Xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích quy định pháp luật về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc, trên cơ sở so sánh với thực tiễn xét xử và pháp luật nước ngoài, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Khó khăn trong thực tiễn giải quyết tranh chấp

Thực tiễn xảy ra không ít trường hợp các bên sau khi ký hợp đồng đặt cọc nhưng chưa có sự chuyển giao tài sản đặt cọc hoặc không chứng minh được chuyển giao tài sản đặt cọc trên thực tế. Trường hợp này, việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc mang lại nhiều ý nghĩa, bởi đây là thời điểm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Một khi hợp đồng có hiệu lực, cơ chế phạt cọc được thực hiện. Theo đó, nếu một trong các bên từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận cọc hoặc là sẽ phải hoàn trả lại tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, tùy thuộc vào bên vi phạm. Tuy nhiên, trong bối cảnh pháp luật hiện hành vẫn chưa minh thị về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc, dẫn đến việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên gặp không ít khó khăn trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.

Thực tế xét xử cho thấy, việc chuyển giao tài sản đặt cọc được xem là một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc. Thậm chí trường hợp sau khi các bên đã ký hợp đồng đặt cọc nhưng bên đặt cọc không giao tài sản đặt cọc, lúc này, Tòa án cho rằng hợp đồng đặt cọc chỉ được ký kết về mặt hình thức không phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên, vì vậy nên bị vô hiệu ngay từ đầu. Chẳng hạn như trong một bản án, Hội đồng xét xử đã nhận định: “… Không có căn cứ gì chứng minh bà Nguyệt đã nhận số tiền 260.000.000đ do bà Francois Phi Jeanne chuyển theo Hợp đồng đặt cọc ngày 01/11/2010 giữa bà Francoise Phi Jeanne và bà Nguyệt, nên hợp đồng đặt cọc trên chỉ được ký kết về hình thức không phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với bà Nguyệt nên vô hiệu ngay từ đầu…[1].

Bình luận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc

Xét về bản chất, hợp đồng đặt cọc là một dạng hợp đồng thực tế, vì vậy hiệu lực sẽ phát sinh từ thời điểm bên đặt cọc chuyển giao tài sản đặt cọc cho bên nhận cọc[2].

Mặc dù vậy, hướng tiếp cận nêu trên vẫn chưa được minh thị trong Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện nay. Nói cách khác, pháp luật hiện nay không đề cập đến thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc. Vì vậy, việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc sẽ tuân theo các nguyên tắc chung về hiệu lực của hợp đồng: Trường hợp các bên không có sự thỏa thuận hoặc luật không có quy định khác, hợp đồng đặt cọc sẽ có hiệu lực vào thời điểm hợp đồng được giao kết[3].

Để làm rõ điều này, Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn về biện pháp bảo đảm cũng có quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm nói chung, trong đó bao gồm đặt cọc. Theo đó, nếu hợp đồng đặt cọc được công chứng, chứng thực, thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực. Nếu không có công chứng, chứng thực thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết (Điều 22).

Như vậy, pháp luật hiện hành không đề cập đến thời điểm của hiệu lực của hợp đồng đặt cọc, mà chỉ quy định chung về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm. Trường hợp nếu không được công chứng chứng thực, hiệu lực của hợp đồng sẽ xác định vào thời điểm hợp đồng được giao kết.

Bất cập từ quy định

Từ phân tích nêu trên, nếu xác định hiệu lực của hợp đồng đặt cọc theo các quy định chung về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm dường như chưa thực sự phù hợp. Bởi lẽ việc xác định thời điểm của hợp đồng đặt cọc cần căn cứ theo bản chất của thỏa thuận đặt cọc, cụ thể như sau:

Sự chuyển giao tài sản đặt cọc mang ý nghĩa trong việc nhằm bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Một khi tài sản đặt cọc được nắm giữ bởi bên nhận đặt cọc thì việc bảo đảm mới thực sự mang ý nghĩa đối với các bên trong quan hệ. Vậy nên, dù thực tế hai bên có thỏa thuận, nhưng chưa có sự chuyển giao tài sản đặt cọc trên thực tế thì trường hợp này, hợp đồng đặt cọc cũng chưa phát sinh hiệu lực. Do đó, hướng tiếp cận của Hội đồng xét xử trong bản án nêu trên là phù hợp trong việc bảo đảm quyền lợi cho bên nhận cọc, đây cũng là cách tiếp cận trong pháp luật của nhiều quốc gia.

Theo BLDS, Điều 328 đưa ra định nghĩa khá đơn giản về việc đặt cọc đó là việc bên đặt cọc giao cho bên bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Như vậy, để xem là một giao dịch đặt cọc, sự chuyển giao tài sản là điều kiện bắt buộc trên thực tế. Ngoài ra, cơ chế phạt cọc cũng nói rõ: Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác[4]. Như vậy, để trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và bồi thường thêm một khoản giá trị tương đương, thì trước hết cần có sự chuyển giao tài sản đặt cọc trên thực tế.

Nếu chuyển giao tài sản đặt cọc không diễn ra thì chế định đặt cọc có thể trở thành thỏa thuận phạt vi phạm.

Trước hết, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm (Điều 418 BLDS 2015); như vậy, đây được hiểu là thỏa thuận một số tiền bồi thường mà một bên có thể nhận được đối với hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia. Xét về bản chất, phạt vi phạm có nét giống với đặt cọc ở điểm: theo thỏa thuận giữa các bên, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận phải chịu chế tài là mất một khoản tiền đã xác định trước. Tương tự, trong quan hệ đặt cọc nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ đồng nghĩa với việc sẽ mất đi khoản tiền cọc này. Có lẽ, điểm khác nhau có thể thấy được giữa đặt cọc và phạt vi phạm đó là: khoản tiền cọc sẽ được gửi cho bên đặt cọc (hoặc bên thứ ba) nắm giữa, thì phạt vi phạm các bên không cần phải trao cho nhau trước số tiền phạt vi phạm. Như vậy, nếu không có sự giao tài sản trong đặt cọc, thì vô tình chế định này lại có thể trở thành chế định phạt vi phạm theo hợp đồng

Đề xuất hướng hoàn thiện của pháp luật

Việc chuyển giao tài sản đặt cọc là một điều kiện bắt buộc để thỏa thuận đặt cọc được hình thành. Đây cũng là hướng tiếp cận dễ thấy trong luật pháp của của nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, BLDS năm 2020 đã quy định rõ rằng, hợp đồng đặt cọc phát sinh hiệu lực tại thời điểm giao tiền trên thực tế (Điều 586). Theo Dân luật Nhật Bản, đặt cọc tại Nhật Bản không được xem là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ, mà đây được xem như một thỏa thuận về việc rút lại lời hứa mua, bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Cụ thể, việc đặt cọc diễn ra khi hợp đồng mua bán đã được xác lập, đặt cọc được xem như một khoản tiền thanh toán trước mà theo đó, bên mua có thể hủy hợp đồng bằng cách bỏ khoản tiền đặt cọc mà bên mua đã bỏ, ngược lại, bên bán cũng có thể hủy hợp đồng bằng cách hoàn trả lại gấp đôi khoản tiền cọc đã nhận (Điều 577). Chính vì điều này mà đặt cọc chỉ có ý nghĩa khi việc chuyển giao tiền được thực hiện trên thực tế.

Từ các phân tích trên, tác giả cho rằng việc giao tài sản đặt cọc phải được thực hiện trước khi hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm (hợp đồng chính) được giao kết hoặc có sự vi phạm, tùy vào mục đích của đặt cọc mà hai bên đã thỏa thuận và việc giao tài sản cần được xem là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc. Suy cho cùng, đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nếu không có việc giao tài sản, thì trường hợp này, lại thành một nghĩa vụ khác (nghĩa vụ giao tài sản) là điều dường như chưa thực sự hợp lý.

 

[1] Xem bản án sơ thẩm số 15/2014/DS-ST ngày 18/8/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

[2] Xem thêm Nguyễn Ngọc Điện (chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự 2, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM, năm 2015, tr. 136.

[3] Khoản 1 Điều 401 BLDS 2015.

[4] Điều 328 BLDS 2015.

ThS. LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)