10 nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2020

Ngày 6/1/2020, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020, các nhiệm vụ trọng tâm công tác được xác định gồm 10 nhiệm vụ.

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; Nghị quyết số 96/2019/ của Quốc hội; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

2. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm pháp luật. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi.

3. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được giao chủ trì soạn thảo đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ; tích cực tham gia xây dựng văn bản do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ đặc biệt là pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; về giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

4. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp đột phá trong công tác tổ chức cán bộ tại Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 14/5/2018 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao; hoàn thành chỉ tiêu tinh giản biên chế. Hoàn thiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân và trình Bộ Chính trị trong quý II/2020. Làm tốt công tác giới thiệu nhân sự của Tòa án nhân dân tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn Thẩm phán và điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Thẩm phán. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

5. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn; kết hợp tốt việc đào tạo trong nước và nước ngoài; khuyến khích việc tự đào tạo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các Tòa án.

6. Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế năm 2020 theo các nội dung đã được xác định tại Đề án công tác đối ngoại của Tòa án nhân dân giai đoạn 2017- 2021. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện vai trò nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (CACJ) lần thứ VIII. Phối hợp với các cơ quan làm tốt công tác tương trợ tư pháp, điều tra, giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất phương án đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia vào các hội nghị, diễn đàn tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, hoạt động tương trợ tư pháp, điều tra, giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

7. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động và thủ tục hành chính – tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, đặc biệt là việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân. Hoàn thiện quy trình phân công công việc một cách ngẫu nhiên, đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết các vụ án.

8. Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng đặc biệt là dự án xây dựng mới, dự án trùng tu trụ sở Tòa án nhân dân tối cao; dự án mở rộng trụ sở Học viện Tòa án.

9. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức, hoạt động của Tòa án; duy trì chương trình truyền hình Tòa án nhân dân. Tiếp tục phối hợp sản xuất và phát sóng Bộ phim truyền hình dài tập dài tập về người Thẩm phán Tòa án nhân dân; xây dựng chương trình mới “Hồ sơ xét xử”; tổ chức “Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn và ký sự về đề tài Tòa án nhân dân”; xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

10. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua; phát động các phong trào thi đua thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước: 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020); 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020); cũng như kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu trung tâm – Ảnh: Vũ Dinh

NHÓM PV