A và B phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Sau khi nghiên cứu bài viết “Bàn luận về định tội danh đối với tội phạm ma túy” của tác giả Thanh Thịnh, tôi nhận thấy hành vi của A và B phải phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 BLHS.
Trước hết, cần phải khẳng định Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 đã hết hiệu lực thi hành vì đây là những văn bản được ban hành để hướng dẫn cho BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và bộ luật này đã bị thay thế bằng BLHS năm 2015. Do vậy, khi chưa có văn bản mới thay thế, hướng dẫn thì có thể vận dụng tinh thần của những thông tư nêu trên để áp dụng cho phù hợp đối với từng trường hợp, từng tình huống cụ thể nhưng không được viện dẫn điều khoản của những văn bản đó. Điều này có nghĩa là đối với những trường hợp xảy ra sau khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, nếu không có văn bản nào hướng dẫn thì mới vận dụng tinh thần của những văn bản đã hết hiệu lực trước đó để áp dụng, còn nếu đã có văn bản hướng dẫn thì phải áp dụng văn bản đó mà không được vận dụng tinh thần của những văn bản đã hết hiệu lực.
Chúng ta thấy điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”. Căn cứ theo quy định này thì trường hợp người nghiện ma túy cung cấp ma túy cho người nghiện ma túy khác sử dụng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, tại mục 7 phần I Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC lại có hướng dẫn như sau:
“7. A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 03 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?
Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của TANDTC về giải đáp nghiệp vụ thì: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của BLHS”.
Căn cứ theo hướng dẫn này của TANDTC thì trường hợp người nghiện ma túy cung cấp ma túy cho người nghiện ma túy khác sử dụng thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, giữa Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 và Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 đã có sự mâu thuẫn khi cùng một vấn đề nhưng lại có 02 cách giải quyết khác nhau. Nhận thấy, tại thời điểm ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 thì Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 đã hết hiệu lực thi hành nên căn cứ theo phân tích nêu trên thì cần vận dụng Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 để giải quyết trong trường hợp người nghiện ma túy cung cấp ma túy cho người nghiện ma túy khác sử dụng.
Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy A là người đưa tiền cho B đi mua ma túy rồi dùng số ma túy này để A, B, C và D cùng sử dụng với nhau tại nhà của A. Cả A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Như vậy, A và B đã có hành vi cung cấp ma túy, địa điểm để cho C và D cùng sử dụng trái phép chất ma túy nên căn cứ theo hướng dẫn của Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 nêu trên, hành vi của A và B phải phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 BLHS.
Đối với những quan điểm mà tác giả đưa ra, tôi có ý kiến như sau:
- Trong quan điểm thứ nhất, có ý kiến cho rằng hành vi của A và B không phải là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy vì các đối tượng đã mua ma túy về sử dụng hết ngay tại chỗ, không có ý định tàng trữ, cũng như không có hành vi tàng trữ trên thực tế. Đây là ý kiến không chính xác.
Chúng ta thấy khi mua về để sử dụng, các đối tượng phải có thời gian vận chuyển chất ma túy từ địa điểm mua về địa điểm sử dụng, sau đó phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện khác để có thể sử dụng trái phép được chất ma túy như công cụ, phương tiện để sử dụng, chia nhỏ chất ma túy để cùng sử dụng… Trong những khoảng thời gian này, các đối tượng đã thực hiện hành vi cất giữ bất hợp pháp chất ma túy để sử dụng và đây là một dạng biểu hiện của hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, ngoài hành vi tàng trữ này, A và B còn có hành vi cung cấp chất ma túy nên xét một cách tổng thể thì hành vi của A và B phải là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chứ không chỉ là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy đơn thuần.
- Trong quan điểm thứ ba, tác giả cho rằng hướng dẫn tại điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch số số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 chỉ áp dụng trong trường hợp số ma túy được sử dụng có sẵn tại nhà của A (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có), tức là nếu A có một lượng ma túy có sẵn trong nhà của mình, sau đó rủ B, C, D đến nhà chơi và cùng nhau sử dụng thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Còn trong tình huống đưa ra, do tại nhà của A không có chất ma túy từ trước mà A phải đưa tiền cho B đi mua chất ma túy về để A, B, C, D cùng sử dụng tại nhà của mình nên không thuộc trường hợp nêu trên và A, B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo tôi, đây là ý kiến không chính xác và không phù hợp với tinh thần của thông tư nêu trên. Cụ thể:
Điểm a mục 6.2 Thông tư liên tịch số số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”.
Từ “có” ở đây không chỉ hiểu là người nghiện ma túy có sẵn chất ma túy, mà phải hiểu là người nghiện ma túy có khả năng chuẩn bị được chất ma túy (không kể nguồn gốc chất ma túy này do đâu mà có như mua được, xin được, chiếm đoạt được…) và cung cấp chất ma túy đó cho người nghiện ma túy khác để cùng sử dụng trái phép. Theo tinh thần của Thông tư nêu trên thì trường hợp người nghiện ma túy cung cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác để cùng sử dụng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Sở dĩ như vậy là vì tại thời điểm thông tư được ban hành, BLHS vẫn còn quy định việc xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và việc người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng chỉ là nhằm thỏa mãn nhu cầu nghiện ma túy của bản thân. Như đã phân tích ở trên, nội dung này không còn phù hợp với BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có liên quan nên không có giá trị để áp dụng.
Vì vậy, cho dù có là người nghiện ma túy hay không là người nghiện ma túy thì hành vi có sẵn chất ma túy hoặc chuẩn bị chất ma túy để cung cấp cho người khác sử dụng là một trong những biểu hiện của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 BLHS.
- Trong quan điểm thứ 2, có ý kiến cho rằng A và B không phạm tội mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Rõ ràng, ý kiến này là không chính xác và như đã phân tích ở trên, hành vi của A và B phải phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 BLHS.
Tóm lại, trong tình huống đưa ra, hành vi của A và B phải phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 BLHS và việc định tội danh như trên là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và hướng dẫn hiện hành.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử vụ án tổ chức sử dụng, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy- Ảnh: Hòa Bình
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận