Xác định mức nộp án phí đối với đương sự thuận tình ly hôn
Trên cơ sở Luật phí, lệ phí năm 2015, có hiệu lực thi hành 1/1/2017 (Luật phí, lệ phí), ngày 30/12/2016 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH). Nghị quyết này đã bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Qua thời gian ngắn triển khai thi hành trên thực tiễn, qua nghiên cứu, phân tích các quy định liên quan của pháp luật, và qua trao đổi với một số Thẩm phán, kiểm sát viên tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... cho thấy trong nội bộ trong một Tòa và giữa các Tòa án đã có các quyết định khác nhau về án phí dân sự sơ thẩm mà các đương sự phải nộp trong vụ án hôn nhân gia đình tại quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự trước khi mở phiên tòa sơ thẩm do Tòa án ban hành . Cụ thể, có Thẩm phán quyết định mức án phí sơ thẩm là 300.000 đồng (mỗi bên chịu 50% mức này) và có Thẩm phán quyết định mức án phí sơ thẩm là 150.000 đồng (mỗi bên chịu 50% mức này). Như vậy, trong thực tiễn, hiện đang có hai quan điểm và mỗi quan điểm đều có sự hợp lý nhất định do vấn đề này hiện nay theo quy định của pháp luật hoàn toàn “chưa rõ ràng”.
- 1.Quy định của BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án ly hôn
Khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm quy định:“…Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.”
Khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”.
Khoản 7 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định: “…Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”.
Với 3 quy định nêu trên đã làm phát sinh 2 cách hiểu: (i) mỗi đương sự phải chịu 50% toàn bộ mức án phícủa vụ án không có giá ngạch (300.000 đồng – mỗi đương sự chịu 150.000 đồng, chỉ căn cứ điểm akhoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH); và (ii)mỗi đương sự phải chịu 50% của mức án phí áp dụng(50% của toàn bộ mức án phí – tương ứng 150.000 đồng và mỗi đương sự chịu 75.000 đồng, căn cứ khoản 7 Điều 26 và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH).
Có hai cách hiểu nêu trên còn xuất phát từ việc: quy định tại đoạn 2 khoản 3 Điều 147 BLTTDS chỉ đề cập đến 50% án phí sơ thẩm (chứ không phải là mức án phí) và quy định này không phải là mới so với trước đây[1], trong khi tại khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP) hướng dẫn rất rõ là “…các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định”[2];và xuất phát từ quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định về mức án phí, lệ phí Tòa án giải thích: “Mức án phí, lệ phí Tòa án được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này” (nghĩa là 300.000 đồng).
Như vậy, vấn đề đặt ra là “mức án phí” nêu tại khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH và “án phí sơ thẩm” quy định tại đoạn 2 khoản 3 Điều 147 BLTTDS (phải được ngầm định là có chung một nội hàm) được giải thích theo khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH hay theo khoản 7 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH?
- Quan điểm thứ nhất: Mỗi bên phải chịu 50% của toàn bộ mức án sơ thẩm
Thứ nhất: Điều 27Nghị quyết 326/2016/UBTVQH là điều luật quy định riêng về “nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể”, trong đó có quy định cụ thể vềnghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp thuận tình ly hôn trong vụ án hôn nhân gia đình. Trong khi đó, tại Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH là điều luật quy định các nguyên tắc chung về “nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm”. Vì thế, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật điều chỉnh cụ thể trường hợp này, đó là Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH.
Thứ hai: Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH đã quy định rõ mỗi bên phải chịu 50% mức án phí, mà “mức án phí” thì được giải thích rõ tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH và trong trường hợp này là toàn bộ mức án phí sơ thẩm (300.000 đồng).
Thứ ba: Về cùng vấn đề này (mà quy định của pháp luật hiện hành không thay đổi so với quy định trước đây),Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP lại giải thích rõ theo hướng 50% của mức án phí sơ thẩm áp dụng tức là 50% của một nửa toàn bộ mức án phí sơ thẩm, nhưng nay Nghị quyết 326/2016/UBTVQH chỉ quy định 50% của mức án phí. Điều đó thể hiện ý chí của nhà lập pháp là thay đổi cách xác định án phí trong trường hợp này. Vì Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giá trị cao hơn Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao về mặt nguyên tắc là không còn áp dụng vì Nghị quyết đó hướng dẫn BLTTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011 đã hết hiệu lực, do đó cần phải hiểu theo hướng 50% của toàn bộ mức án phí sơ thẩm như ý chí của nhà lập pháp được phân tích trên.
Thứ tư: Cũng tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH có các quy định chỉ rõ đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm trong trường hợp hòa giải thành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm (điểm đ khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH), do đó “50% mức án phí” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH phải được hiểu là 50% của toàn bộ mức án phí sơ thẩm (nếu không thì nhà làm luật đã quy định rõ là 50% của “một nửa (50%) mức án phí sơ thẩm).
Thứ năm: Ngay trong trường hợp giải quyết việc thuận tình ly hôn mà theo đó không cần phải mở phiên họp[3], khoản 2 Điều 149 BLTTDS và khoản 3 Điều 37 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định mỗi bên phải chịu 50% lệ phí (300.000 đồng). Về bản chất thì trường hợp này tương tự như trường hợp nêu tại điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH, nghĩa là vụ việc chấm dứt sau khi Tòa án tiến hành hòa giải mà không phải mở phiên họp hoặc phiên tòa. Do đó, sẽ là vô lý nếu mức lệ phí mỗi bên phải chịu (150.000 đồng) trong việc thuận tình ly hôn lại cao gấp đôi mức án phí mỗi bên phải chịu trong vụ án mà các bên đạt được thỏa thuận về thuận tình ly hôn (75.000 đồng).
- Quan điểm thứ hai: Mỗi bên phải chịu 50% của mức án sơ thẩm (25% của toàn bộ mức án phí sơ thẩm)
Thứ nhất: Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định các nguyên tắc chung về phải chịu án phí sơ thẩm, trong đó có quy định rất rõ tại điểm 7 rằng:“Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”. Quy định này không có trường hợp ngoại lệ vì nếu có thì nhà làm luật đã bổ sung vào câucuối đoạn “trừ trường hợp có quy định khác”. Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH chỉ làm rõ việc phân chia đều án phí sơ thẩm áp dụng cho các bên chứ không phải là một quy định cụ thể thay thế hoặc mâu thuẫn với Điều 26 để cho rằng cần phải áp dụng điều luật cụ thể (điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH) như quan điểm thứ nhất nêu ra.
Thứ hai: Về cơ bản các quy định tại khoản 5 và 6 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH (liên quan đến các vụ án về hôn nhân và gia đình) là nhằm mục đích xác định mức án phí (ví dụ khi nào thì theo giá ngạch), hoặc “phân bổ” án phí phải chịu giữa các bên đương sự (thuận tình ly hôn thì mỗi bên chịu một nửa, yêu cầu cấp dưỡng thì người phải cấp dưỡng phải chịu, thỏa thuận phân chia tài sản thì án phí tính trên giá trị tài sản được hưởng…) nhưng vẫn đều trên tinh thần là hòa giải thành trước khi mở phiên tòa thì mức án phí phải nộp cho cả vụ án được giảm một nửa (trừ trường hợp thuận tình ly hôn còn có ý kiến khác nhau). Điều đó cho thấy các quy định của Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH vẫn được thiết kế trên các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH.
Thứ ba: Không thể chỉ áp dụng Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH mà không áp dụng Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH chỉ dựa trên lý do rằng Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH là quy định cụ thể về mức án phí trong những trường hợp cụ thể và do đó các quy định chung không được áp dụng, bởi lẽ có những trường hợp cụ thể nêu tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH nhưng phải áp dụng Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH mới có thể xác định được án phí sơ thẩm. Cụ thể, điểm đ khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQHchỉ quy định về án phí sơ thẩm trong trường hợp các đương sự hòa giải thành sau khi đã tiến hành hòa giải mà tại phiên hòa giải các đương sự không thỏa thuận được. Do đó, vẫn phải áp dụng Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH để xác định án phí sơ thẩm trong trường hợp các bên hòa giải được với nhau tại phiên hòa giải hoặc trước phiên hòa giải.
Thứ tư: Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH đưa ra thuật ngữ “mức án phí”, trong khi đó về vấn đề quy định tại điều khoản nêu trên Điều 147 BLTTDS sử dụng thuật ngữ “án phí sơ thẩm”. Tiếp theo, khoản 3 Điều 147 BLTTDS có quy định “… phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm…”. Như vậy, BLTTDS có hai thuật ngữ “án phí sơ thẩm” và “mức án phí sơ thẩm” mà không có sự giải thích hoặc làm rõ nội hàm của hai thuật ngữ đó. Ngoài ra cũng chưa rõ tại sao Nghị quyết 326/2016/UBTVQH lại sử dụng thuật ngữ “mức án phí” tại điểm a khoản 5 Điều 27 thay vì thuật ngữ “án phí sơ thẩm” đã được sử dụng tại khoản 4 Điều 147 BLTTDS. “Án phí sơ thẩm” hay “mức án phí sơ thẩm” có thể được hiểu là án phí sơ thẩm/mức án phí áp dụng (sau khi đã được xác định cụ thể) chứ không phải toàn bộ án phí/mức án phí sơ thẩm. Do đó, việc Nghị quyết 326/2016/UBTVQH sử dụng thuật ngữ “mức án phí” tại điểm a khoản 5 Điều 27 khác với thuật ngữ “án phí sơ thẩm” mà khoản 4 Điều 147 BLTTDS sử dụng là nguyên nhân dẫn đến việc có thể hiểu nhầm quy định này có nghĩa mỗi bên phải chịu 50% của toàn bộ mức án phí quy định (300.000 đồng) chứ không phải là 50% án phí sơ thẩm áp dụng (150.000 đồng) nếu căn cứ vào nguyên tắc chung quy định tại Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH.
2.Nhận xét và kiến nghị
Qua phân tích trên thấy rằng, các cơ sở mà dựa vào đó để luận giải cho mỗi quan điểm nêu trên đều có những căn cứ và lý lẽ nhất định khó có thể bác bỏ một cách rõ ràng hoặc thuyết phục.
Phân tích các quy định của pháp luật hiện hành ở trên cũng chưa xác định được ý chí đích thực của nhà lập pháp là theo quan điểm nào. Nếu hiểu theo hướng mỗi bên phải chịu 50% của toàn bộ mức án phí sơ thẩm thì cũng không lý giải được nguyên nhân tại sao các nhà lập pháp lại quy định ngoại lệ trong trường hợp này khi các nguyên tắc áp dụng án phí quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTDS và Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH đều theo hướng chỉ thu 50% án phí trong trường hợp hòa giải thành trước khi Tòa phải bỏ thêm chi phí cho việc xét xử tại phiên tòa. Cũng khó hiểu là tại sao nhà lập pháp lại chỉ quy định ngoại lệ cho trường hợp này khi các trường hợp hòa giải thành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm đối với các vụ án không có giá ngạch khác thì vẫn áp dụng trên tinh thần của Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH. Nếu hiểu theo hướng mỗi bên phải chịu 50% của án phí áp dụng căn cứ theo nguyên tắc chung quy định tại Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH thì tại sao BLTTDS cũng như Nghị quyết 326/2016/UBTVQH không quy định cụ thể và rõ ràng như vậy?
Từ những nhận xét trên cho thấy, việc áp dụng các quy định của pháp luật về xác định án phí khác nhau trong trường hợp nêu tại bài viết này ngay trong những ngày tháng đầu tiên các quy định đó có hiệu lực là điều dễ hiểu và chắc chắn trong tương lai sẽ gặp nhiều trường hợp áp dụng không thống nhất như đã và đang xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, tác giả kiến nghị, trong thời gian sớm nhất cần phải có hướng dẫn từ phía Tòa án tối cao để đảm bảo sự áp dụng thống nhất đối với các quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH./.
[1]Nội dung này hoàn toàn giống với nội dung đã được quy định tại đoạn 2 khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi năm 2011.
[2]Hướng dẫnáp dụng quy định tại đoạn 2 khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi năm 2011.
[3]Căn cứ vào khoản 4 Điều 397 và Điều 212 BLTTDS, theo đó, trong thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, nếu hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự tương tự như theo thủ tục giải quyết vụ án – nghĩa là không cần phải mở phiên họp (phiên tòa).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn” không?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận