Xử lý án phí ly hôn trong trường hợp đương sự rút đơn khởi kiện tại phiên tòa

        Theo quy định tại khoản 3, Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 326) thì nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí dù là vụ kiện đó mới thụ lý hoặc đã đến giai đoạn đưa vụ án ra xét xử.

        Chính quy định này đã dẫn đến những hệ luỵ là: trong cuộc sống hôn nhân việc cự cãi nhau là không thể tránh khỏi nhưng vợ hoặc chồng đều có thể nộp đơn khởi kiện xin ly hôn để “doạ” nhau, nộp rồi sau đó rút đơn thì cũng chẳng phải chịu tốn khoản chế tài nào của pháp luật. Nghĩa là ngân sách nhà nước cũng chẳng thu được đồng nào nhưng lại phải tốn các chi phí thực hiện tố tụng trong vụ án ly hôn.

      Đặc biệt, một số trường hợp trong vụ án “xin ly hôn”, tại phiên toà người khởi kiện mới rút đơn khởi kiện thì hầu hết các HĐXX đều chấp nhận đơn rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên HĐXX sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án căn cứ vào điểm c, khoản 1 Điều 217 của BLTTDS năm 2015 và căn cứ vào khoản 3, Điều 218 của BLTTDS 2015 hoàn trả lại tạm ứng án phí cho người khởi kiện.

        Từ thực tiễn nêu trên, việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện ly hôn tại phiên tòa và được nhận toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã tạo ra một số vướng mắc, bất cập, cụ thể:

        – Nguyên đơn rút đơn khi phiên toà đã diễn ra dẫn đến nhà nước phải chi trả cho việc bồi dưỡng cho những người tiến hành tố tụng tại phiên toà, mặt khác khi Thẩm phán đã nghiên cứu hồ sơ đến giai đoạn xét xử đã tốn không ít chi phí ngân sách hoạt động của Toà án.

       Đồng thời, việc HĐXX chấp nhận đơn rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và hoàn tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn là thiếu công bằng giữa các đương sự. Theo quy định, nếu trong trường hợp các bên tranh chấp nhưng các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên toà thì phải chịu 50% án phí, còn nhiếu thoả thuận đó xảy ra tại phiên toà thì vẫn phải chịu 100% án phí (khoản 7 Điều 26 Nghị quyết 326). Cũng là thoả thuận của các đương sự nhưng lại có sự khác nhau về thời điểm thoả thuận và theo đó, cũng phải chịu mức án phí khác nhau. Ngược lại, trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện dù thời điểm rút đơn khác nhau nhưng đều vẫn không phải chịu án phí.

        Để tháo gỡ vướng mắc trên, thiết nghĩ thẩm phán giải quyết vụ án cần áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt giải quyết vụ án một cách đúng quy định pháp luật và hạn chế tình trạng “các đương sự dọa nhau ly hôn”. Theo đó, trong trường họp tại phiên toà, người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì HĐXX sẽ không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện và vẫn tiến hành xét xử theo quy định để tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện và buộc nguyên đơn phải chịu án phí theo quy định. Với cách tuyên không chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn sẽ hạn chế quyền nộp đơn khởi kiện xin ly hôn của nguyên đơn trong vòng một năm; đồng thời đảm bảo được nguồn thu của ngân sách nhà nước.

        Do đó, theo quan điểm của tác giả việc quy định trả tại tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện trong vụ án xin ly hôn do rút đơn khởi kiện tại phiên toà là chưa phù hợp cần có sự cân nhắc hướng dẫn hợp lý hơn.

        Trên đây là trao đổi của tác giả rất mong quý độc giả góp ý.

 

Huỳnh Minh Khánh - Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang