Xét miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích quy định pháp luật về điều kiện miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, đồng thời nêu quan điểm cá nhân để cùng trao đổi, kiến nghị áp dụng thống nhất pháp luật.

Quy định còn bất cập

Hiện nay, tại TAND huyện, quận, thị xã, thành phố (gọi chung là TAND cấp huyện) phát sinh ngày càng nhiều hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chủ yếu là hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, TAND cấp huyện nơi đặt trụ sở của cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng phải thụ lý, xem xét lượng lớn hồ sơ đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, quy định pháp luật về điều kiện miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa đồng nhất, chưa tạo sự công bằng.

Theo quy định pháp luật thì điều kiện được miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

Khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

“1. Người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

2. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.”

Khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của UBTVQH về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND quy định: Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Tòa án giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính được xem xét miễn thời gian chấp hành còn lại khi thuộc hai điều kiện sau: Một là, đã chấp hành được một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công. Hai là, người đang chấp hành quyết định bị ốm nặng được tạm đình chỉ chấp hành quyết định để đưa về nhà điều trị mà trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công; người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Thực tiễn thì các hồ sơ đề nghị xét miễn thời gian chấp hành còn lại của Giám đốc cơ sở cai bắt buộc thuộc điều kiện là đã chấp hành được một nửa thời hạn, có tiến bộ rõ rệt.

Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của cơ sở cai nghiện bắt buộc công nhận.

Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.

Khi Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi văn bản đề nghị cho Tòa án nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc phải kèm theo tài liệu gồm: Bản sao quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công; Chứng nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; Chứng nhận của bệnh viện đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính mang thai; Văn bản đề nghị của Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thực tế hiện nay, một trong các tài liệu, chứng cứ kèm theo hồ sơ xét miễn của Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đó là Quyết định khen thưởng của cơ sở cai nghiện với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính có tiến bộ rõ rệt. Việc bắt buộc cung cấp tài liệu là Quyết định khen thưởng của cơ sở cai nghiện trong hồ sơ xét miễn thời gian chấp hành còn lại theo tác giả là chưa tương xứng với mức độ được miễn. Vì khi xem xét mức độ đạt được giữa học viên có tiến bộ rõ rệt với học viên lập công thì việc đạt được mức độ lập công là khó khăn hơn rất nhiều, nhưng khi xem xét theo khoản 1 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì vẫn xem xét như nhau là được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Kiến nghị

Theo quan điểm tác giả thì quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 của Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu mẫu về lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc (viết tắt là Thông tư số 14) quy định: Đề nghị giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số: 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Học viên có tiến bộ rõ rệt là học viên có xếp loại hàng tháng đạt loại khá trở lên liên tục trong 06 tháng tính đến thời điểm họp xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Khi đối chiếu quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và điểm b khoản 4 Điều 10 của Thông tư số 14 thì tác giả cho rằng người đang chấp hành quyết định đã chấp hành được một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt thì chỉ được xét đề nghị giảm thời hạn, chứ không thuộc trường hợp được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Như vậy, chỉ xét miễn thời gian chấp hành còn lại khi thuộc các trường hợp là người được đề nghị đã chấp hành được một nửa thời hạn, nếu có lập công; người đang chấp hành quyết định bị ốm nặng được tạm đình chỉ chấp hành quyết định để đưa về nhà điều trị mà trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công; người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, cũng như đảm bảo sự công bằng thì cần phải hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, bổ sung vào quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 của Thông tư số 14 như sau: Đề nghị giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được xếp loại hàng tháng đạt loại khá trở lên liên tục trong 06 tháng tính đến thời điểm họp xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành phần thời gian còn lại.

Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên được xét đề nghị miễn thời hạn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.”

 

Học viên chơi thể thao tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc số 1 tỉnh Nghệ An - Ảnh: Hoàng Hằng

Ths LÂM THỊ KIM HẰNG – NGUYỄN MINH THUẬN (TAND thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)