10 sự kiện tiêu biểu của Tòa án nhân dân năm 2021
Tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2022, TANDTC đã công bố 10 sự kiện được đánh giá là tiêu biểu nhất trong năm 2021 của hệ thống TAND cả nước.
1. Ban cán sự đảng TANDTC quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đẩy mạnh xây dựng chiến lược cải cách tư pháp mới trong TAND
Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong TAND, Tòa án quân sự các cấp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII.
Ban cán sự đảng TANDTC ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động để Tòa án các cấp hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào các mặt hoạt động của Tòa án. Xây dựng Chương trình hành động toàn khóa nhiệm kỳ 2021- 2026, trong đó xác định 25 nhiệm vụ, công tác lớn và phân công cụ thể cho các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
Tòa án nhân dân nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Trong năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban chỉ đạo Ccải cách Tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC để định hướng về xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng như tham gia xây dựng Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC về quản lý biên chế TAND giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026 để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
2. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức; Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC
Ngày 30/1/2021, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Nguyễn Hòa Bình được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống TAND có Chánh án TANDTC là Ủy viên Bộ Chính trị; là vinh dự lớn đối với cá nhân đồng chí Nguyễn Hòa Bình và là niềm tự hào, niềm vui chung đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động hệ thống TAND.
Ngày 9/4/2021, Bộ Chính trị tiếp tục phân công đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC, Đại biểu Quốc hội khóa XIV trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ngày 26/7/2021, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, đồng chí Nguyễn Hòa Bình,Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2016- 2021 tiếp tục được Quốc hội bầu làm Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2021- 2026.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ nhậm chức
Trước Quốc hội và cử tri cả nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC thực hiện nghi thức Tuyên thệ nhậm chức: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Tôi - Chánh án TANDTC nước CHXHCN Việt Nam, tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi tuyên thệ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình-trên cương vị là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, nguyện khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, không ngừng rèn luyện và nêu gương; cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán TANDTC phát huy truyền thống; đoàn kết một lòng; tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC
Năm 2021, nhằm kiện toàn Hội đồng Thẩm phán TANDTC, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã trao Quyết định bổ nhiệm 4 Thẩm phán TANDTC.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho các Thẩm phán, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các Thẩm phán TANDTC mới được bổ nhiệm tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị; thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, thượng tôn pháp luật; phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.
3. Quốc hội thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến
Để kịp thời thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động xét xử, Ban Cán sự đảng TANDTC đã xây dựng chủ trương tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Sau nhiều lần chỉnh lý, hoàn thiện, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Để áp dụng thống nhất trong toàn quốc, TANDTC đã tổ chức Hội nghị Triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 và tổ chức Lễ ký kết Thông tư liên tịch giữa TANDTC với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến". Việc áp dụng xét xử trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng nhằm đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn luật định; góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ.
Lễ ký kết thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến
Ngay sau khi Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực thi hành, các Tòa án trên cả nước đã triển khai xét xử trực tuyến. Đặc biệt, ngày 8/1/2021, tại Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND đặt tại TANDTC, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và các đại biểu đã trực tiếp theo dõi, chứng kiến 3 phiên tòa trực tuyến kết nối TAND cấp cao tại Hà Nội với TAND tỉnh Lạng Sơn; phiên tòa tại TAND tỉnh Bắc Giang kết nối với trại tạm giam; phiên tòa tại TAND thành phố Hải Phòng kết nối với UBND thành phố Hải Phòng.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; tiết kiệm chi phí xã hội; phù hợp xu thế quốc tế và lộ trình xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam.
4. Hệ thống TAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao
Trong năm 2021, TAND, Tòa án quân sự các cấp chủ động trong chỉ đạo, điều hành; đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao cho. Các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Song song với công tác chuyên môn, TANDTC đã tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Công tác phát triển án lệ được chú trọng; đã có hàng nghìn bản án áp dụng án lệ trong xét xử.
Tổ chức các Tòa án từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn theo hướng tinh gọn và chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của các cấp Tòa án vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ và được bố trí, sử dụng hợp lý. Tòa án các cấp cũng chú trọng công tác xây dựng Đảng và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Ngoài ra, TANDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học để nghiên cứu, xây dựng cuốn sách “Lịch sử TAND Việt Nam” (giai đoạn năm 1945 đến năm 2020) khái quát toàn diện các giai đoạn lịch sử của đất nước và tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án trong quá trình xây dựng và phát triển; khẳng định những cống hiến của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng lớn - được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao
Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt hơn đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Các vụ đại án về tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2021, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo; đã xét xử 2.263 vụ với 4.125 bị cáo phạm các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đều được xét xử kịp thời, nghiêm minh như: Vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án "Đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ án xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan do bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) cùng các đồng phạm thực hiện; vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) và 18 bị cáo “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn…
Bị cáo Nguyễn Đức Trung tại phiên tòa
Việc xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế bảo đảm nghiêm minh, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đạt hiệu quả hơn; góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
6. Triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành, TANDTC đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các Tòa án tổ chức thi hành. Các Tòa án đã bổ nhiệm được gần 3.000 Hòa giải viên; bố trí phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị.
Hòa giải, đối thoại tại Bình Dương
Năm 2021, các Tòa án nhận được 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại; trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 28.004 vụ việc; đã hòa giải, đối thoại thành 13.279 vụ việc. Việc thi hành Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án đã phát huy được tính ưu việt của chế định mới về hòa giải, đối thoại. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận của các bên bằng quyền lực của Nhà nước đã góp phần giảm tải công việc và áp lực đối với Tòa án, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
7. Đưa vào sử dụng “Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND”, “Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND” và phần mềm “Trợ lý ảo”
Thực hiện cải cách tư pháp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án, TANDTC đang từng bước triển khai xây dựng Tòa án điện tử. TANDTC đã khánh thành, đưa vào sử dụng sử dụng “Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND”, “Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND” và ra mắt phần mềm “Trợ lý ảo”.
“Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND” là nơi cung cấp các thông tin, đầy đủ, kịp thời, chính xác nhất cho các Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và các mặt công tác khác của Tòa án.
“Trung tâm Giám sát - Điều hành TAND” là hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho lãnh đạo TANDTC theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động xét xử của các Tòa án trên cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thực hiện nghi thức khai trương các Trung tâm
“Trợ lý ảo” là hệ thống hỗ trợ cho Thẩm phán, là tổ hợp nhiều phần mềm ứng dụng liên kết với hệ thống tố tụng điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đóng vai trò như một thư ký riêng trợ giúp các Thẩm phán theo dõi, quản lý công việc.
Việc đưa vào sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”; “Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND”, “Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND” giúp các Tòa án hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TANDTC sẽ kịp thời, toàn diện, là nền tảng quan trọng trong lộ trình xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025.
8. Hoàn thành xây dựng mới 35 trụ sở TAND cấp huyện; trang bị phương tiện ô tô cho các Tòa án
Năm 2021, TANDTC đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Đề án trang bị tài sản, phương tiện làm việc cho các Tòa án giai đoạn 2019-2023; đã hoàn thành Dự án xây dựng 35 trụ sở TAND cấp huyện chưa có trụ sở làm việc và tiến hành bàn giao, đưa vào sử dụng. Việc đầu tư xây dựng mới trụ sở TANDTC, các TAND cấp tỉnh, cấp huyện và hiện đại hóa cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho các Tòa án đã tạo cho TAND, Tòa án quân sự các cấp một diện mạo bề thế, trang nghiêm, xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Trụ sở làm việc mới của TAND tỉnh Long An
Ngoài ra, trong năm 2021, TANDTC cũng từng bước trang bị và bàn giao xe ô tô chuyên dụng cho các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện để phục vụ công tác xét xử lưu động, hòa giải, thẩm định chứng cứ, phối hợp với các cơ quan trong hoạt động tố tụng; giúp cho các Thẩm phán, Thư ký đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
9. Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TANDTC vẫn tích cực, chủ động tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao trong khuôn khổ các hiệp hội, diễn đàn trong lĩnh vực tư pháp quốc tế trên bình diện đa phương và song phương. TANDTC đã đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 bằng hình thức trực tuyến được lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án tối cao các nước ASEAN đánh giá là thành công tốt đẹp.
TANDTC cũng chủ động tham gia các thiết chế tư pháp đa phương, song phương như: Hội đồng Chánh án Châu Á Thái Bình Dương, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến tại In-đô-nê-xi-a; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế (KOICA, JICA, UNDP…) theo đúng tiến độ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình hội đàm trực tuyến với Chánh án TANDTC Trung Quốc
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của hệ thống TAND với Tòa án các nước trên thế giới, với các thiết chế khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, nâng cao vị thế của Việt Nam và hệ thống TAND trên trường quốc tế.
10. Tòa án các cấp tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xét xử kịp thời các vụ án vụ án vi phạm về phòng, chống COVID-19
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tòa án các cấp tích cực cùng cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và giải quyết, xét xử kịp thời các vụ án hình sự liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các Tòa án đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo và đã đưa ra xét xử kịp thời 136 vụ với 177 bị cáo về các tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19.
TAND các cấp cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động nhằm ủng hộ, chia sẻ với các lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân vùng tâm dịch. TANDTC ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ số tiền 550 triệu đồng; hỗ trợ mỗi sinh viên Học viện Tòa án số tiền 1 triệu đồng trong thời gian chống dịch; tặng các nhu yếu phẩm với tổng giá trị 473 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động TAND đang công tác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid- 19.
Tòa án nhân dân tối cao ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19
Nhiều TAND địa phương các đơn vị của TANDTC đã vận động tiền, hàng hóa và phối hợp với Quân khu 7 tổ chức các phiên chợ 0 đồng, tặng hàng nghìn phần quà, hàng trăm máy tạo ôxy cho bệnh viên dã chiến, hàng nghìn bộ đồ bảo hộ cho các bệnh viện tuyến đầu phòng chống Covid-19 với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định tặng Bằng khen đối với 24 tập thể, trong đó Báo Công lý là đơn vị duy nhất ngoài lực lượng Quân đội được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.
Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của TAND trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyên môn đã góp phần cùng cả nước chiến đấu và đẩy lùi bệnh Covid -19.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận