Xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị và hiệu lực của bản án, quyết định trong tố tụng hình sự
Thời hạn kháng cáo và kháng nghị đối với bản án, quyết định trong tố tụng hình sự đã được quy định tại BLTTHS. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy cũng có những vướng mắc cần tháo gỡ, để nhận thức được thống nhất.
Quy định của pháp luật
Vấn đề thời hạn kháng cáo và kháng nghị đối với bản án, quyết định trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 333 và Điều 337 BLTTHS năm 2015, cụ thể Điều 333 quy định: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Ngày kháng cáo được xác định như sau:
a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.”
Và Điều 337 về thời hạn kháng nghị:
“1. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.
2.Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.”
Theo quy định thì thời hạn kháng cáo và thời hạn kháng nghị được quy định tại các Điều luật khác nhau trong khi đó thì vấn đề thời hạn kháng cáo, thời hạn kháng nghị của BLTTHS năm 2003 được quy định trong một điều luật, cụ thể quy định tại Điều 234 Thời hạn kháng cáo, kháng nghị, cụ thể: “Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.
Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.”
Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng chúng tôi thấy thực chất vấn đề thời hạn kháng cáo và kháng nghị giữa BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 về cơ bản không có gì thay đổi mà thực chất BLTTHS năm 2015 chỉ quy định rõ hơn nội hàm của thời hạn kháng cáo, kháng nghị là đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Vấn đề thời hạn kháng cáo và kháng nghị theo quy định của BLTTFS 2015 chưa có văn bản hướng dẫn, nhưng so với BLTTHS năm 2003 không có gì khác do vậy, chúng ta vẫn phải vận dụng theo hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS để áp dụng.
Vướng mắc trong thực tiễn
Thực tế hiện nay việc vận dụng và áp dụng BLTTHS năm 2015 đối với vấn đề xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hiện nay chúng tôi thấy còn chưa có sự thống nhất, cụ thể, chúng tôi đưa ra ví dụ để minh chứng cho điều này.
Ngày 11/12/2019 Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án có mặt bị cáo Đ và cùng ngày tuyên án đối với bị cáo. Việc xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo đối với bị cáo Đ, thời hạn kháng nghị đối với Viện Kiểm sát có 02 quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của kháng cáo, kháng nghị và bản án có hiệu lực pháp luât đối với ví dụ trên cụ thể là: Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày 12 tháng 12 năm 2019, do vậy ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là vào lúc 24 giờ ngày 27/12/2019 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ); ngày kết thúc kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là vào lúc 24 giờ ngày 27/12/2019 và của Viện Kiểm sát cấp trên là 10/01/2020 (do tháng 12 có 31 ngày) (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Do vậy, bản án đối với bị cáo Đ sẽ có hiệu lực ngày 11/02/2020. Cách tính này vận dụng áp dụng theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 mục 4 của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì “thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày xác định là ngày Tòa án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện Kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên tòa hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của kháng cáo, kháng nghị và bản án có hiệu lực pháp luât đối với ví dụ trên cụ thể là: Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày 11 tháng 12 năm 2019, do vậy ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là vào lúc 24 giờ ngày 26/12/2019 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ); ngày kết thúc kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là vào lúc 24 giờ ngày 26/12/2019 và của Viện Kiểm sát cấp trên là 09/01/2020 (do tháng 12 có 31 ngày) (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Do vậy, bản án đối với bị cáo Đ sẽ có hiệu lực ngày 10/02/2020. Cách tính này hiểu và vận dụng áp dụng đúng quy định tại các Điều 333 và Điều 337 BLTTHS năm 2015 đó là tính thời điểm bắt đầu xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị đó là “ngày tuyên án”. Do vậy, đối với ví dụ trên bị cáo Đ ngày tuyên án là 11/12/2019 thì ngày xác định thời hạn kháng cáo là 15 ngày phải tính từ ngày 11/12/2019 chứ không thể xác định là ngày tiếp theo của ngày tuyên án như quan điểm thứ nhất được. Quan điểm này lập luận và đặt tình huống ví như sau khi tuyên án thì ngay ngày 11/12/2019 bị cáo Đ kháng cáo ngay thì chúng ta xử lý như thế nào, lập biên bản hay hướng dẫn về việc bị cáo thực hiện quyền ở ngày tiếp theo của ngày xác định tức là ngày 12/12/2019, như vậy rõ ràng là không đúng.
Trên đây là hai quan điểm về việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị và hiệu lực của bản án. Mặc dù các quan điểm này chỉ có cách hiểu và áp dụng khác nhau đó là xác định là ngày tuyên án hay ngày tiếp theo của ngày tuyên án. Từ cách hiểu và áp dụng đó dẫn đến có sự xê dịch 01 ngày trước hoặc sau. Mặc dù, có sự xê dịch chỉ 01 ngày nhưng nó lại có các hậu quả pháp lý khác nhau ví như xác định thời điểm kết thúc của thời hạn kháng cáo. Ví như trường hợp của bị cáo Đ thì nếu hiểu và áp dụng như quan điểm thứ nhất thì thời hạn kháng cáo kết thúc vào ngày 27/12/2019 nhưng quan điểm thứ hai sẽ không phải là ngày 27/12/2019 mà là ngày 26/12/2019. Do vậy, nếu bị cáo Đ kháng cáo là ngày 27/12/2019 (hoặc có xác nhận của Trại, hay của Bưu điện) thì đều là trường hợp kháng cáo quá hạn và cấp sơ thẩm phải lập hồ sơ kháng cáo quá hạn để cấp phúc thẩm lập Hội đồng xem xét kháng cáo quá hạn theo quy định.
Và chúng tôi cho rằng cách hiểu và áp dụng như quan điểm thứ hai mới là đúng pháp luật. Mong nhận được sự đóng góp tranh luận từ quý bạn đọc và đồng nghiệp./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận