Nhớ một thời vượt gian khó xuất bản Tạp chí Tòa án nhân dân

Tạp chí TAND điện tử xin giới thiệu bài viết của ông Lê Phúc Hỷ, nguyên Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí, với những hồi ức khó quên về một thời gian khó của Tạp chí.

Biên tập viên kiêm kế toán, thủ quỹ (!?)

Tôi về công tác tại Tạp chí Tòa án nhân dân vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Miệt mài với công việc biên tập và xuất bản Tạp chí từ đó cho tới đầu năm 2015, tôi được cấp trên cho chuyển công việc khác. Với ngót 26 năm gắn bó với Tạp chí TAND, tôi chứng kiến nhiều sự kiện vui buồn trong hoạt động biên tập, xuất bản của đơn vị. Nhưng ấn tượng và cảm xúc chủ đạo đọng lại trong tôi cho đến nay vẫn là những hình ảnh kỷ niệm của một thời vượt mọi gian khó, để hoàn thành nhiệm vụ đối với những người làm Tạp chí. Nhân kỷ niệm 70 năm Tạp chí TAND xuất bản số đầu tiên, ôn lại chuyện cũ để nhìn nhận rõ hơn những bước tiến bộ nổi bật qua từng thời kỳ của tờ Tạp chí nghiên cứu, lý luận pháp lý chuyên ngành xét xử này.

Tạp chí lúc đó chỉ là một phòng thuộc Vụ Nghiên cứu Pháp luật của TANDTC (Vụ này sau được tổ chức thành Viện Khoa học xét xử, gần đây thành Vụ Pháp chế và quản lý khoa học thuộc TANDTC). Tổng Biên tập Tạp chí TAND lúc đó là ông Trịnh Hồng Dương, Phó Chánh án TANDTC kiêm nhiệm. Phó Tổng biên tập kiêm nhiệm là ông Nguyễn Khắc Công, Vụ trưởng và ông Dương Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu pháp luật. Trực tiếp điều hành hoạt động Tạp chí là ông Nguyễn Gia Cương, Trưởng phòng Tạp chí TAND. Các đảng viên trong Tạp chí lúc đó sinh hoạt trong Chi bộ Vụ Nghiên cứu pháp luật. Với vị thế là cấp Phòng, nhân sự thiếu, kinh phí mua giấy và công in phải tự túc, công nghệ in ấn còn thủ công… nên Tạp chí lúc đó bất cập về nhiều mặt.

Trước khi về làm việc tại Tạp chí, tôi đã có nhiều năm cộng tác với các báo ở trung ương và Hà Nội. Xem qua tập hợp các bài báo của tôi đã đăng trên các báo khác, các anh trong Ban Biên tập giao cho tôi nhiệm vụ hết sức tổng hợp: Làm ma két Tạp chí, kiêm chụp ảnh và vẽ minh họa cho một số chuyên mục. Đội ngũ biên tập viên, phóng viên Tạp chí lúc đó vẻn vẹn có… 3 người (Nguyễn Gia Cương, Trần Văn Thư và tôi) và nhân viên chuyên đánh máy chữ bài vở là Nguyễn Thị Kim Quy, sau đó là Lê Thu Thủy (ngày đó chưa có Internet và Computer). Neo người quá nên tôi và một Biên tập viên lại được giao kiêm nhiệm thêm công việc của kế toán và thủ quỹ Tạp chí. Đây quả là một sự phân công hy hữu (nhưng có lẽ cũng phổ biến) trong nội bộ một cơ quan báo chí vào thời đó.

Thất thoát tiền bạc – Một phen hú vía 

Trần Văn Thư lúc bấy giờ là Biên tập viên, kiêm thủ quỹ (Hiện nay Trần Xuân Thư là Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC). Biên tập xong bài vở được giao, Thư lại tranh thủ làm việc cùng tôi (lúc đó tôi kiêm kế toán), cập nhật hoạt động thu chi, nhập quỹ tiền đặt mua Tạp chí của bạn đọc. Bên cạnh công việc làm ma két, đi chụp ảnh phiên tòa xét xử, đi nhà in và đọc mo-rát (bản in thử), có thời gian còn vẽ minh họa trong một số chuyên mục trong Tạp chí. Hàng tuần, tôi và Thư luân phiên nhau tranh thủ đi kho bạc, đi bưu điện lĩnh tiền đặt Tạp chí của bạn đọc khắp nơi gửi về. Công việc lắt nhắt như người bận con mọn. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, sau dần thấy cũng quen việc. Nhưng một người làm nhiều việc thường dẫn đến nhầm lẫn, rối rắm và khó tránh khỏi khiếm khuyết.

Do không có chuyên môn về kế toán tài chính, nên hai chúng tôi vừa làm vừa học hỏi anh chị em ở Văn phòng, vào sổ sách thu chi hàng ngày, cuối tháng tổng hợp xem số dư tiền mặt, số dư tài khoản còn bao nhiêu. Thú thật là nhiều lúc chúng tôi cũng khá lúng túng trong việc tiền nong. Có tháng, bỗng phát hiện số dư tiền mặt vọt lên bất thường, hoặc có tháng số dư tài khoản thụt đi đáng kể trong khi việc thu chi vẫn diễn ra đều đều như các tháng trước đó.

Có vấn đề gì ở đây chăng? Chết thật! Tiền bạc của công dù chỉ là một đồng một cắc, nhưng nếu để thất thoát sẽ kỷ luật cả cá nhân và tập thể, sự việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Tôi và Thư dảnh hẳn hai ngày cắm đầu đối chiếu, rà soát sổ sách kế toán và sổ quỹ. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra do cộng trừ sai con số (cái máy tính cầm tay nhảy số, có lẽ do yếu pin hoặc quá cũ, không còn độ chính xác nữa), cũng có lần do tôi cộng trừ nhầm lẫn. Cái máy tính cầm tay chết tiệt và thói quen giản đơn làm chúng tôi một phen hú vía. Vậy là không có chuyện thất thoát tiền bạc, cả Tạp chí vui mừng, thở phào nhẹ nhõm. Với tôi, đã rút ra một bài học kinh nghiệm sâu sắc. Tôi tranh thủ và dảnh nhiều thời gian hơn cho công tác sổ sách cập nhật thu chi, nhất là việc cộng trừ những con số. Từ đó, có những lúc tôi phải cặm cụi cộng đi cộng lại mấy trang sổ sách thu chi đến bốn, năm lần mới cảm thấy phần nào yên tâm.

Hơn 3000 cuốn Tạp chí bỗng nhiên biến mất?!

Từ năm 1989 trở về trước, ấn phẩm Tạp chí TAND mang tên Tập san Tòa án in 32 trang nội dung, một tháng xuất bản một kỳ, in trên giấy không được trắng mịn như bây giờ. Đến năm 1990, Tập san được nâng cấp thành Tạp chí Tòa án nhân dân, vẫn in 32 trang nội dung và một tháng xuất bản một kỳ. Ma két tạp chí hồi đó được kẻ bằng tay trên giấy, nhà in sắp chữ chì, có đoạn chữ mờ khó đọc, ảnh in trên Tạp chí làm bằng bản kẽm, thường tối thui rất khó nhìn. Lượng phát hành Tạp chí lúc đó khoảng trên dưới 3000 số/tháng, cơ quan đơn vị đặt mua chủ yếu là TAND các địa phương trong cả nước, đội ngũ Luật sư cùng một số cơ sở đào tạo Luật học. Sau này, có thời kỳ Tạp chí xuất bản 2 kỳ trong một tháng, số lượng phát hành lên đến trên 7000 bản/kỳ. Đây thực sự là thời kỳ hoàng kim về lượng phát hành của Tạp chí TAND.

Nhìn lại quy trình biên tập, in ấn Tạp chí thời đó, càng thấy công việc bếp núc làm báo chí lúc ấy còn khó khăn và thủ công. Sau khi biên tập viên sửa chữa, bổ sung hoặc cắt cúp các bài viết của cộng tác viên, nhân viên đánh máy chữ đánh lại trên giấy (không như bây giờ, Biên tập viên sửa bài ngay trên máy tính, rất hiện đại và kịp thời). Tập bản thảo và ma két được chuyển đến nhà in để sắp chữ (chuyển cho nhà in trước khi phát hành khoảng 10 đến 15 ngày). Vài ngày sau, nhà in chuyển lại cho Tạp chí bản in thử để đọc mo-rát (đọc hai lần). Bản in thử ngày ấy thường được in trên một mặt giấy (Do tiết kiệm giấy nên mặt kia thường in nội dung tài liệu khác, ma két cũng vậy). Hiện nay, những công đoạn này đều được thực hiện qua Internet, quả là rất tiết kiệm vật liệu, thời gian và hết sức thuận tiện.

Còn nhớ lúc đó Tạp chí thường in tại Nhà in Thống Nhất ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, cách trụ sở Tòa án nhân dân tối cao số 48 Lý Thường Kiệt chừng 2km. Những ngày Tạp chí in xong, chuyển về tòa soạn dường như là “ngày hội” của anh em trong Tạp chí. Đó chính là niềm vui đón thành quả của những ngày vất vả lao động bếp núc để hoàn thành một kỳ Tạp chí, được nhận sản phẩm hoàn thiện về còn thơm nức mùi giấy mới và mực in. Có hôm nhà in kết hợp, cho ô tô (Loại xe chở hàng loại nhỏ) chở sản phẩm Tạp chí trả cho Tòa soạn. Những lúc đó, cả bốn người trong tòa soạn, dù đang bận công việc gì cũng tự giác gác lại, đổ ra cùng nhau khuân vác những bó Tạp chí từ xe vào.

Nhưng hàng tháng, phương tiện thường xuyên chở Tạp chí in xong về Tòa soạn là xe xích lô. Nhà in điện thoại thông báo sáng mai cho người đến lấy Tạp chí (Thời đó, chỉ liên lạc qua máy điện thoại bàn, chưa có điện thoại di động hay mạng internet như bây giờ), Tòa soạn bèn cử một người đến nhà in ký nhận và thuê xe xích lô chở về tòa soạn. Thời ấy, xe xích lô lãng đãng nhiều ở khu vực phố cổ, rất dễ gọi để thuê. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm mất cả xe xích lô chở Tạp chí khi thuê vận chuyển từ Nhà in ở Hàng Bông về 48 Lý Thường Kiệt.

Lần ấy tôi đi nhận sản phẩm Tạp chí. Anh em công nhân đã khuân từng bó Tạp chí ra xếp đầy cửa nhà in, trong khi đó tôi lượn xe máy vòng mấy phố tìm gọi xe xích lô. Một bác già đầu đội mũ lá, ngất ngưởng đạp xích lô xuất hiện đầu phố. Tôi ngã giá và ông ta đồng ý. Hai bác cháu bê và xếp tất cả các bó Tạp chí thành phẩm lên xe xích lô. Bác ta còn hỏi: “Tạp chí này của Tòa án tối cao hả? Nhiều thế!?”. Tôi bảo bác xích lô: “Bác chở về Tòa án tối cao 48 Lý Thường Kiệt. Bác biết trụ sở đó rồi chứ?”. Bác già cười hề hề: “Tôi đẻ và lớn lên ở Hà Nội, còn lạ gì cái nhà to cổ kính ấy! Ngày bé tôi còn vào sân Tòa bắt ve, trèo cây hái trộm sấu nữa! Cậu yên tâm, không phải chỉ đường, tôi khắc chở đến!”.

Tôi rè rè xe máy đi ngang xích lô kiểu áp tải hàng. Chở nặng nên bác già đạp vẻ khó nhọc. Đến đoạn đường rẽ, bất ngờ tôi gặp người bạn thời quân ngũ. Tôi dừng xe bên lề, hai đứa ríu rít chuyện trò không dứt. Chừng 20 phút sau tôi về tới tòa soạn. Không thấy bóng dáng xe xích lô chở Tạp chí về. Anh em hỏi: “Tạp chí về chưa? Xe nào chở về đấy?”. Rõ ràng bác xích lô nói biết địa chỉ Tòa án tối cao, sao mất hút thế nhỉ?! Tôi phát hoảng, lao xe đi ngược lại mấy con phố tìm. Quay trở lại Tòa soạn, vẫn không thấy bác xích lô đâu. Thôi chết rồi, kẻ gian trộm cả xe Tạp chí đi bán giấy vụn thì chết tôi! Lại phóng xe đi tìm. Vẫn không thấy “bóng chim tăm cá” đâu hêt. Tôi lại cuống cuồng phóng xe đi tìm…

Mãi sau, tôi phát hiện chiếc xích lô chở Tạp chí đỗ ở lề đường, còn bác già đội mũ lá đang ngồi bên hàng nước chè chén trên vỉa hè, tí tách mấy hạt lạc rang cùng chén rượu trắng quốc lủi. Thấy tôi hốt hoảng, bác ấy cười hề hề: “Giải lao tí chú ơi! Từ đây về trụ sở Tòa tối cao chỉ dăm phút thôi mà!”. Tôi toát mồ hôi hột, suýt nữa mình trở thành tội đồ làm mất hơn 3000 cuốn Tạp chí thành phẩm, phải in lại chắc tôi phải bỏ tiền túi ra đền, sạt nghiệp là cái chắc, đó là chưa kể bị cơ quan phê bình, kỷ luật nặng.

 

Trụ sở TANDTC 48 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội- Ảnh: Thái Vũ

LÊ PHÚC HỶ