “che mắt” dư luận?
Tapchitoaan.vn đã có bài viết phản ánh lợi dụng việc tận thu đất thừa trong quá trình cải tạo xin hạ thấp độ cao khu đất nông lâm nghiệp tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị móc ruột để khai thác, mua bán khoáng sản, tài nguyên đất. Khiến nhiều vị trí khai thác, san gạt đã bị biến dạng địa hình,... Mới đây, chúng tôi thu thập thêm nhiều tài liệu về những vi phạm khác của công ty Việt Lào, thực trạng đáng buồn hơn là sự thờ ơ, buông lỏng quản lý tại đây.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 322 giấy phép KTKS còn hạn do UBND tỉnh cấp, 15 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp. Ngoài ra, theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023, có 557 khu vực mỏ khoáng sản, chủ yếu là đá, cát xây dựng, đất san lấp được quy hoạch để khai thác. Theo đánh giá từ ngành chức năng, hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hằng năm từ 800 - 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát cũng cho thấy tình trạng KTKS trái phép, khai thác ra ngoài vị trí mỏ được cấp phép; khai thác vượt công suất... ở một số nơi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân của thực trạng trên cũng đã được ngành chức năng chỉ rõ tại nhiều hội nghị chuyên ngành, các cuộc giao ban chuyên môn đó là vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý chưa cao. Đối với việc khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới, một phần trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước như: Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có mỏ được cấp do chưa kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khách quan khác liên quan đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân tăng so với yêu cầu thực tế; nhận thức trong thực thi quy định KTKS của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế...
Chỉ đạo liên tục, nhưng... bất lực trong xử lý
Trao đổi với phóng viên sau khi Tạp chí Toà án nhân dân có bài phản ánh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu Việt Lào ngang nhiên khai thác đất trái phép tại khu đất lâm nghiệp tại thôn Tâm Tiến, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Dũng - Cán bộ Địa chính xây dựng cho biết: “Chúng tôi đã rất quyết liệt xử lý khi phát hiện ra việc khai thác đất trái phép của cty Việt Lào, hiện tại theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu doanh nghiệp không được khai thác để cơ quan chức năng xử lý vi phạm, nếu công ty Việt Lào còn tiếp tục khai thác, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND huyện Triệu Sơn để công an xử lý ...”.
Phóng viên có buổi làm việc với ông Trịnh Văn Dũng - Cán bộ Địa chính xây dựng xã Hợp Thắng về việc khai thác đất trái phép tại khu đất lâm nghiệp thôn Tâm Tiến, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Cũng qua báo các báo cáo cụ thể của UBND xã Hợp Thắng thì UBND huyện Triệu Sơn cũng ráo riết hàng năm ra các văn bản nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, xâm lấn vị trí đất lâm nghiệp của công ty Việt Lào. Cụ thể, tại công văn số 4717/ UBND-TNMT, ngày 26/9/2022 của UBND huyện Triệu Sơn về việc tạm dừng tận thu đất thừa trong cải tạo, hạ thấp độ cao mặt bằng xây dựng nhà ở và cây trồng tại xã Hợp Thắng của Cty TNHH Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu Thương mại Việt Lào. Tại đây đã yêu cầu UBND xã Hợp Thắng báo cáo sai phạm của về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản của cty Việt Lào tại khu vực đất được UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép tận thu.
Tiếp sau đó là những văn bản báo cáo qua lại giữa UBND xã Hợp Thắng và UBND huyện Triệu Sơn để chấn chỉnh tình trạng trên. Tuy nhiên thực tế cho thấy, xử phạt nhẹ nhàng không có tính răn đe, hoặc còn qua loa... Bởi vậy, chỉ một thời gian sau công ty Việt Lào lại tiếp tục đưa máy móc vào để khai thác như chưa từng có chuyện gì xảy ra, mặc kệ cho các văn bản xử phạt của các cấp chính quyền sở tại.
Theo báo cáo số 523/BC-UBND xã Hợp Thắng, ngày 25/12/2023, chỉ đạo của đồng chí trưởng phòng TNMT tiếp tục yêu cầu UBND xã Hợp Thắng báo cáo việc kiểm tra về hoạt động khai thác trái phép của mỏ Việt Lào để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả nêu rõ UBND xã nhiều lần báo cáo lên UBND huyện và Phòng TNMT huyện Triệu Sơn để tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao.
Không chỉ UBND huyện chỉ đạo hàng năm, bên cạnh đó còn có sự vào cuộc của Công an tỉnh Thanh Hoá cũng đã kiểm tra và xử lý vi phạm đối với công ty Việt Lào, tại quyết định số 2855/QĐ-XPHC ngày 15/12/2022 với số tiền phạt là 50 triệu đồng, và yêu cầu công ty Việt Lào khắc phục lại những vi phạm mà công ty này gây ra.
Có thể thấy, khẩu khí của vị cán bộ địa chính xây dựng xã Hợp Thắng và các văn bản báo cáo chỉ đạo của các cấp chính quyền khá mạnh mẽ và liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo PV phóng viên tìm hiểu thì nhiều năm qua cty Việt Lào chỉ bị xử phạt nhiều lần nhưng sau đó lại ngang nhiên khai thác đất trái phép tại nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn xã Hợp Thắng. Không hiểu tại sao Cty Việt Lào vẫn vượt mặt các cơ quan chức năng để tiếp tục khai thác được như vậy?
Tài nguyên bị thất thoát, cán bộ… có thờ ơ?
Để chứng minh cho sự quyết liệt trong xử lý sai phạm, tại buổi làm việc với PV Tạp chí Toà án nhân dân, chủ tịch UBND xã Hợp Thắng đã cung cấp nhiều tài liệu về việc xử lý, trong đó có thông tin kỷ luật của UBND huyện Triệu Sơn đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo xã Hợp Thắng.
Tuy nhiên, như đã phản ánh, một sự thật vẫn diễn ra trong nhiều năm là tại sao UBND huyện và xã vào cuộc như vậy mà Cty Việt Lào vẫn khai thác đất lâm nghiệp và bán đất trái phép tràn lan với khối lượng lớn? Phải chăng công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của các cơ quan chức năng địa phương còn nhiều lỏng lẻo hay có sự móc ngoặc, “chống lưng” cho sai phạm?
Trên báo Thanh Hoá ra ngày 19/3/2024, có đăng; "Ông Nguyễn Thế Hùng, trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: "Nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động KTKS trái phép, đặc biệt là khoáng sản cát sỏi lòng sông, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát trong hoạt động này. Năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở TN&MT đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm một số đơn vị, cá nhân khai thác trái phép, khai thác ngoài mốc giới mỏ được cấp, khai thác vượt công suất như: Công ty Đức Lộc khai thác cát vượt công suất, trữ lượng, ngoài mốc giới tại mỏ cát số 41 xã Quý Lộc, huyện Yên Định; Công ty Tân Hải, khai thác ra ngoài mốc giới mỏ được cấp tại mỏ đá vôi xã Hà Tân, huyện Hà Trung; Công ty TNHH Phú Sơn, khai thác ra ngoài mốc giới mỏ được cấp tại mỏ đá vôi xã Nga An, huyện Nga Sơn... Trong năm 2023, đã tổ chức kiểm tra hoạt động KTKS đối với 26 đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều cuộc qua phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn KTKS trái phép. Tuy nhiên, tình trạng KTKS trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm". Nhưng tại đây không hề thấy ông Hùng nhắc tới những vi phạm kéo dài nhiều năm của công ty Việt Lào, cũng như cách xử lý dứt điểm về điểm nóng khai thác đất trái phép này, dư luận đặt câu hỏi, vậy nhiều lần chính quyền tại huyện Triệu Sơn lập biên bản xử phạt công ty Việt Lào hay chỉ để “che mắt” dư luận?
Văn bản số 5058/STNMT-TNKS của Sở TNMT tỉnh Thanh Hoá gửi chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thông tin về việc khai thác đất trái quy định của công ty Việt Lào.
Động thái gần đây nhất, ngày 16/3/2024 UBND huyện Triệu Sơn có thông báo số 110/TB-UBND yêu cầu UBND xã Hợp Thắng làm việc với các hộ là chủ sử dụng đất để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về đất đai, đưa các khu vực đã bị khai thác trái phép về trạng thái an toàn. Yêu cầu trình UBND huyện xem xét thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm. Cũng tại thông báo này UBND huyện yêu cầu cty Việt Lào làm rõ nguồn gốc, khối lượng đất đã vận chuyển đưa từ ngoài vào tập kết tại khu vực mỏ (khối lượng đất có màu sắc, cấu tạo khác với màu sắc, cấu tạo đất của mỏ).
Để làm rõ thêm thông tin, PV Tạp chí Toà án nhân đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Triệu Sơn. Sau nhiều lần thông tin trao đổi đến nay vẫn chưa thể làm việc với cơ quan này, với lý do đồng chí trưởng phòng TNMT huyện bận và quên chưa phản hồi.
Có thể thấy, thông qua cách hành xử của cán bộ và UBND huyện Triệu Sơn chưa thật sự quyết liệt thì không có gì là khó hiểu khi doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác đất trái phép trong nhiều năm qua. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp không chỉ gây hậu quả về mặt dân sinh, môi trường mà còn gây thất thoát một lượng lớn tài nguyên của đất nước và số tiền thu được từ việc bán đất trái phép này “chui” vào túi ai cần được UBND huyện Triệu Sơn và các ban ngành tỉnh Thanh Hóa làm rõ.
Bài 3: Lộ diện người đứng sau hoạt động khai thác đất trái phép
Bài liên quan
-
Xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá: Hô biến nhiều hecta đất lâm nghiệp thành nơi khai thác khoáng sản trái phép?
Kỳ 3: Sai phạm nối tiếp sai phạm tại sao không xử lý triệt để? -
Xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá: Hô biến nhiều hecta đất lâm nghiệp thành nơi khai thác khoáng sản trái phép?
Bài 1: Khai thác khoáng sản trái phép, máu tài nguyên đang chảy? -
Bắt thêm 3 bị can liên quan tới vụ án đưa, nhận hối lộ tại tỉnh Thanh Hóa
-
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trao học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng cho học sinh vượt khó tỉnh Thanh Hóa
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận