Công bố và phổ biến án lệ ở Việt Nam -  So sánh với Australia, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc

Khái niệm bản án bao gồm hai nội dung : (i) Là quyết định của Tòa án đối với vụ án được xét xử; (ii) Là những lập luận của Thẩm phán để đưa ra quyết định về vụ án. “Bản án” được nêu ra dưới đây là thuộc nội dung thứ hai.

1.Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì quy trình công bố và phổ biến án lệ ở Việt Nam như sau:

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cấp Tòa án, có các điều kiện như quy định tại Nghị quyết để có thể trở thành án lệ cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ. Những bản án, quyết định này sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của TANDTC để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng tải. Trên cơ sở lấy ý kiến này, TANDTC sẽ tổ chức phiên họp của Hội đồng tư vấn án lệ để đề xuất lựa chọn bản án, quyết định nào là án lệ.

Dựa trên kết quả tư vấn của Hội đồng, Chánh án TANDTC sẽ tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ. Chánh án TANDTC ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua. Sau khi được công bố, án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc TANDTC và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

Như vậy, một bản án để được tuyên bố là án lệ phải trải qua một quy trình tuyển chọn với thời gian  tương đối dài và phải được Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành .

2. Australia không có quy trình tuyển chọn một bản án trở thành án lệ. Gần như các bản án của Tòa án cấp cao (tòa án cao nhất trong hệ thống tòa án ở Australia ) đều là án lệ. Sau khi kết thúc phiên tòa, bản án sẽ được hoàn thành và chính thức ban hành. Ngay sau khi ban hành, bản án được đưa vào cơ sở dữ liệu điện tử mà mọi người có thể tiếp cận tự do trong vòng một ngày hoặc ngay trong ngày công bố bản án đó. Địa chỉ truy cập cơ sở dữ liệu này là www.austlii.edu.au , mọi người đều có thể truy cập mà không phải trả tiền.

Ngoài việc công bố bản án trên mạng điện tử, các bản án của Tòa án cấp cao còn được công bố trong các báo cáo pháp luật chính thức, được  một nhà xuất bản pháp lý xuất bản dưới dạng các tập sách và bán trên thị trường. Các báo cáo do nhà xuất bản này phát hành được gọi là các báo cáo có hiệu lực. Nội dung các báo cáo này gồm tóm tắt mở đầu và nguyên văn bản án.

Tóm tắt mở đầu thông thường là một hoặc hai đoạn tóm tắt các tình tiết của vụ án, vấn đề pháp luật và kết luận của Tòa án về vụ án đó (bao gồm các nguyên tắc pháp luật được nêu ra để giải quyết vụ án).  Phần này do các báo cáo viên, thường là các luật sư tranh tụng, luật sư tư vấn hoặc luật sư học giả soạn thảo. Thẩm phán ban hành bản án sẽ kiểm tra lại trước khi báo cáo luật chính thức được xuất bản. Ngoài báo cáo luật chính thức, các báo cáo luật không chính thức cũng được các nhà xuất bản thương mại khác xuất bản với cấu trúc như báo cáo chính thức, chỉ khác là thẩm phán không kiểm tra lại trước khi xuất bản. Việc xuất bản các báo cáo này là nhằm hệ thống các án lệ ,giúp cho tìm kiếm các án lệ được dễ dàng.

3. Pháp cũng không có quy trình tuyển chọn để quyết định bản án nào là án lệ. Các hội đồng xét xử khi giải quyết một vụ án thường tự mình quyết định bản án đó có giá trị án lệ hay không, nếu có thì gắn một ký tự lên trang đầu của bản án gốc và yêu cầu công bố bản án đó.

Đối với Tòa phá án (Tòa án cao nhất trong hệ thống tòa án tư pháp), những ký tự được quy định như sau :

R - Đây là các phán quyết có giá trị án lệ cao nhất. Các phán quyết này được phân tích trong báo cáo thường niên của Tòa phá án, tại phần chính nói về sự phát triển án lệ của Tòa phá án;

 I - Công bố trên trang điện tử của Tòa phá án. Đây là những phán quyết, theo ý kiến của Tòa chuyên trách thuộc Tòa phá án thì rất có ích cho công chúng bởi nó liên quan đến một vấn đề xã hội cụ thể hoặc bởi vì giải pháp đưa ra trong phán quyết có hiệu quả thực tiễn cao đối với đời sống thường ngày của mọi người dân .

P- Công bố trên Tập san của Tòa phá án được phát hành theo số . Đây là những phán quyết có một giá trị tham khảo hoặc bởi có cái mới trong giải pháp, hoặc có một bước tiến mới trong việc giải thích một văn bản so với án lệ trước đó, hoặc do Tòa phá án đã không công bố giải pháp này từ lâu (khoảng 10 năm) và Tòa phá án thấy rằng quan điểm đó có sự ổn định;

B - Công bố trên Tập san thông tin của Tòa phá án (BICC, được phát hành hai tuần một lần cho các thẩm phán), gồm phần tóm tắt các phán quyết sẽ được công bố và Tòa phá án cho rằng cần thiết phải nhanh chóng cho các thẩm phán xét xử cấp dưới biết giải pháp của các phán quyết này. Phần tóm tắt các phán quyết do chính Tòa chuyên trách của Tòa phá án đã xét xử vụ án soạn thảo và nêu ra cái mà phán quyết đã mang lại cho khoa học xét xử của Tòa phá án. Người đọc chắc chắn không bao giờ hài lòng khi đọc phần tóm tắt vì nó ngắn gọn, nên có thể khó tránh khỏi những sai sót trong việc giải thích, nhưng họ sẽ tuyệt đối nhớ tới phán quyết đó, hiểu được căn cứ của phán quyết;

D - Phổ biến tại Tòa phá án nhưng không phát hành. Đối với các Tòa chuyên trách của Tòa phá án thì đây là những phán quyết không có giá trị gì về mặt học thuyết đối với Tòa phá án. Những phán quyết này là “những phán quyết đặc biệt” không có giá trị án lệ.

Đối với Tham chính viện (Tòa án hành chính tối cao) các ký tự được quy định như sau:

 A - Đây là những phán quyết được công bố tại tuyển tập Lebon, đưa ra một nguyên tắc trong một lĩnh vực cụ thể và có giá trị án lệ cao nhất;

B - Đây là những phán quyết được nêu ra tại tuyển tập Lebon, chỉ rõ ra một nguyên tắc mang tính án lệ, cụ thể là chỉ ra cách áp dụng nguyên tắc này như thế nào trong một tình huống cụ thể;

C - Đây là những “phán quyết đặc biệt” không có giá trị án lệ nào.

Nhờ vào hệ thống các ký tự này, một bản án có giá trị án lệ có thể dễ dàng được mọi thẩm phán biết được.

4.Tương tự như Australia và Pháp, Nhật Bản cũng không có quy trình tuyển chọn án lệ. Về nguyên tắc, bản án của Tòa án tối cao là án lệ, trong trường hợp không có án lệ của Tòa án tối cao thì bản án của Tòa án cấp cao cũng có thể là án lệ (Nhật Bản có tám Tòa án cấp cao). Tuy nhiên, để các thẩm phán và mọi người quan tâm có thể dễ dàng nhận biết được án lệ, Ủy ban án lệ của Tòa án tối cao tiến hành tuyển chọn án lệ để đăng trong “Tuyển tập án lệ” của Tòa án tối cao. Việc tuyển chọn án lệ dựa  trên mức độ quan trọng của án lệ, theo các loại: án lệ quy phạm, án lệ giải thích và án lệ hướng dẫn. Án lệ quy phạm là án lệ đưa ra nguyên tắc pháp lý mà khi xét xử những vụ án tương tự về sau, thẩm phán cần phải áp dụng (hay là bắt buộc phải áp dụng). Án lệ giải thích là án lệ làm rõ nội dung ý nghĩa của các điều luật. Án lệ hướng dẫn là án lệ đã áp dụng các án lệ trước, không nêu ra một vấn đề gì mới, giúp cho các thẩm phán tham khảo khi giải quyết các vụ án tương tự mà không có tính ràng buộc như hai loại án lệ quy phạm và giải thích. Do đó, việc đăng tải bản án trong “Tuyển tập án lệ” không phải là hình thức khẳng định một bản án nào là án lệ (1).

 5. Trung Quốc chưa có án lệ theo đúng nghĩa của nó. Ngày 26/11/2010, TANDTC Trung Quốc ban hành Quy định về các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử (bản Quy định) ,gồm 10 điều. Theo bản Quy định này thì các đơn vị xét xử của TANDTC đều có thể đề xuất lên Văn phòng phụ trách các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử thuộc TANDTC bất kỳ quyết định hay bản án do TANDTC hoặc các TAND địa phương các cấp xét xử, đã có hiệu lực pháp luật, đáp ứng được điều kiện trở thành vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử như quy định tại bản Quy định.

Đại biểu Đại hội nhân dân toàn quốc, thành viên các ủy ban của Hội nghị tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, các chuyên gia và học giả, luật sư và nhân dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm đến công tác xét xử và thi hành án của TAND có thể đề xuất bất kỳ quyết định hoặc bản án nào đã có hiệu lực pháp luật lên TAND ban hành quyết định hay bản án đó với điều kiện đáp ứng các điều kiện của vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử đã nêu tại bản Quy định. Văn phòng phụ trách các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử ,một cách nhanh chóng cần đưa ra ý kiến thẩm định đối với các vụ án được đề xuất, nếu thấy đủ điều kiện thì báo cáo lên Chánh án hoặc Phó chánh án phụ trách, sau đó trình vụ án lên Ủy ban xét xử / Hội đồng thẩm phán của TANDTC để thảo luận và đưa ra quyết định. Ủy ban xét xử của TANDTC sẽ thảo luận và quyết định lựa chọn các vụ án có giá trị hướng dẫn xét xử và sẽ công bố theo mẫu thống nhất trên Công báo của TANDTC, trang thông tin điện tử của TANDTC và trên Bản tin TAND.

Trên đây là bài viết nêu ra để so sánh cách thức tuyển chọn, công bố và phổ biến án lệ của nước ta với một số nước. Có thể thấy Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc nhưng có nhiều điểm khác so với Australia, Pháp, Nhật Bản.                                                                                                                        

                                                                          (Tổng hợp từ các cuộc hội thảo về án lệ)

 

       

            

 

NGÔ CƯỜNG

(1). Xem thêm: Ngô Cường, Án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản, tctoaan.dt ngày 29-02-2024.