A được hưởng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là phụ nữ có thai

Sau khi nghiên cứu bài viết “Có thai khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú, có được hưởng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là phụ nữ có thai” của tác giả Đỗ Thành Thắng, quan điểm cá nhân tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai của bài viết.

Trên cơ sở dữ liệu mà tác giả cung cấp, thì có thể khẳng định trước khi thực hiện hành vi phạm tội đua xe trái phép thì bị cáo A và B chưa có thai, sau khi bị khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú tại giai đoạn truy tố thì cả A và B lại mang thai và tại thời điểm mở phiên tòa thì B đã bị sảy thai. Theo quy định tại Điều 123 BLTTHS thì cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan theo quy định thì bị tạm giam.

Với quy định bị can, bị cáo khi bị cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì chỉ bị hạn chế quyền đi lại, bảo đảm kịp thời có mặt khi có yêu cầu, thuận lợi cho quá trình điều tra vụ án hình sự, điều luật trên không quy định về việc khi bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thì không được mang thai; bên cạnh đó, việc A và B mang thai và sinh con là quyền nhân thân của một công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nghĩa là A và B đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì không đồng nghĩa với việc A và B không được phép mang thai và sinh con.

Người viết đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả là chấp nhận một phần đề nghị của luật sư, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là phụ nữ có thai đối với A, không áp dụng đối với B. Bởi một số ý do sau đây: Một trong những nguyên tắc của BLHS là hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Xuất từ nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước, BLHS quy định tác tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có nguyên tắc quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 51 là người phạm tội là phụ nữ có thai. Theo hướng dẫn tại tại tiết 9, mục I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử của TANDTC quy định đối với tình tiết “người phạm tội là phụ nữ có thai” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 51 BLHS thì không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là sau khi bị khởi tố B đã mang thai, nhưng đến ngày xét xử thì B đã xảy thai thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên hay không. Theo quan điểm của người viết, để được hưởng tình tiết này thì điều kiện cần và đủ là người phạm tội phải là phụ nữ có thai, vì vậy trước khi tuyên án, nếu bị can, bị cáo đã mang thai và đến ngày xét xử thì sẽ được hưởng tình tiết này khi tuyên án và ngược lại, vào thời điểm áp dụng bị can, bị cáo đã sảy thai thì mặc nhiên không thể xem là phụ nữ có thai để áp dụng tình tiết này.

Trên đây là quan điểm người viết, rất mong được sự trao đổi của quý độc giả.

 

TANDCC tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm xét xử bị cáo Phan Thị Đào về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” – Ảnh minh họa của Tiengchuong.vn

 

ĐẶNG DUY THANH (VKSND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)