A và T là bị hại trong vụ án

Sau khi nghiên cứu bài viết “Ai là bị hại trong vụ án?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng ngày 2/11, tôi cho rằng A và T là bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”.

Thứ nhất, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc xác định tư cách người tham gia tố tụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của pháp luật; việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng sẽ dẫn đến việc giải quyết vụ án hình sự không được toàn diện, triệt để.

Điều 62 BLTTHS quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Như vậy, trường hợp người bị hại trong vụ án hình sự là một con người cụ thể, họ là đối tượng của tội phạm, đối tượng bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Người bị thiệt hại về thể chất có thể là bị thiệt hại về sức khỏe (do bị gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, bị người phạm tội vi phạm quy tắc về nghề nghiệp gây ra…), có thể bị thiệt hại về tính mạng (bị giết, bị gây tai nạn…), có bị thiệt hại về tinh thần như bị lăng nhục, bị xúc phạm nghiêm trọng đến danh sự, nhân phẩm…, còn người bị thiệt hại về tài sản như tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc làm hỏng… Do đó, để xác định là người bị hại thì thiệt hại mà tội phạm đã gây ra phải là thiệt hại trực tiếp -  hậu quả của tội phạm (một dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm). Điều đó thể hiện: thể chất, tinh thần hoặc tài sản phải là đối tượng của sự xâm hại. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả trường hợp. Khi đó có thiệt hại xảy ra (hoặc có thể xảy ra) và thiệt hại đó phải là hậu quả của hành vi phạm tội thì mới được coi là thiệt hại trực tiếp. Còn thiệt hại xảy ra (hoặc có thể xảy ra) không có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội thì thiệt hại đó thường được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc nguyên đơn dân sự.

Trở lại nội dung của vụ án, liên quan đến hành vi của L phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. L đã có hành vi uy hiếp tinh thần của anh A đó là: “chỉ tay vào người H và đe dọa trong vòng 10 phút A (bố của H) và T (bố của Q) phải nộp số tiền 20 triệu đồng, nếu không sẽ chặt tay H” và đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với A và T đó là “xong xử lý A và T”. Sau đó: “Anh A và anh T xin giảm số tiền nhưng L không cho, sau đó anh A gọi điện cho người thân mượn giúp tiền. Vì chờ lâu chưa có tiền nên L và một số đối tượng dùng gậy ba khúc đánh vào người anh A và anh T nhiều lần”. Như vậy, với mục đích chiếm đoạt 20 triệu đồng, L đã đe dọa dùng vũ lực đối với anh A và T; uy hiếp tinh thần đối với anh A (bố của H) và có thể cả anh T để chiếm đoạt tài sản là 20 triệu đồng (vì anh T cũng có con của mình đứng trong phòng đó và câu nói đó khiến anh T có tâm lý lo sợ). Việc L đã chiếm đoạt được 20 triệu đồng từ người nhà anh A mang 20 triệu đồng đến và anh T đã giao cho L không ảnh hưởng đến việc cấu thành tội phạm đối với L. Do tội “Cưỡng đoạt tài sản” yếu tố chiếm đoạt chỉ được quy định là mục đích xác định tội phạm nên việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm được tài sản hay chưa.

Cho nên, tôi cho rằng bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” là anh A và anh T.

Thứ hai, ở quan điểm thứ nhất“Chỉ xác định anh A là bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”. Bởi lẽ, số tiền 20.000.000đ bị L chiếm đoạt được xác định do anh A nhờ đồng nghiệp trong đơn vị mượn giúp. Anh A mới là người trực tiếp bị thiệt hại về tài sản. Anh T chỉ là người giao giúp tiền cho L. Đối với anh T, mặc dù L có lời nói đe dọa, uy hiếp tinh thần của cả A và T, nhưng anh T chỉ là người giao tiền cho L, tài sản bị chiếm đoạt là của anh A, anh T không phải là người bị thiệt hại về tài sản, nên không phải là bị hại đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của L.”

Tôi cho rằng quan điểm này không hợp lý, bởi bị hại xác định là con người trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội pham gây ra hoặc đe dọa gây ra, do đó hậu quả của sự thiệt hại (đã xảy ra) không phải là điều kiện bắt buộc. Mà yếu tố bắt buộc đó là người bị hại thì thiệt hại mà tội phạm đã gây ra phải là thiệt hại trực tiếp -  hậu quả của tội phạm (một dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm), có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và phù hợp với mục đích của người phạm tội. Mà tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 BLHS thời điểm tội phạm hoàn thành chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm được tài sản hay chưa. Vì vậy, việc xác định “tài sản bị chiếm đoạt là của anh A, anh T không phải là người bị thiệt hại về tài sản” là không chính xác. Việc xác định hậu quả thiệt hại đã xảy ra hay chưa để xác định có là bị hại trong vụ án không là không phù hợp với quy định của Điều 62 BLTTHS năm 2015.

Còn ở quan điểm thứ hai cho rằng H là bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” là không hợp lý, bởi L đe dọa chặt tay H chỉ là thủ đoạn của L để uy hiếp tinh thần đối với A và có thể cả anh T để chiếm đoạt tài sản là 20 triệu đồng. Do đó, hành vi dọa chặt tay H chỉ là thủ đoạn để L có thể uy hiếp, khống chế tinh thần của A và T nhằm chiếm đoạt tài sản; còn H sẽ là người làm chứng trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng A và T là bị hại vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”. Rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xét xử vụ án hình sự -Ảnh: Bơ Nướch Rè

 

 

 

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)