A phạm tội Mua bán người và tội Cố ý gây thương tích

Sau khi nghiên cứu bài viết “Một số quan điềm khác nhau khi áp dụng Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 và Điều 151 BLHS 2015?” của tác giả Nguyễn Vũ Hoàng đăng ngày 20/7/2022, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Thứ nhất, về hành vi mua bán người của A.

Theo quy định tại Điều 150 BLHS thì mặt khách quan của tội Mua bán người thể hiện ở hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội Mua bán người và Điều 151 về tội Mua bán người dưới 16 tuổi quy định: “Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 150 của BLHS là các thủ đoạn như: bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân (ví dụ: Lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng) để thực hiện một trong các hành vi hướng dẫn tại khoản 1 Điều này”.

Trong tình huống được nêu, A nảy sinh ý định mua một người phụ nữ về làm vợ; qua lời giới thiệu của B, A đã đồng ý mua chị C (20 tuổi) với giá 200 triệu đồng. Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì trong trường hợp này, A đã sử dụng thủ đoạn khác là lợi dụng việc môi giới hôn nhân (qua lời giới thiệu của B) để thực hiện hành vi tiếp nhận người và giao tiền (A đã mua C về làm vợ với giá 200 triệu đồng). Hành vi của A đã hoàn thành nên hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội Mua bán người.

Thứ hai, về hành vi A gây thương tích cho C.

Trước hết, cần khẳng định hành vi A gây thương tích cho C không thuộc trường hợp phạm tội Mua bán người với tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS bởi: Điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS quy định tình tiết Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nếu không thuộc trường hợp đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp người phạm tội trong quá trình thực hiện tội phạm mua bán người đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Hành vi này được thực hiện bằng nhiều phương pháp và thủ đoạn khác nhau như: đánh đập, dọa giết nếu không nghe lời hay chống đối…

Từ các quy định trên, cần phải hiểu rằng trong trường hợp người phạm tội gây ra thương tích cho nạn nhân thì chỉ xác định hành vi gây thương tích là tình tiết định khung tăng nặng trong tội Mua bán người trong trường hợp người phạm tội dùng vũ lực để thực hiện hành vi mua bán người. Trường hợp người phạm tội dùng hành vi lừa gạt hay thủ đoạn khác để thực hiện hành vi mua bán người thì mặc dù người phạm tội có gây ra thương tích cho nạn nhân cũng không xác định đây là tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS mà hành vi gây thương tích này sẽ cấu thành tội Cố ý gây thương tích (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm).

Như đã phân tích ở trên, hành vi phạm tội Mua bán người của A là hành vi dùng thủ đoạn khác (lợi dụng việc môi giới hôn nhân) để thực hiện hành vi mua bán người chứ không phải là hành vi dùng vũ lực nên mặc dù A gây thương tích cho C nhưng trong trường hợp này cần xác định A phạm tội Mua bán người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 150 BLHS chứ không phải là điểm c khoản 2 Điều 150 BLHS.

Trong vụ án này, A đã có hành vi đánh đập C, gây ra thương tích cho C. Đây là hành vi cố ý tác động trái pháp luật đến thân thể của C, gây thiệt hại cho sức khỏe của C với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 40% được quy định trong mặt khách quan của tội Cố ý gây thương tích. Sau khi hành vi mua bán người đã hoàn thành, trong quá trình sinh sống, A mới có hành vi cố ý gây thương tích cho C nên hành vi này của A độc lập với hành vi Mua bán người. Hành vi này của A đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích quy định tại điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS nên trong trường hợp này, cần xác định A phạm hai tội Mua bán người và tội Cố ý gây thương tích.

 

 

TAND Tp Hà Nội  xét xử vụ án Mua bán người dưới 16 tuổi- Ảnh: Việt Dũng

 

 

HOÀNG PHƯƠNG NHUNG (Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội)