Ai là bị hại trong vụ án?

Phạm Tuấn H (14 tuổi) cùng bạn là Q, N, P đi mót mủ cao su, bị Siu L nghi thường xuyên ăn trộm mủ nên bắt giữ. Anh A là bố của H và anh T bố của Q đến giải quyết. L đánh anh A và anh T đòi phải bồi thường 20.000.000đ.  Xác định ai là bị hại trong vụ án này?

Phạm Tuấn H (14 tuổi) cùng bạn là Q, N, P đi mót mủ cao su. Khi đi qua vườn cao su của Siu L, H tự ý vào bên trong vườn để xem bát mủ cao su thì bị Siu L phát hiện và bắt giữ H, đưa về nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn để giải quyết. Tại đây, L tát H mấy cái vào mặt để H nói ra số điện thoại của bố mẹ. H đọc số điện thoại để L gọi cho bố là Phạm Thế A đến. Sau khi anh A đến nhà sinh hoạt cộng đồng, L yêu cầu A gọi điện thoại cho phụ huynh của Q, N, P đến để giải quyết. A chỉ gọi được cho Vũ Huy T (bố của Q) đến. Sau đó, vì người dân rất đông nên L cùng H, A, T và Ksor V (công an viên xã), Ksor Y (thôn phó) và một số đối tượng vào bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng và khóa cửa lại (khóa trong).

Tại bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng, L cho rằng H và Q, N, P là những người thường xuyên trộm mủ cao su của gia đình L nên nói: “Trong vòng 10 phút tụi mày phải nộp số tiền 20.000.000đ, nếu không tao sẽ chặt tay thằng nhỏ này (nói và chỉ tay vào người H), xong sẽ xử lý tụi mày”. Anh A và anh T xin giảm số tiền nhưng L không cho, sau đó anh A gọi điện cho người thân mượn giúp tiền. Vì chờ lâu chưa có tiền nên L và một số đối tượng dùng gậy ba khúc đánh vào người anh A và anh T nhiều lần. Trong đó, có đối tượng Rơ Châm Th cầm bình hoa bằng sứ đánh vào đầu ạnh A làm anh A ngất xỉu, được người thân đưa đi cấp cứu. Sau đó, người nhà anh A mang tiền đến đưa cho T (vì A đã đi cấp cứu) và T giao lại cho L, có nhờ thôn trưởng lập biên bản. Sau đó, mọi người ra về.

Trong vụ án này, theo chúng tôi hành vi của L đã thỏa mãn cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đối tượng Rơ Châm Th thỏa mãn cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” (kết quả giám định A bị thương tích 5%, A có đơn đề nghị xử lý hình sự đối với Th). Tuy nhiên, việc xác định bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” hiện có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất (cũng là quan điểm của tác giả): Chỉ xác định anh A là bị hại trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”. Bởi lẽ, số tiền 20.000.000đ bị L chiếm đoạt được xác định do anh A nhờ đồng nghiệp trong đơn vị mượn giúp (A và đồng nghiệp xác nhận nội dung này là chính xác). Anh A mới là người trực tiếp bị thiệt hại về tài sản. Anh T chỉ là người giao giúp tiền cho L. Đối với H là người dưới 16 tuổi, L đe dọa chặt tay H, là thủ đoạn của Siu L, mục đích uy hiếp tinh thần để anh A giao nộp tiền, H không có tài sản, không phải là người bị thiệt hại về tài sản, nên không phải là bị hại đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của L. Đối với anh T, mặc dù L có lời nói đe dọa, uy hiếp tinh thần của cả A và T, nhưng anh T chỉ là người giao tiền cho L, tài sản bị chiếm đoạt là của anh A, anh T không phải là người bị thiệt hại về tài sản, nên không phải là bị hại đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của L. Đối với H và T, nếu có đủ căn cứ đã bị L xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi tương ứng. Nên L chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 170 BLHS là phù hợp.

Quan điểm thứ hai: Trong vụ án này Siu L đã có hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Quá trình thực hiện hành vi, L đã nhiều lần đánh đập, đe dọa, uy hiếp tinh thần nghiêm trọng đến cả anh A, H và anh T, đã chiếm đoạt tài sản của anh T với số tiền 20.000.000đ. Hành vi của L cùng lúc đã xâm phạm đến hai khách thể quan trọng được pháp luật hình sự bảo vệ, là quyền sở hữu tài sản và quyền nhân thân. Vì thế, cần phải xác định cả anh A, anh T và H đều là bị hại trong vụ án mới đúng. H là người dưới 16 tuổi. Từ đó, L phải bị truy cứu TNHS theo điểm c khoản 2 Điều 170 BLHS mới thỏa đáng.

Trên đây vụ án có nhận thức chưa thống nhất từ thực tiễn, rất mong nhận được sự trao đổi cùng đồng nghiệp và quý bạn đọc./.

 

Rẫy cao su - Ảnh: Thái Vũ

 

NGUYỄN XUÂN KỲ (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)