Xử lý vật chứng là tài sản chung trong các vụ án hình sự

Xử lý vật chứng là quyết định tình trạng pháp lý đối với vật chứng thu giữ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, BLTTHS  và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định liên quan đến việc xử lý vật chứng, tuy nhiên trong các quy định này thiếu tính thống nhất và nhiều trường hợp chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc xử lý vật chứng vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau, trong đó quy định về xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ/chồng nhưng được sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội, từ đó gây ra lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành xử lý vật chứng.

1. Quy định của pháp luật

Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, trước đó, việc xử lý vật chứng được hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BTC ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, tuy nhiên cho đến nay mặc dù đã có BLTTHS năm 2015 nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn thêm về việc xử lý vật chứng, trong đó việc xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ/chồng nhưng được sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Theo Hướng dẫn số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của VKSNDTC về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS quy định: “1.2. Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”. Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng” (Mục 1 Phần I).

Theo hướng dẫn nêu trên thì việc xử lý vật chứng phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng phụ thuộc vào yếu tố lỗi để tịch thu hay không tịch thu vật chứng. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay việc xác định ý thức của đồng sở hữu trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản chung làm công cụ, phương tiện phạm tội gặp nhiều khó khăn và việc chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn khó thực hiện vì điều này phụ thuộc vào việc người vợ/chồng có hay không biết việc sử dụng tài sản đó vào việc phạm tội.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội:

“2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”.

Như vậy, theo quy định trên thì việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tịch thu, tiêu hủy mà không có các trường hợp khác. Trong quy định tại Điều 106 BLTTHS năm 2015 không có điều khoản tùy nghi, nên khi tài sản đó xác định là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì chỉ áp dụng quy định là tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tịch thu, tiêu hủy điều này thể hiện sự nhất quán, thống nhất trong áp dụng pháp luật

2. Bất cập, hạn chế

Từ việc thiếu văn bản hướng dẫn thống nhất nên trong thực tiễn giải quyết có nhiều quan điểm khác nhau về cách thức xử lý đối với công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản chung của vợ chồng như sau:

Ví dụ: Ngày 20/5/2023 Nguyễn Văn A sử dụng chiếc xe mô tô (đây là tài sản chung của vợ chồng Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B hình thành trong thời kỳ hôn nhân) thực hiện hành vi cướp tài sản, chị B không biết việc A sử dụng chiếc xe mô tô để thực hiện hành vi phạm tội. Chiếc xe mô tô được xác định là công cụ, phương tiện phạm tội, liên quan đến việc xử lý chiếc xe còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước 1/2 giá trị chiếc xe mô tô tại thời điểm Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá thành. Vì vật chứng chiếc xe mô tô đó là tài sản chung của vợ chồng (tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân) nên mỗi người có quyền sở hữu 1/2 giá trị tài sản. Do đó cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước phần A được hưởng tại thời điểm bán đấu giá thành và trả lại chị B phần giá trị tài sản chị B được hưởng.

Quan điểm thứ hai cho rằng, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước chiếc xe mô tô vì A dùng làm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm nên theo điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 thì phải tịch thu, nộp ngân sách nhà nước chiếc xe này. Tuy chiếc xe này là tài sản chung của vợ chồng A và chị B (đây là tài sản chung chưa chia trong thời kỳ hôn nhân). Mặt khác tài sản này chưa có quyết định hay văn bản nào có hiệu lực pháp luật thể hiện rằng A được 1/2 giá trị chiếc xe và chị B được 1/2 giá trị chiếc xe (chưa xác định được A được hưởng bao nhiêu % giá trị chiếc xe khi chia tài sản chung của vợ chồng). Do đó không thể khẳng định A được hưởng 1/2 giá trị chiếc xe. Đối với quyền lợi của chị B thì có thể khởi kiện yêu cầu A trả lại phần giá trị chiếc xe chị B được hưởng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự vì A hoàn toàn có lỗi.

Quan điểm thứ ba cho rằng, trả lại chị Trần Thị B chiếc xe mô tô nêu trên vì chị không có lỗi trong việc A sử dụng chiếc xe làm công cụ, phương tiện phạm tội. Như vậy, theo điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn vấn đề xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội nhưng là tài sản chung của vợ chồng nhận thấy một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, chiếc xe mô tô là tài sản chung của vợ/chồng A và B đây là dạng tài sản không phân chia, không xác định được phần giá trị tài sản của từng đồng chủ sở hữu và không có văn bản nào xác định được người chồng là anh A hoặc người vợ là chị B sở hữu phần trăm bao nhiêu trong tài sản đó, nên việc tuyên tịch thu hay trả lại 1/2 giá trị tài sản là không có căn cứ, không có cơ sở pháp lý.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”, xét về mặt nguyên tắc việc thỏa thuận trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trong tài sản chung của vợ chồng dựa trên sự tự nguyện, không bị ép buộc, đồng thời khi thỏa thuận sử dụng tài sản nếu có lợi nhuận thì vợ chồng cùng hưởng lợi ích và khi có rủi ro thì phải cùng chịu trách nhiệm, nếu là tài sản chung của vợ chồng nhưng được sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì vợ chồng phải cùng chịu trách nhiệm, nên việc tịch thu sung quỹ nhà nước là phù hợp với nguyên tắc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thứ ba, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội:

“2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”;

Như vậy khi đã xác định vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy, điều luật không quy định điều khoản tùy nghi và không có quy định trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý. Vì vậy, khi xác định vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản chung của vợ chồng thì sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy, điều này là phù hợp với bản chất thống nhất trong quy định về xử lý vật chứng của BLTTHS.

Từ những sự phân tích nêu trên kiến nghị về xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản chung như sau: “Trường hợp một người sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất vào việc phạm tội thì tịch thu tài sản đó không phân biệt việc người kia có biết hay không biết”.

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4)

TAND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa- Ảnh: Nguyễn Thị Tuyết