A phạm ba tội
Nghiên cứu bài "Làm giả chứng minh thư người nổi tiếng cho gái bán dâm để lừa người mua dâm, tội gì?" của tác giả Đinh Thu Nhanh, đăng ngày 15/7/2020, chúng tôi cho rằng A phạm ba tội.
Theo hướng dẫn giải đáp tại câu 10, Phần Hình sự của Công văn Số: 212/TANDTC-PC của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, đã giải đáp câu hỏi: Người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức? Theo đó, hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).”
Trong vụ án mà tác giả Đinh Thu Nhanh đưa ra, ngoài phạm tội môi giới mại dâm A còn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Cụ thể:
A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bởi theo quy định tại Điều 174 BLHS thì “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”
A đã lừa dối những người mua dâm về việc các gái bán dâm là những người mẫu có tên tuổi trong làng giải trí bằng việc đưa chứng minh nhân dân giả cho khách mua dâm xem, từ đó ra giá cao cho mỗi lần đi khách, trong khi thực tế chỉ là những cô gái bình thường. Vì tin tưởng đó là người mẫu nổi tiếng nên người mua dâm đã đồng ý mua dâm giá hàng nghìn đô la. Nếu biết không phải là người mẫu nổi tiếng thì người mua dâm chắc chắn không chi số tiền lớn như vậy.
Bằng thủ đoạn gian dối, A đã chiếm đoạt số tiền lớn của người mua dâm nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
A phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 BLHS: “Người nào…sử dụng …giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm…”.
Hành vi khách quan của tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức là hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
A đã sử dụng các chứng minh nhân dân giả của các cô gái bán dâm và sử dụng các chứng minh nhân dân giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật (phục vụ hành vi môi giới mại dâm). Hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 BLHS.
Vì vậy theo quan điểm của tác giả, ngoài phạm tội môi giới mại dâm A còn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp của độc giả và đồng nghiệp.
TAND huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk xét xử sơ thẩm vụ án “Môi giới mại dâm” – Ảnh: Nguyễn Thu
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
1 Bình luận
Minh Trần
10:13 24/12.2024Trả lời