Yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Chính phủ trong việc đảm bảo cung ứng điện
Liên quan đến việc cung ứng điện, Bộ Công Thương yêu cầu TKV và PVN căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực - TKV, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm.
Bộ Công Thương vừa chính thức công bố kết luận thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), cùng các đơn vị của Bộ Công Thương liên quan đến cung cấp điện. Bộ Công Thương cho biết, đoàn thanh tra của Bộ chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.
Vi phạm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng ngày 2/12/2019, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) được yêu cầu chủ động nghiên cứu, sử dụng than pha trộn, nhập khẩu cho sản xuất điện để vận hành an toàn nhà máy, ổn định và đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường.
Ngoài ra, TKV, Tổng công ty than Đông Bắc phải đảm bảo cung cấp than kịp thời, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán đã ký.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra cung ứng điện của EVN và các đơn vị liên quan vừa được Bộ Công Thương công bố, đặc biệt: "EVN và các đơn vị liên quan không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng".
EVN đã chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.
Cùng với đó, việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm và có vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.
Đặc biệt, EVN đã để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
EVN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong lập kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lập lịch, huy động, điều tiết các nguồn điện. Việc A0 chậm trễ trong ra lệnh điều độ, huy động nguồn điện, triển khai các giải pháp khẩn cấp trong điều kiện diễn biến phụ tải, thủy văn thay đổi nhanh, gây ảnh hưởng cung ứng điện cho miền Bắc.
Theo kết luận thanh tra, nguồn nhiệt điện tha được huy động thấp hơn kế hoạch được phê duyệt. Lượng điện phát thực tế của một số nhà máy dao động tăng - giảm lớn, gây khó khăn trong điều hành, thiếu than cục bộ.
Nguyên nhân do EVN chậm thỏa thuận giá than khiến TKV và Tổng công ty Đông Bắc chưa có cơ sở nhập khẩu than để pha trộn và cung cấp cho các nhà máy. Năm 2022, hai đơn vị cấp than chỉ đạt 97,4% và 93% hợp đồng đã ký. Riêng Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Phả Lại 2, khối lượng than nhận thấp hơn hợp đồng nên sản lượng điện phát thấp hơn kế hoạch được phê duyệt tương ứng 471 triệu kWh và gần 778 triệu kWh.
Tình trạng thiếu than cục bộ tiếp diễn vào đầu năm 2023 và kéo dài tới tháng 5. Các nhà máy thiếu than phần lớn thuộc quản lý của EVN. Các chủ đầu tư nhà máy chưa chấp hành nghiêm quy định của EVN về định mức than tồn kho, ảnh hưởng tới việc đảm bảo dự phòng vận hành”.
Từ tháng 7-2022, dù dự báo lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 60-80% so với trung bình nhiều năm, song việc khai thác ở nhiều hồ thủy điện lớn đã làm ảnh hưởng tới điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô 2023.
Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 5-2023, các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn tới giảm mực nước các hồ thủy điện. Sản lượng điện tích trong hồ thấp hơn kế hoạch năm là 462 triệu kWh tới hết tháng 3, và tăng lên 1,63 tỉ kWh đến hết tháng 4.
Theo cơ quan thanh tra, thực tế vận hành nhiều thời điểm tổng công suất khả dụng hệ thống điện miền Bắc trong tháng 5 và 6 chỉ đạt hơn 17.000 MW, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nên phải cắt điện diện rộng, không kịp thông báo trước làm ảnh hưởng lớn đời sống người dân, kinh tế - xã hội.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc đảm bảo cung ứng điện", báo cáo Kết luận Thanh tra cung ứng điện của EVN do Bộ Công Thương công bố.
Kết luận cũng chỉ ra EVN và các đơn vị liên quan để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6-2023.
Việc cắt điện đột ngột, không báo trước gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công thương đã đề nghị và yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định với EVN, các cá nhân có liên quan.
EVN căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Ban Tổng giám đốc, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan.
Liên quan đến việc cung ứng điện, Bộ Công Thương cũng yêu cầu TKV và PVN căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực - TKV, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.
Về phía Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than cũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).
Trước đó, ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN giai đoạn từ 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023 theo yêu cầu trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương yêu cầu EVN, PVN, TKV và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại kết luận thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, cắt điện trong thời gian tới.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng cuối tháng 6 vừa qua, EVN cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, việc cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn, không bảo đảm được nguồn cung nên đã phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện. Việc cắt điện nhằm bảo đảm an ninh, an toàn vận hành hệ thống điện. Từ đầu tháng 6, EVN tiến hành tiết giảm điện. Công suất tiết giảm trung bình từ ngày 3-8/6 là 2.500-3.000 MW, đến giai đoạn từ 9-15/6 giảm xuống còn 2.000-2.500 MW và giai đoạn từ 15-22/6 là 1.200-2.000 MW.
Từ ngày 8-22/6, lượng công suất tiết giảm đối với khu vực Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, trong đó có 7 ngày không thực hiện tiết giảm, các ngày còn lại chỉ tiết giảm khoảng 15-45 MW, chiếm 0,5-1,5% công suất sử dụng của TP. Hà Nội.
Từ ngày 23/6, EVN cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới, nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500 kV Bắc - Trung... có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.
EVN lý giải, việc tiết giảm điện dẫn đến cắt điện thời gian qua do tác động của hạn hán, nước về hồ thuỷ điện suy giảm đột ngột dẫn đến thiếu hụt sản lượng thuỷ điện. EVN sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. EVN đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành.
Bài liên quan
-
Tăng cường thanh tra về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng
-
Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra tại Bộ Giao thông Vận tải
-
Thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án
-
Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các Ủy ban của Quốc hội tạm ngừng thanh tra, kiểm toán và giám sát
để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận