A và B phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Sau khi nghiên cứu bài viết “Bàn luận về định tội danh đối với tội phạm ma túy” của tác giả Thanh Thịnh, đăng ngày 12/10/ 2021, tôi đồng tình với quan điểm thứ 3.
Qua nội dung vụ án và các quan điểm xung quanh việc xác định tội danh đối với A và B, trong đó có quan điểm của tác giả, tôi đồng tình với nhận định: Hành vi của A và B đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 BLHS với ngoài các lập luận và phân tích mà tác giả đã đưa ra, tôi chỉ xin phân tích bổ sung thêm các căn cứ và phản biện lại các quan điểm khác để khẳng định cho quan điểm lập luận của mình.
Thứ nhất, theo Hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 6.1, mục 6, phần II Thông tư liên tịch số: 17/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Liên ngành Tư pháp Trung ương hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 thì hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” được hiểu là những hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng trái phép chất ma túy như bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng”.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt …".
Như vậy, theo quy định thì bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường họp đó là người nghiện ma túy hay không nghiên ma túy.
Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo hướng dẫn của TANDTC tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 về Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử thì “...hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của BLHS”. Do vậy, người nghiện ma túy có hành vi cung cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Trở lại vụ án cho chúng ta thấy: Nguyễn Văn A là con nghiện, việc A rủ các con nghiện B, C, D về nhà của mình chơi. Sau đó, A đưa cho B 2 triệu đồng để đi mua ma túy về cho A, B, C, D cùng sử dụng tại nhà của A. Như vậy, ở đây A là người bố trí, sắp xếp, sử dụng địa điểm nhà của mình, (có vai trò là người tổ chức), còn B là người giúp sức, được thể hiện trong việc đi mua ma túy về cho A cùng B và C, D sử dụng. Do vậy, B là đồng phạm với A trong vai trò giúp sức trong thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của A.
Thứ hai, đối với các quan điểm còn lại:
Một là, đối với quan điểm thứ nhất, cho rằng: A và B phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Quan điểm này là không có cơ sở và không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì theo điểm 3, tiểu mục 3.1, mục 3 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này. Trong vụ án A đưa cho B tiền để mua ma túy về cùng A và C, D sử dụng và thực tế A, B, C, D đã sử dụng hết số ma túy này. A đưa tiền cho B mua ma túy cũng không nhằm mục đích tàng trữ, mua bán... nên không có cơ sở cho rằng A và B đã phạm vào tội: “Tràng trữ trái phép chất ma túy”.
Hai là, đối với quan điểm thứ hai cho rằng: A và B không phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. A và B cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch 17/2007. Do đó, A và B chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Theo tôi quan điểm này là không phù hợp và cũng không có cơ sở pháp luật. Bởi lẽ: Như trên đã phân tích việc A sử dụng nhà của mình, rủ các đối tượng B, C, D về nhà và A đưa tiền cho B đi mua ma túy về để các đối tượng sử dụng. Ở đây, A là người tổ chức, người thực hành tích cực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như địa điểm và cung cấp ma túy cho các đối tượng, còn B là người giúp sức có vai trò tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, B là đồng phạm với vai trò giúp sức cho A trong việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong vụ án này C, D là người sử dụng trái phep chất ma túy. Do, A, B là người thực hành, tổ chức thực hiện. Vì vậy, C, D phải bị kiến nghị xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Từ những phân tích trên, quan điểm của tôi cho rằng A và B phải bị truy tố và xét xử về tôi: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Bàn luận về định tội danh đối với tội phạm ma túy”; xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.
Xét xử vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy - Ảnh: B. Hòa Bình
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận