An Dương, Hải Phòng: Vì sao người dân không được cấp tái định cư?

Dù phần diện tích đất sau khi bị thu hồi không đủ điều kiện để ở nhưng gia đình bà Phạm Thị Thu Trang (An Dương, Hải Phòng) vẫn không được bố trí tái định cư theo quy định?

Bị thu hồi đất, không được cấp tái định cư

Được biết, hộ gia đình bà Phạm Thị Thu Trang (37 tuổi, ở thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng), là một trong hàng chục hộ dân khác phải di dời do bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5 tại xã  An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.

Bà Phạm Thị Thu Trang là người sở hữu hợp pháp của thửa đất số 07.

Theo Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), bà Trang là chủ nhân hợp pháp của thửa đất số 07 & 08 được UBND huyện An Dương cấp ngày 08/01/2009 với diện tích lần lượt là 64,0m2 và 66,3m2. Tuy nhiên, ở thửa đất số 08 đã được bà Trang tặng cho em trai là ông Phạm Việt Hoàng – CCCD số: 031098015033, địa chỉ tại số 120A Trần Nguyên Hãn, P. Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, Tp. Hải Phòng theo hồ sơ số 009808.TA.006 do Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương cấp ngày 30/12/2022.

Theo đơn thư của bà Trang trình bày thì sau khi bị thu hồi đất, phần diện tích còn lại trên thực tế của gia đình bà ở thửa đất số 08 là 35,3m2 và thửa đất số 07 là 10,5m2 (hai thửa đất này là hai chủ sở hữu khác nhau). Chiếu theo quy định của Chính phủ thì gia đình bà thuộc diện được cấp tái định cư vì phần đất còn lại của thửa số 07 không đủ điều kiện để ở.

Ông Lê Văn Cường - PCT UBND huyện An Dương làm việc với PV Tạp chí Toà án.

Trả lời PV Tạp chí Tòa án nhân dân trong buổi làm việc chiều ngày 26/3/2024, ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương (TP. Hải Phòng) khẳng định rằng, gia đình bà Trang không đủ điều kiện để được bố trí tái định cư và UBND huyện đã làm theo đúng quy định của Pháp luật.

Còn trong Báo cáo của UBND huyện An Dương vào ngày 5/1/2024 nêu lý do bà Trang không đủ điều kiện cấp tái định cư do bà Trang không ăn ở, sinh hoạt tại thửa đất bị thu hồi và phần đất sau khi thu hồi vẫn đủ điều kiện để ở.

Trong khi đó, Theo Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định trường hợp được hỗ trợ bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận được bồi thường bằng nhà ở tái định cư khi: Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở; Hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi.

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng 01 thửa đất ở thu hồi thì xem xét hỗ trợ nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.

- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn thì được bố trí tái định cư.

Với quy định trên có thể thấy rằng hộ gia đình bà Trang đủ điều kiện để được bố trí tái định cư. Thiết nghĩ UBND huyện An Dương cần xem xét và cấp tái định cư cho gia đình bà Trang để đảm bảo đúng quy định của pháp luật cũng như quyền lợi hợp pháp của người dân.

Thửa đất số 08 đã được bà Trang chuyển cho ông Phạm Việt Hoàng từ ngày 30/12/2022.

Vì sao Điện Máy Xanh là đối tượng được nhận đền bù trên đất?

Ngoài việc bị mất quyền lợi tái định cư thì một vấn đề khiến gia đình bà Trang bức xúc đó là việc bị thiệt thòi trong quá trình đền bù. Theo bà Trang, ngoài việc là chủ nhân hợp pháp của thửa đất số 08 & 07, gia đình bà còn có giấy phép xây dựng, là chủ tài sản trên đất.

Thế nhưng, khi tính đền bù thì trong thông báo của UBND huyện An Dương gửi bà Trang cho thấy nhà , nhà bà Trang chỉ được nhận phần đền bù phần diện tích đất bị thu hồi, còn phần tài sản trên đất được bồi thường cho Điện Máy Xanh (đây là đơn vị thuê mặt bằng nhà bà Trang nhưng đã chấm dứt hợp đồng từ 30/6/2023). Số tiền được đền bù của nhà bà Trang về đất là 2.817.230.000đ (cho 84,5m2 bị thu hồi của cả 2 thửa), còn tài sản trên đất là 819.477.000đ nhưng đối tượng nhận là Điện Máy Xanh.

Khu đất của nhà bà Trang được Điện Máy Xanh thuê và đã chấm dứt hợp đồng từ ngày 30/6/2023.

Gia đình bà Trang không đồng ý với quyết định này vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng mà gia đình được hưởng. Nguyên nhân được bà Trang chỉ ra là Điện Máy Xanh đã kết thúc hợp đồng với gia đình bà từ ngày 30/6/2023 thì Điện Máy Xanh không thể là chủ thể được nhận phần đền bù cho tài sản trên đất. Không chỉ vậy, bà Trang còn có giấy phép xây dựng đối với phần tài sản trên đất ở đây.

Bà Trang cho biết: “Nếu có thỏa thuận về đền bù tài sản trên đất thì đó là thỏa thuận giữa tôi và Điện Máy Xanh. Còn việc UBND huyện An Dương đền bù cho Điện Máy Xanh là không đúng và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình cũng như có sai phạm về pháp luật”.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Cường – Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Chúng tôi làm đúng quy trình và đúng quy định. Bên Điện Máy Xanh cũng cung cấp hồ sơ cho chúng tôi để xác định chủ thể đền bù. Nên việc chúng tôi chia tách đền bù đất và tài sản trên đất cho hai chủ thể khác nhau là đúng quy định của pháp luật”.

Khi PV yêu cầu ông Cường cung cấp hồ sơ mà Điện Máy Xanh gửi cho UBND huyện thì ông Cường bảo sẽ gửi cho PV sau. Tuy nhiên, đến khi bài báo này xuất bản thì PV vẫn chưa nhận được hồ sơ theo như lời hứa của ông Cường.

Phía gia đình bà Trang cũng cung cấp cho PV đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Trang và đại diện Điện Máy Xanh. Trong cuộc nói chuyện này, đại diện Điện Máy Xanh khẳng định Điện Máy Xanh chỉ cung cấp hồ sơ về việc đầu tư vào mặt bằng của nhà bà Trang và các hộ có liên quan khi đơn vị này thuê mặt bằng ở đây để kinh doanh. Đại diện Điện Máy Xanh cho biết không cử bất cứ nhân sự nào lên làm việc với UBND huyện An Dương. Đồng thời, đại diện Điện Máy Xanh khẳng định không quan tâm đến vấn đề đền bù vì đó là việc giữa gia đình nhà bà Trang và UBND huyện An Dương.

Vấn đề nhà bà Trang bị phá sập ngày 10/8 vẫn chưa được giải quyết

Một vấn đề cũng khiến gia đình bà Trang bức xúc, gửi đơn tố cáo khắp nơi đó là việc căn nhà hợp pháp của bà tại thửa đất số 08 & 07 bị phá dỡ vào sáng ngày 10/8 cùng với đó là một số tài sản của bà Trang bị mất, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Nhà bà Trang bị phá nhầm trong sáng ngày 10/8/2023 khi mà gia đình chưa nhận được bất cứ thông báo nào.

Về nội dung này, vị Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định không có chuyện phá nhầm nhà dân. Ông Cường lý giải do bên đơn vị phá dỡ mặt bằng trong quá trình tháo dỡ bản quảng cáo đã vô tình làm sập một phần căn nhà bà Trang. Sau đó các bên liên quan đã lập biên bản và đang trong quá trình thương lượng, giải quyết.

Thiết nghĩ, chỗ ở của mỗi cá nhân là chỗ ở hợp pháp và bất khả xâm phạm, điều này đã được quy định trong Hiến pháp. Như vậy, dù vô tình hay cố ý thì đây vẫn là hành vi phá hủy tài sản và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, dù người dân đã có đơn trình báo nhưng không hiểu vì lý do nào mà Công an huyện An Dương trả lời không đủ yếu tố để khởi tố vụ án. Cùng với đó, những phương tiện bị niêm phong trong sang 10/8 do liên quan đến vụ việc này đã được Công an huyện An Dương trả lại cho chủ phương tiện mà không có văn bản cũng như không thông báo cho gia đình bà Trang biết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Công an TP Hải Phòng để tìm ra câu trả lời công bằng nhất cho người dân.

 Công an huyện An Dương cũng đã nhận đơn tố cáo của gia đình bà Trang.

Riêng về cuộc họp báo ngày 21/3/2024 tại UBND huyện để thông báo về việc sẽ tiến hành cưỡng chế các gia đình không chấp hành. Nhưng khi trao đổi với PV, ông Cường cho rằng đó là chủ trương của huyện, hiện tại thì huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng. Khi nào có chủ trương thì UBND huyện sẽ thông báo cho các bên liên quan biết.

Khi PV trao đổi về vấn đề sao UBND huyện không đối thoại với gia đình bà Trang để tìm ra tiếng nói chung, ông Cường bảo: “Chính quyền lúc nào cũng hoan nghênh đối thoại, nhưng đã mời mấy lần mà gia đình bà Trang không hợp tác”. Trong khi đó, bà Trang cho rằng lý do gia đình không hợp tác là do cuộc đối thoại không thiện chí. UBND huyện toàn ép gia đình chấp nhận với các phương án mà huyện đưa ra. Điều này bà Trang cho rằng gây ức chế cho gia đình mà còn không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình.

Trong thông tin mới nhất cung cấp cho PV, bà Trang cho biết UBND huyện vừa mới có văn bản mời gia đình đối thoại, nhưng gia đình chưa nhận lời. Bà Trang nêu phương án nếu UBND huyện chấp nhận buổi đối thoại có sự xuất hiện của Nhà báo và Luật sư thì gia đình bà sẽ đối thoại.

Hiện vụ việc vẫn chưa có kết quả. Tạp chí Tòa án nhân dẫn điện tử sẽ tiếp tục phản ánh khi có thông tin mới.

 

Nhận định về sự việc của gia đình bà Phạm Thị Thu Trang (An Dương, Hải Phòng), Luật sư Diệp Năng Bình – VP Luật sư Tinh Thông Luật cho biết:

“Theo khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ mà bài báo đã nêu, có thể thấy, trường hợp phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi mà không đủ điều kiện để ở, hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì có thể được hỗ trợ tái định cư.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 6 Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng ban hành quy định chi tiết một số một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hải Phòng thì các trường hợp diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được quy định như sau:

- Đối với khu vực nông thôn: Phần diện tích đất còn lại sau thu hồi không phù hợp với chỉ giới xây dựng theo quy hoạch, không có kết nối giao thông, cạnh nhỏ nhất của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn 4 m (trừ trường hợp thửa đất trước khi thu hồi đã có cạnh nhỏ hơn 4 m) và diện tích thửa đất còn lại nhỏ hơn 60,0 m2.

Như vậy, với sự việc trên, nếu phần dịch tích đất ở còn lại ở khu vực nông thôn không đủ điều kiện để ở theo Quyết định của UBND TP. Hải Phòng thì có thể được hỗ trợ tái định cư.

Về vấn đề bồi thường, Luật sư Diệp Năng Bình nhận định:

“Theo khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai thì khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Do đó, nếu người bị Nhà nước thu hồi đất có căn cứ chứng minh tài sản bị thiệt hại là tài sản hợp pháp của mình thì sẽ được bồi thường thiệt hại”.

Riêng việc nhà bà Phạm Thị Thu Trang bị phá nhầm trong sáng ngày 10/8/2023, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay:

“Đối với việc phá nhầm nhà dân thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc) hoặc xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác,

Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức (với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần). Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo đó, tùy vào giá trị tài sản bị thiệt hại mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 20 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

 

Trọng Bảy