Xác định tình tiết định khung trong tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Các tội phạm xâm phạm về tình dục hiện nay diễn ra rất phức tạp. BLHS 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung có nhiều quy định nhận thức chưa thống nhất. Thông qua một tình huống các tác giả trao đổi để có cách nhìn nhận và đánh giá chính xác trên cơ sở quy định của pháp luật.

Tình huống và quan điểm

Nguyễn Văn A, sinh ngày 01/01/2002 và Trần Thị B, sinh ngày 01/5/2007 có quan hệ tình cảm với nhau nên vào ngày 2/3/2021 cả hai vào nhà nghỉ Thân Thiện để thực hiện hành vi quan hệ tình dục 1 lần, A xuất tinh trong âm đạo của B. Sau đó gia đình của B phát hiện và trình báo Công an. Tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện L, tỉnh H thì A thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Quá trình điều tra A và B đều khai nhận trước đó vài ngày cả hai có thực hiện 1 lần hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với nhau. Với hành vi của A hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tình tiết định khung đối với Nguyễn Văn A.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn A phải bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung là phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, tại Điều 145 BLHS năm 2015 quy định 2 hành vi là “Giao cấu” và “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” trong cùng điều luật mà hành vi của A thực hiện hai lần đối với B cho nên việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với Nguyễn Văn B theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015 là phù hợp.

Quan điểm thứ hai thì xác định hành vi của Nguyễn Văn A chỉ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015, bởi đây là “tội ghép” và quy định hai hành vi độc lập nhau. Nên A dù thực hiện 2 hành vi là “Giao cấu” và “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” nhưng mỗi hành vi chỉ thực hiện một lần nên không thể khởi tố, truy tố và xét xử A theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015 được, như vậy sẽ không đúng với tinh thần của điều luật cũng như làm xấu đi tình trạng cho người thực hiện hành vi phạm tội.

Khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 là phù hợp

Người viết thống nhất với quan điểm thứ hai, chỉ xem xét hành vi của A về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 quy định: 1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Với quy định này ta có thể thấy ngăn cách giữa cụm từ “giao cấu” và “thực hiện hành vi tình dục khác” là liên từ “hoặc”, tức là có thể là cái này hoặc là cái kia cũng có thể là cả hai. Như vậy, có thể hiểu khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 quy định như sau:

“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Hoặc

“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Mặt khác, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm phạm tình dục người dưới 18 tuổi quy định như sau:

“1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.”

Theo quy định trên thì giữa hành vi “giao cấu” và “hành vi quan hệ tình dục khác” đã được quy định rõ, tách bạch nhau về cách thức, hành vi thực hiện phạm tội là khác nhau. Tuy nhiên, do có những điểm tương đồng nhau về các yếu tố cấu thành tội phạm nên được quy định chung trong một điều luật mà khi có một trong các hành vi quy định tại Điều này thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử ở hành vi tương ứng mà người phạm tội thực hiện.

Hơn nữa, đối chiếu với BLHS năm 2015 cũng có nhiều điều luật có kết cấu tương tự, chẳng hạn Điều 323 Bộ luật này quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định này không có sự thay đổi gì về hành vi khách quan cũng như tên gọi điều luật so với Điều 250 BLHS năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC đã bình luận Điều 250 cho rằng: Tội phạm này nhà làm luật quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, khi xác định tội danh (định tội) cần chú ý: nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc chỉ thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì chỉ định tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” hoặc tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không định tội như điều luật quy định “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có” vì như vậy thì không biết người phạm tội phạm tội gì? Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì định tội là “chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.[1]  Như vậy có thể lập luận là một hoặc nhiều hành vi được quy định trong cùng điều luật khi các hành vi này có cấu thành tội phạm gần giống nhau hoặc có mối liên quan với nhau.

Tương tự, BLHS năm 2015 cũng quy định một số tội ghép.

Qua những phân tích đó có thể xác định A thực hiện hai hành vi phạm tội là “giao cấu” và “thực hiện hành vi quan hệ tình dụng khác” đối với cháu B. Hai hành vi này độc lập nên việc xác định tội danh và quyết định hình phạt cũng khác nhau. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt cũng cần cân nhắc tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội để có hình phạt tương xứng. Qua đó cũng rút ra được rằng khi xem xét xác định tội danh của người phạm tội cần xem xét toàn diện đầy đủ hành vi cũng như cấu thành tội phạm của từng tội tương ứng để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc áp dụng các tội có nhiều hành vi khác nhau trong cùng điều luật để việc áp dụng được thống nhất.

 

Toà án huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử vụ án giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi - Ảnh:  Gia Khang/VOV

 

[1] Ths. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, phần các tội phạm, tập IX, các tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng, tr.220

NGUYỄN ĐÌNH TIẾN (TAND tỉnh Hậu Giang), VÕ VĂN TUẤN KHANH (TAND huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang)