Xác định hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa có khuyết tật

Bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật về việc xác định hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa có khuyết tật là một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, thực tiễn áp dụng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

Theo quy định tại Điều 608 của BLDS năm 2015 “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Tuy không thay đổi bản chất của vấn đề nhưng tại khoản 1 Điều 23 Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) năm 2010 lại dùng thuật ngữ có khuyết tật và cụ thể là “1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng….”. Như vậy, hàng hóa không đảm bảo chất lượng hay hàng hóa có khuyết tật là một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD. Tuy nhiên, khi nào sử dụng cụm từ “hàng hóa không đảm bảo chất lượng” và khi nào sử dụng cụm từ “hàng hóa có khuyết tất” lại không có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

1.1. Sự không rõ ràng trong văn bản của khái niệm hàng hoá không đảm bảo chất lượng

1.1.1 Sự không rõ ràng của khái niệm hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Tại Điều 630 của BLDS năm 2005 hay Điều 608 của BLDS năm 2015 chỉ đề cập đến chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường. Mặc dù, BLDS năm 2015 đã thu hẹp phạm vi chủ thể đó là “Chủ thể khác” nhưng về bản chất thì không thay đổi. Từ đó cho thấy, BLDS chỉ nêu ra hàng hóa không đảm bảo chất lượng nhưng không có tiêu chí để đánh giá thế nào là hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Luật quy định chung chung, không cụ thể và không đưa ra được tiêu chí để áp dụng. Để hiểu được thế nào là hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì không tìm ra một định nghĩa cụ thể, không một cuốn sách, không một quy định và không có bất cứ một tác giả nào đề cập đến vấn đề này mà chỉ bắt gặp những khái niệm mang tính đơn lẻ.

Chất lượng là một khái niệm quen thuộc trong đời sống tất cả mọi người, người ta có thể đánh giá qua nhiều tiêu chí khác nhau là khả năng sử dụng hay khả năng hưởng dụng của sản phẩm. Ngày nay, chất lượng sản phẩm hàng hóa không những là thước đo quan trọng khẳng định sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn là chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại và sức cạnh tranh của nền kinh tế[1]. Theo nghĩa thông thường hiện nay thì chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của vật[2]. Như vậy, chất lượng chỉ sự tốt hay xấu của một sản phẩm hàng hóa.

Theo quy định tại Điều 432 của BLDS năm 2015 chất lượng của tài sản được quy định như sau: Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thoả thuận. Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Khi các bên không có thoả thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặc dù, tác giả đang xét đến giao dịch dân sự ngoài hợp đồng nhưng với quy định trên cho thấy dù quan hệ dân sự đó phát sinh trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng thì vấn đề chất lượng được coi như vấn đề tiên quyết được đem ra đánh giá giá trị của một hàng hóa nhất định. Do đó, chất lượng có vai trò quan trọng trong việc giao kết hợp đồng và mua bán. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa trong trường hợp này do các bên thỏa thuận nhưng việc thỏa thuận chất lượng không được thấp hơn chất lượng mà các bên công bố hoặc là quy định của nhà nước. Điều luật này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ bên mua trong việc xác định chất lượng tài sản mua bán đồng thời ràng buộc nghĩa vụ đối với bên bán[3].

Hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi hay buôn bán, BLDS quy định “hàng hóa không đảm bảo chất lượng” và không giải thích gì thêm làm cho người đọc không hiểu hoặc hiểu theo định nghĩa riêng của mình. Do đó, dù là phân thành những khái niệm đơn lẻ cũng không thể nào hiểu được như thế nào là hàng hóa không đảm bảo chất lượng, văn bản pháp luật không quy định dẫn đến mỗi người có một cách nhìn chủ quan.

 1.1.2. Sự không rõ ràng của khái niệm hàng hoá có khuyết tật

Khác với BLDS năm 2015 thì Luật BVQLNTD năm 2010 không sử dụng cụm từ “hàng hoá không đảm bảo chất lượng” mà đề cập thẳng đến “hàng hóa có khuyết tật”. Theo khoản 3 Điều 1 Luật BVQLNTD quy định “Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng”. Hàng hóa có khuyết tật bao gồm: Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho NTD[4].

Không những từ trong định nghĩa mà trong việc quy định vấn đề bồi thường thiệt hại cũng có một sự bất hợp lý. Nếu như BLDS quy định chủ thể kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì phải bồi thường thì Luật BVQLNTD quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD.

Như vậy, hàng hóa có khuyết tật và hàng hóa không đảm bảo chất lượng không giống nhau và ngữ nghĩa của hai cụm từ “Khuyết tật” và “Không đảm bảo chất lượng” cũng không đồng nhất với nhau. Điều này cho thấy, có một sự không thống nhất giữa BLDS và Luật BVQLNTD.

 1.2. Sự không rõ ràng trong thực tiễn về khái niệm hàng hoá không đảm bảo chất lượng

Từ việc phân tích các quy định của pháp luật về hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa có khuyết tật ở các mục trên. Tác giả nhận thấy, các nhà làm luật đang muốn hướng đến một ý nghĩa chung là dù không đảm bảo chất lượng hay hàng hóa có khuyết tật thì đều có kết quả là hàng hóa không đúng như cam kết, lợi ích hoặc những giá trị khác như các bên đã thỏa thuận mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, đã là luật pháp thì không thể quy định chung chung dẫn đến mỗi người có một cách hiểu khác nhau, mỗi người sử dụng một khái niệm khác nhau, thể hiện sự không thống nhất trong cách làm luật dẫn đến sự bất cập trong thực tiễn. Tác giả sẽ đi vào phân tích bản án sau:

Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình Minh khởi kiện bị đơn là Công ty TNHH Coca-Cola về việc bà Minh mua một chai nước cam ép Splash với giá 10.000 đồng. Bên trong chai nước có chứa vật thể lạ là hai ống thủy tinh vỡ và một mảnh giấy nhỏ màu trắng đục. Bà Minh cho rằng đây là sản phẩm của Công ty TNHH Coca-Cola nên yêu cầu bồi thường cho bà Minh số tiền mua một chai nước cam ép; có văn bản giải thích rõ với NTD vì sao lại có vật thể lạ trong sản phẩm và công khai xin lỗi bà Minh và NTD nói chung trên 05 số báo liên tiếp[5]. Thẩm phán đã áp dụng Điều 630 của BLDS năm 2005 tổ chức sản xuất kinh doanh “hàng hóa không đảm bảo chất lượng” thì phải bồi thường cho NTD. Tuy nhiên, khi nhận định trong bản án thì Tòa án đã mặc nhiên sử dụng “hàng hóa có khuyết tật” đây là khái niệm được sử dụng trong Luật BVQLNTD năm 2010. Cụ thể Tòa án cho rằng “Vì hàng hóa (vật chứng mà nguyên đơn khởi kiện) không phải do Coca-Cola Việt Nam hoàn thiện (dập nắp) nên không có căn cứ xác định Coca Cola Việt Nam có lỗi đối với hàng hóa có khuyết tật mà nguyên đơn khởi kiện”, “Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn số tiền mua một chai nước cam ép Splash của Coca – Cola Việt Nam, yêu cầu giải thích với NTD về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp chất, ống thủy tinh trong sản phẩm nước cam ép Splash và công khai xin lỗi về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường”.

Như vậy, Tòa án đã sử dụng khái niệm “hàng hóa có khuyết tật” và được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong phần nhận thấy của bản án. Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật, Tòa án lại áp dụng BLDS năm 2005 trong khi đó BLDS năm 2005 chỉ dùng một khái niệm duy nhất “hàng hóa không đảm bảo chất lượng”. Từ thực tiễn cho thấy Tòa án đã đồng nhất hai khái niệm “hàng hóa có khuyết tật” và “hàng hóa không đảm bảo chất lượng” là một.

 1.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Khác với quy định của Việt Nam, đối với pháp luật Anh về cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, phần I Luật BVQLNTD 1987 quy định người yêu cầu bồi thường, kể từ ngày 1/3/1998[6] và phải chứng minh các yếu tố sau: Sản phẩm có khuyết tật; người thiệt hại mà yêu cầu bồi thường  phải gánh chịu xuất phát từ sản phẩm có khuyết tật và thứ ba là bị đơn là người sản xuất ra sản phẩm đó hoặc là người có trách nhiệm tương tự như người sản xuất thực tế. Từ quy định của pháp luật Anh, thấy rằng họ cũng sử dụng thuật ngữ “sản phẩm có khuyết tật” nhưng kèm theo đó là phải chứng minh ba yếu tố như tác giả đã phân tích ở trên, có nghĩa việc bồi thường này có điều kiện khác với quy định của Việt Nam thì hàng hóa không đảm bảo chất lượng là điều kiện đầu tiên để quy trách nhiệm cho chủ thể sản xuất kinh doanh hàng hóa.

Luật BVQLNTD năm 2010 và BLDS năm 2015 có tính thống nhất ở chỗ khi hàng hóa không đạt chất lượng gây thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, Luật BVNTD còn hạn chế về mặt ngữ nghĩa, đồng thời cũng hạn chế nếu có trường hợp cụ thể xảy ra. Khi đã xác định hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì không thể áp dụng Luật BVQLNTD. Nếu ý kiến chủ quan của Thẩm phán, mặc nhiên để xác định đó là hàng hóa không đảm bảo chất lượng hoặc đó là hàng hóa có khuyết tật, thì dẫn đến sự thao túng khi áp dụng các quy định pháp luật.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là các văn bản quy định pháp luật không thống nhất. Như bản án mà tác giả phân tích ở trên các nhà làm luật mặc nhiên hiểu rằng hàng hóa có khuyết tật cũng là hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa có khuyết tật được quy định trong Luật BVQLNTD còn BLDS năm 2015 không hề đề cập đến cụm từ này, nhưng thực tiễn xét xử lại cố tình áp dụng, khi nhận định là “hàng hóa có khuyết tật” nhưng khi quyết định lại áp dụng điều luật của BLDS. Từ những lập luận trên tác giả kiến nghị như sau:

Nếu BLDS đã quy định rõ về vấn đề này thì Luật BVQLNTD nên thống nhất tránh những trường hợp thực tế đã mắc phải. Kiến nghị sửa, đổi Luật BVQLNTD như sau tại khoản 1 Điều 23 Luật BVQLNTD quy định “1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật……” nên sửa lại “Tổ chức, cá nhân kinh doang hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa không đảm bảo chất lượng….”. Đồng thời, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị Quyết hướng dẫn về “hàng hóa không đảm bảo chất lượng” tại Điều 608 của BLDS năm 2015. Cần phải đưa ra các tiêu chí để đánh giá một sản phẩm không đảm bảo chất lượng, để việc xét xử có một quy chuẩn thống nhất, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện và áp đặt ý chí chủ quan trong quá trình xét xử.

 

[1] Chu Đức Nhuận (2008), “Vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (8), tr.44.

[2] Viện Ngôn ngữ học (1996), Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng, tr.139

[3] Đỗ Văn Đại (2012), Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự – Bản án và bình luận bản án, NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, tập 1, tr.39.

[4] Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương (2016), Hỏi – Đáp pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXB. Hồng Đức, tr.49.

[5] Phụ lục 01: Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2015/DS-ST ngày 15 và 23/9/2015 của Tòa án nhân dân Quận Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội về việc tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[6] Phạm Thị Phương Anh (2003), Cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sản phẩm có khuyết tật, nghiên cứu so sánh Luật Việt Nam và Luật Anh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.16.

NGUYỄN THỊ MAI ( TAND huyện Bàu Bàng, Bình Dương)