“Hành vi trục lợi bảo hiểm” trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được nhìn nhận dưới góc độ của các hình thức chế tài
Bài viết làm rõ cách hiểu về thuật ngữ trục lợi bảo hiểm, chỉ ra một số hạn chế trong quy định về chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm và đề xuất giải pháp.
Việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã khắc phục được những hạn chế nhất định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019) sau hơn 22 năm thực thi. Tuy nhiên, đối với các chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan vẫn còn thiếu tính răn đe, chưa thỏa đáng với hậu quả của hành vi hoặc chưa đủ nghiêm khắc.
1. Dẫn nhập vấn đề
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với một cơ chế đặc trưng là việc chấp nhận rủi ro và trả phí bảo hiểm cho người thụ hưởng khi phát sinh sự kiện bảo hiểm. Cơ chế này được cụ thể hóa trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (Luật KDBH năm 2022) thông qua khái niệm “kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm […] chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm […] bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm [1]. Hàm nghĩa khái niệm kinh doanh bảo hiểm đã chỉ ra 2 yếu tố cơ bản đang tồn tại có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi trục lợi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: (i) mục đích sinh lợi từ phía doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và (ii) người mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng được nhận tiền bồi thường khi phát sinh sự kiện bảo hiểm. Điều đó có nghĩa, trục lợi bảo hiểm có thể được thực hiện bởi hành vi có chủ ý của bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.
Thực tiễn trong giai đoạn 2008 – 2017: Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, có hơn 78.000 vụ việc trục lợi bảo hiểm với số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chiếm từ 6% - 28% tổng số vụ yêu cầu bồi thường tiền bảo hiểm là các hành vi trục lợi bảo hiểm [2]. Ngoài ra, có khoảng từ 4% - 6% hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm mà các doanh nghiệp thực hiện cho người thụ hưởng có dấu hiệu trục lợi từ người mua bảo hiểm [3]. Mặt khác, tại doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đã từ chối 20% số giao dịch chi trả tiền bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp người mua bảo hiểm kê khai không trung thực có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khác như Aviva, FWD, Dai-ichi,… cũng đã từ chối chi trả đối với các trường hợp người mua làm giả hồ sơ y tế để mua bảo hiểm, tự gây thương tích để đền bù chiếm tỷ lệ tương đối lớn [4].
Tỷ lệ này đã giảm đáng kể tại thời điểm hiện nay nhưng các hành vi trục lợi bảo hiểm vẫn còn tiếp diễn với độ tinh vi và được tổ chức dưới nhiều cách thức khác nhau: cố ý gây thương tích cho người được bảo hiểm và tạo hiện trường giả; giả mạo chữ ký, giấy tờ có liên quan và thông tin cá nhân; tự cố ý gây thiệt hại tài sản hoặc thương tích cơ thể của người mua bảo hiểm; tiếp cận và che giấu thông tin đối với những người đang mắc các bệnh hiểm nghèo nhằm trục lợi… Điển hình trong năm 2019, một cá nhân đã ký 09 hợp đồng mua bảo hiểm tại 08 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, sau đó cá nhân này đã có hành vi dùng dao chặt cụt ngón tay cái bàn tay trái và gửi hồ sơ yêu cầu trả bảo hiểm đến 08 doanh nghiệp bảo hiểm này với tổng số tiền cho 09 hợp đồng gần 03 tỉ đồng nhằm trục lợi bảo hiểm [5] .
Trong một số trường hợp do không thể chứng minh người mua có hành vi trục lợi bảo hiểm, nên doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vẫn phải chi trả khoản tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ tháng 04/2021 và lan rộng trong phạm vi cả nước, vấn đề trục lợi bảo hiểm xảy ra với mức độ tinh vi ngày càng tăng và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Do đó, việc áp dụng các quy định chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm hiện hành cẩn được xem xét và đánh giá lại trong mục tiêu ngăn chặn, hạn chế và đảm bảo tính nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm.
2. Khái niệm về trục lợi bảo hiểm
Khái niệm “trục lợi bảo hiểm”vẫn chưa được cụ thể hóa bằng một định nghĩa pháp lý đầy đủ trong các văn bản pháp luật, cụm từ “trục lợi” được chỉ nhắc đến một lần duy nhất tại Điều 106, Luật KDBH năm 2022. Song, khái niệm “trục lợi bảo hiểm” có thể được tiếp cận và diễn giải theo các hướng sau:
Một, hiểu theo nghĩa không chính thống: Theo phạm vi hẹp, trục lợi bảo hiểm là hành vi được thực hiện một cách cố ý của cá nhân hoặc tổ chức khi tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm cho một hoặc nhiều đối tượng được bảo hiểm nhất định, nhằm mục đích gian lận để chiếm đoạt khoản tiền bồi thường từ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Ở phạm vi rộng về chủ thể thực hiện hành vi, chủ thể thực hiện hành vi trục lợi bảo hiểm có thể là (i) chính các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc (ii) người mua bảo hiểm hoặc (iii) người thụ hưởng nhưng không đồng thời là người mua bảo hiểm.
Hai, trục lợi bảo hiểm dưới khía cạnh pháp lý: Khái niệm “trục lợi bảo hiểm” từng được định nghĩa bởi Thông tư số 31/2004/TT–BTC của Bộ Tài chính ngày 12/04/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13/10/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (đã hết hiệu lực), theo đó trục lợi bảo hiểm hay hành vi trục lợi trong việc tham gia bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và giải quyết khiếu nại bảo hiểm “là hành vi cố ý lừa dối của tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính khi tham gia bảo hiểm, yêu cầu, giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, giải quyết khiếu nại bảo hiểm” [6]. Ba nhân tố quan trọng cần lưu ý khi xem xét cấu thành hành vi trục lợi bảo hiểm thông qua khái niệm này: (i) hành vi lừa dối hay gian dối một cách cố ý của tổ chức hoặc cá nhân, (ii) trong mục đích tìm kiếm một hoặc nhiều khoản lợi bất hợp pháp, (iii) thông qua việc tận dụng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm.
Khi Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13/10/2003 của Chính phủ chấm dứt hiệu lực, thì cách hiểu về hành vi trục lợi bảo hiểm theo Thông tư số 31/2004/TT–BTC của Bộ Tài chính chỉ mang tính chất tham khảo. Để điều chỉnh hành vi trục lợi bảo hiểm, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ) (sau đây gọi tắt là Nghị định số 98/2013/NĐ-CP) được ban hành nhưng không đưa ra khái niệm cụ thể về trục lợi bảo hiểm hay hành vi trục lợi trong bảo hiểm, thay vào đó, cụm từ “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” được sử dụng về nội hàm cũng mang ý nghĩa để chỉ hành vi trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng sử dụng cụm từ “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” để chỉ về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định tại điều 213, Mục 2, Chương XVIII. Xét ở khía cạnh quan điểm, thuật ngữ “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” mang ý nghĩa hẹp và giới hạn hơn so với khái niệm “trục lợi bảo hiểm”, bởi hành vi trục lợi bảo hiểm bao hàm cả về mặt ngữ nghĩa của hành vi gian dối hay gian lận và lời dối trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do đó, có thể Nghị định số 98/2013/NĐ-CP đã thu hẹp cách hiểu về hành vi trục lợi bảo hiểm, song về cơ bản nội hàm ngữ nghĩa chung thì “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” và “trục lợi bảo hiểm” có thể được hiểu tương đồng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2023 khi Luật KDBH năm 2022 có hiệu lực thi hành, thì thuật ngữ “gian lận” và “trục lợi” được hiểu hoàn toàn tách biệt và “trục lợi” không mang ý nghĩa ngụ ý bao quát “gian lận”, cụ thể tại điểm b, khoản 01, Điều 106 quy định: “... xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chung về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phân tích, dự báo về thị trường bảo hiểm và phòng chống trục lợi, gian lận bảo hiểm....”.
“Trục lợi bảo hiểm” dưới góc độ pháp luật của Bang California, Hoa Kỳ: hướng tiếp cận khái niệm trục lợi bảo hiểm được sử dụng với thuật ngữ “gian lận bảo hiểm (insurance fraud)” để chỉ hành của ai đó cố ý nói dối để đạt được lợi ích hoặc lợi thế nào đó mà họ không được hưởng hoặc ai đó cố ý từ chối một lợi ích đến hạn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người khác là người thụ hưởng [7]. Ngoài ra, pháp luật Hoa Kỳ nói chung còn phân định một cách cụ thể khái niệm về gian lận bảo hiểm mềm (soft insurance fraud) và gian lận bảo hiểm cứng (hard insurance fraud). Việc thêm nội dung hoặc phóng đại một yêu cầu hợp pháp được xem là “gian lận bảo hiểm mềm”, ví dụ, người lái xe có thể có yêu cầu hợp pháp về thiệt hại tài sản do va chạm trong một vụ tai nạn giao thông (người này không bị thương tật), nhưng nếu người này yêu cầu thêm khoản bồi thường về thương tật không tồn tại và chi phí y tế, thì đó là hành vi gian lận bảo hiểm mềm và khi đó người này có thể bị quy về tội ít nghiêm trọng (misdemeanor) hoặc nghiêm trọng (felony) nhưng không áp dụng hình thức tù có thời hạn. Khi toàn bộ yêu cầu bồi thường hoàn toàn là hành vi cố ý gian lận của một chủ thể thì được xem là hành vi gian lận bảo hiểm cứng và bị coi là tội phạm nghiêm trọng với thời hạn tù nhất định, ví dụ một người đốt nhà hoặc cơ sở kinh doanh của chính mình với ý định yêu cầu được bồi thường tiền bảo hiểm hoặc một người cố ý gây thương tật cho mình để yêu cầu bồi thường hoặc vụ va chạm giao thông được dàn dựng, báo cáo sai về tài sản bị đánh cắp [8].
Trong sự tương đồng với pháp luật Việt Nam về hành vi trục lợi bảo hiểm, Cộng hòa Pháp cũng không đưa ra khái niệm pháp lý cụ thể về “trục lợi bảo hiểm”, thay vào đó luật của Pháp sử dụng thuật ngữ “gian lận bảo hiểm (fraude à l’assurance)” và nó sẽ được diễn giải trên cơ sở các điều khoản pháp lý khác có liên quan, theo đó một hành động có chủ ý do pháp nhân hoặc cá nhân thực hiện nhằm thu lợi bất chính từ hợp đồng bảo hiểm thì được xem là gian lận bảo hiểm [9]. Với sự giải thích này thì cách hiểu về hành vi trục lợi bảo hiểm theo pháp luật của Pháp có tính bao quát khá rộng.
Từ các phân tích trên, có thể kết luận: “hành vi trục lợi bảo hiểm là các hành vi gian lận, gian dối, lừa dối hoặc bất kỳ hành vi bất hợp pháp có chủ ý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, được thực hiện bởi một hoặc các bên có liên quan trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm, nhằm mục đích tìm kiếm lợi ích vật chất hoặc phi vật chất”.
3. Chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm
Theo nguyên tắc chung được ghi nhận bởi pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, BLHS năm 2015 và BLDS năm 2015, thì việc áp dụng chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm sẽ tùy thuộc vào mức độ hậu quả, tính chất nguy hiểm và sự tinh vi của hành vi, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng chế tài dân sự hoặc chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự, cụ thể:
Thứ nhất, chế tài dân sự: về cơ bản, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã vận dụng các nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015 trong việc xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm ở góc độ dân sự, bao gồm việc từ chối chi trả tiền bảo hiểm, đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, buộc phải hoàn trả lại những lợi ích về vật chất từ hành vi trục lợi bảo hiểm và bồi thường thiệt hại cho cá nhân hoặc tổ chức bị vi phạm,… [10], theo đó cá nhân hoặc tổ chức có hành vi gây thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần cho cá nhân hoặc tổ chức khác sẽ bị buộc phải: (i) dừng ngay lập tức hành vi vi phạm; (ii) khắc phục thiệt hại, hậu quả bằng cách đền bù tương xứng với mức độ mà hành vi của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm gây ra và hậu quả, thiệt hại thực tế của cá nhân hoặc tổ chức bị vi phạm. Ngoài ra, việc xác định vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng hoặc nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng căn cứ tại Điều 585, Bộ luật Dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, các thiệt hại khác từ hành vi trục lợi bảo hiểm được xác định là thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi hành vi và hậu quả gây ra bởi hành vi không phải là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa các bên khi tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, chế tài xử lý vi phạm hành chính: Hành vi trục lợi bảo hiểm khi đủ các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm pháp luật hành chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng ngay lập tức hình thức xử phạt vi phạm hành chính và đồng thời áp dụng biện pháp chế tài dân sự (nếu có). Chế tài xử lý vi phạm hành chính hành vi trục lợi bảo hiểm được cụ thể hóa trong Nghị định số 98/2013/NĐ-CP với 03 hình thức xử phạt vi phạm hành chính mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng [11]: (i) cảnh cáo, (ii) phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng [12] và (iii) đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thời hạn áp dụng đối với chủ thể có chức năng này, cụ thể đối với các hành vi sau: (a) thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; (b) giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; (c) giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; (d) tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm (trừ trường hợp luật quy định khác), nhưng khoản tiền đã chiếm đoạt từ các hành vi này phải dưới 20 triệu đồng hoặc mức độ gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp bảo hiểm dưới 50 triệu đồng, bởi vì nếu vượt qua mức ngưỡng này thì sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của chế tài hình sự [13].
Cộng hòa Pháp không quy định chế tài xử lý vi phạm hành chính một cách độc lập với các chế tài khác, một hành vi vi phạm khi bị coi là trục lợi bảo hiểm thì cơ quan có thẩm quyền của Pháp có thể áp dụng: (i) chế tài dân sự theo Bộ luật Bảo hiểm hoặc (ii) chế tài hình sự được quy định trong BLHS của Pháp, chế tài hành chính sẽ được lồng ghép trong chế tài hình sự khi xử lý hành vi gian lận bảo hiểm. Đối với hình phạt cho việc gian lận trong quá trình ký hợp đồng (sanction de la fraude lors de la souscription), tại điều L113-8 của Bộ luật Bảo hiểm quy định bên mua bảo hiểm, người thực hiện việc khai báo thông tin gian dối, phải hoàn trả lại các khoản bồi thường mà công ty bảo hiểm đã trả cho các yêu cầu bồi thường bảo hiểm trước khi phát hiện ra việc khai báo sai sự thật. Công ty bảo hiểm cũng có thể giữ lại phí bảo hiểm đã đóng và yêu cầu thanh toán phí bảo hiểm đến hạn, coi như đó là khoản bồi thường thiệt hại. Trong BLHS của Pháp không có quy định cụ thể về tội trục lợi bảo hiểm, do đó cơ quan có thẩm quyền sẽ tham khảo và vận dụng các điều khoản của BLHS về xử phạt hành vi giả mạo chữ viết (faux en écriture) và hành vi lừa đảo (escroquerie) để xử lý hành tội trục lợi bảo hiểm [14]. Theo đó, tội lừa đảo được hiểu hành vi bằng cách sử dụng tên giả hoặc chất lượng sai, hoặc lạm dụng chất lượng thực hoặc bằng cách sử dụng các thủ đoạn gian dối, để đánh lừa một thể nhân hoặc pháp nhân…, nhằm để nhận lấy những lợi vật chất, để cung cấp dịch vụ hoặc đồng ý với một hành động thực hiện nghĩa vụ hoặc không thực hiện, hành vi gian lận này có thể bị phạt lên đến 05 năm tù và 375.000 euro tiền phạt [15], trong trường hợp này có thể hiểu chế tài hành chính đang được được lồng ghép trong chế tài hình sự.
Thứ ba, chế tài hình sự: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm tại Điều 213, BLHS năm 2015 đối với cá nhân hoặc tổ chức được đặt ra khi hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên cho cùng các hành vi đã được đề cập trong chế tài xử lý vi phạm hành chính. Về mặt nội dung, các hành vi trục lợi bảo hiểm trong BLHS năm 2015 hoàn toàn tương đồng với các hành vi theo Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, điểm khác biệt đáng chú ý giữa hai quy định đó là “mức ngưỡng” của khoản tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại để chịu trách nhiệm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự - một nguyên tắc được ghi nhận trong nhiều điều luật của BLHS năm 2015 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Ở một góc nhìn pháp lý hoàn toàn khác, BLHS sự của Canada luôn xem hành vi trục lợi bảo hiểm là tội phạm, theo đó bất kỳ cá nhân có hành vi gian dối, giả dối hoặc các hình thức gian lận khác nhằm lừa đảo công chúng hoặc bất kỳ người nào, cho dù đã xác định hay chưa về bất kỳ tài sản, tiền bạc hoặc vật bảo đảm có giá trị nào, thì sẽ phải đối mặt với chế tài hình sự với các mức truy tố: (i) có thể lên đến 02 năm tù khi giá trị chiếm đoạt không quá 5.000 đô la Canada hoặc (ii) mức án không vượt quá 14 năm tù khi giá trị chiếm đoạt trên 5.000 đô la Canada [16]. Quy định này cho thấy sự khác biệt lớn giữa hai hệ thống pháp luật, nếu Việt Nam cân nhắc xem hành vi trục lợi bảo hiểm thuộc sự điều chỉnh của chế tài hình sự hoặc hành chính, thì Canada xác định hành vi này là một loại tội phạm và sẽ bi truy cứu trách nhiệm hình sự. Về phương diện này, thì pháp luật của Canada có tính nghiêm khắc cao hơn so với Việt Nam để xử lý các hành vi liên quan đến gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tại Mỹ, hầu hết các bang của quốc gia này xem hành vi gian lận bảo hiểm là tội phạm. Theo số liệu thống kê năm 2022 của Liên minh chống gian lận bảo hiểm (Coalition Against Insurance Fraud) thì hành vi gian lận bảo hiểm từ người tiêu dùng Mỹ đã đánh cắp ít nhất 308,6 tỷ đô la mỗi năm. Do đó, để hạn chế, ngăn ngừa và xử lý hành vi gian lận bảo hiểm thì ngoài quy định chung của pháp luật liên bang, đã có 48/50 bang của Mỹ đã hình sự hóa quy định luật tiểu bang để điều chỉnh các hành vi trục lợi từ bảo hiểm [17].
4. Quan điểm đánh giá về các biện pháp chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm
Thứ nhất, đối với chế tài dân sự: Việc vận dụng các nguyên tắc của BLDS năm 2015 với sự kết hợp các quy định của Luật KDBH năm 2022 để giải quyết vấn đề phát sinh từ hành vi trục lợi bảo hiểm được đánh giá là sẽ đem lại hiệu quả và tính linh hoạt cao. Vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi cố tình cung cấp sai thông tin của người mua bảo hiểm được giải quyết, bằng việc bổ sung trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) của người mua bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vào điều 22, Luật KDBH năm 2022.
Thứ hai, đối với chế tài xử lý vi phạm hành chính: Về mục đích áp dụng mức phạt tiền tối thiểu 90 triệu đồng cho hành vi vi phạm hành chính về trục lợi bảo hiểm khi chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng tại khoản 03, điều 14, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP mang tính nghiêm khắc cao và đủ sức răng đe cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm hoặc có ý định vi phạm. Tuy nhiên, nếu xét về mặt cấu trúc, tại khoản 3 này bị dư thừa cụm từ “hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” trong quy định:
“3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:…”.
Bởi “khoản 3” đã đưa ra các khoản xác định đối với số tiền nếu cá nhân hoặc tổ chức “chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng” sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và tại “khoản 01”, điều 213, BLHS năm 2015 cũng đưa ra mốc xác định tối thiểu số tiền nếu cá nhân hoặc tổ chức “chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng ….hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng…” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự kết hợp về mặt nội dung của 2 quy định này đã tạo khung bao quát phạm vi điều chỉnh hành vi trục lợi bảo hiểm. Do đó, không cần thiết phải có cụm từ “hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” tại khoản 3, Điều 14, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP.
Thứ ba, đối với chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự: Việc pháp luật hình sự của Việt Nam hình sự hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm thông qua việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm tại Điều 213, BLHS năm 2015 cho thấy sự phù hợp và cần thiết với yêu cầu thực tế của xã hội khi các hành vi trục lợi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm diễn ra ngày càng tinh vi và gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, một vấn đề đang tồn tại trong “Điều 213” là vẫn chưa hình sự hóa nội dung “một hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã bị xử phạt hành chính và tái phạm”, có thể nhận định rằng đây là sự thiếu sót quan trọng, trong khi việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm đã bị xử lý hành chính và tiếp tục vi phạm hành chính ở lần thứ hai là nguyên tắc được ghi nhận tại nhiều điều khoản của BLHS năm 2015.
5. Một số giải pháp kiến nghị và kết luận
Trục lợi bảo hiểm bắt nguồn từ hành vi bất hợp pháp của người mua bảo hiểm hoặc của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc người thụ hưởng vì mục đích trục lợi. Các chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm được quy định trong một số văn bản pháp lý khác nhau, song vẫn còn các hạn chế nhất định cần được bổ sung và điều chỉnh. Sau đây là một số kiến nghị được đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện và đảm bảo tính hiệu quả của quy định pháp luật về chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm:
Thứ nhất, sửa đổi và bổ sung một số nội dung liên quan đến chế tài xử lý vi phạm hành chính: (i) cần bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính ở “mức độ cảnh cáo” cho hành vi trục lợi bảo hiểm đối với trường hợp hành vi gian lận hoặc lừa dối được thực hiện bởi người mua bảo hiểm nhưng vẫn chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm hoặc chưa gây ra bất cứ thiệt hại nào cho doanh nghiệp bảo hiểm; (ii) sửa đổi khoản 3, Điều 14, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ cụm từ “hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng, cụ thể như sau: …”; (iii) cần nghiên cứu bổ sung thêm một số các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp đối với người mua bảo hiểm để phù hợp với thực tiễn hiện nay; (iv) nên bổ sung hành vi cung cấp sai thông tin nhằm giao kết hợp đồng vì mục đích trục lợi vào nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính dù mục đích của hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm chưa hoàn thành.
Thứ hai, sửa đổi và bổ sung khoản 1, Điều 213, BLHS năm 2015 theo hướng đưa nội dung “hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vào “khoản 01” như sau: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm,…”.
Thứ ba, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ Canada và Mỹ về hình thức chế tài đối với hành vi gian lận bảo hiểm, Việt Nam cần xem xét khả năng áp dụng chế tài hình sự cho hành vi trục lợi bảo hiểm ngay từ lần đầu tiên vi phạm nhưng không căn cứ việc xác định giá trị tài sản bị gây thiệt hại hoặc bị chiếm đoạt. Việc xác định này sẽ có ý nghĩa làm cơ sở định khung hình phạt cho hành vi phạm tội. Điều này sẽ làm tăng hiệu quả và đảm bảo tính răng đe hướng đến mục đích hạn chế và ngăn ngừa hành vi gian lận trong họat động kinh doanh bảo hiểm.
*ThS. Giảng viên luật, Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh
Công an TP.Biên Hòa, Đồng Nai khám xét một cơ sở mua, bán các giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận nghỉ bệnh để được hưởng BHXH - Ảnh: Trần Danh
[1]. Quốc hội (2022). Khoản 2, Điều 04, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022
[2]. Công an Tp. Hồ Chí Minh (2018), Những thủ đoạn trục lợi bảo hiểm không ngờ, từ https://congan.com.vn/vu-an/phong-su/truc-loi-bao-hiem-nhung-thu-doan-kho-ngo_53813.html, truy cập ngày 12/05/2022
[3]. Báo Pháp luật – Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp (2020), Trục lợi bảo hiểm: Không dễ chứng minh, từ https://baophapluat.vn/truc-loi-bao-hiem-khong-de-chung-minh-post348388.html, truy cập ngày 12/05/2022.
[4]. Báo Pháp luật – Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp (2020), Trục lợi bảo hiểm: Không dễ chứng minh, từ https://baophapluat.vn/truc-loi-bao-hiem-khong-de-chung-minh-post348388.html, truy cập ngày 12/05/2022
[5]. Thời báo Ngân hàng (2022), Pháp lý chưa hoàn thiện, gian lận bảo hiểm tăng, từ https://thoibaonganhang.vn/phap-ly-chua-hoan-thien-gian-lan-bao-hiem-tang-123155.html, truy cập ngày 12/05/2022
[6]. Bộ Tài chính (2003). Điều 4, mục V, Thông tư số 31/2004/TT–BTC của Bộ Tài chính ngày 12/04/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13/10/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
[7]. California Department of Insurance, What is Insurance Fraud?, từ http://www.insurance.ca.gov/0300-fraud/0100-fraud-division-overview/05-ins-fraud/#:~:text=Insurance%20fraud%20is%20a%20%22specific,that%20is%20untrue%20is%20sufficient, truy cập ngày 15/05/2022
[8]. Rose Legal Services. What is the Punishment for Insurance Fraud?, từ https://www.roselegalservices.com/what-is-the-punishment-for-insurance-fraud/, truy cập ngày 15/05/2022
[9]. Governement of France (2014), Délibération n° 2014-312 du 17 juillet 2014 portant autorisation unique de traitements de données à caractère personnel ayant pour finalité la lutte contre la fraude à l'assurance mis en œuvre par les organismes d'assurance, de capitalisation, de réassurance, d'assistance et par les intermédiaires d'assurance (AU 039), từ https://www.legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000029311165?init=true&page=1&query=Fraude+%C3%A0+l%E2%80%99assurance&searchField=ALL&tab_selection=all, truy cập ngày 15/05/2022
[10]. Quốc hội (2022). Điều 19 và điều 20, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 ngày 16/06/2022.
[11]. Chính phủ (2013). Khoản 01, điều 03, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày21/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số).
[12]. Chính phủ (2013). Khoản 03, điều 14, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số).
[13]. Quốc hội (2015). Điều 213, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[14]. Insurance Fraud Agency (Agence pour la Lutte contre la Fraude à l’assurance -ALFA). Fraude à l’assurance, từ https://www.alfa.asso.fr/fraude-a-lassurance/, truy cập ngày 15/05/2022
[15]. Government of France. Article 313-1, Code Pénal, từ https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc/LEGIARTI000006418192/#:~:text=L'escroquerie%20est%20le%20fait,fonds%2C%20des%20valeurs%20ou%20un, truy cập ngày 15/06/2022
[16]. Government of Canada. 380(1)(a)(b)(i)(ii), Criminal Code (R.S.C., 1985, c. C-46, từ https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/C-46/section-380.html), truy cập ngày 18/06/2022
[17]. Coalition Against Insurance Fraud (2022). Fraud Stats – State and federal efforts to investigate and prosecute insurance fraud, từ https://insurancefraud.org/fraud-stats/, truy cập ngày 28/06/2022
[18]. Quốc hội (2000). Khoản 02, điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 ngày 09 tháng 12 năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019).
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận