Án phí trong vụ án dân sự khi Tòa án tiến hành hòa giải thành
TAND huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn
Theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326), thì: “Các đương sự thỏa thuận được với nhau nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”.
Trong thực tiến áp dụng quy định này để tính án phí của một số loại vụ việc dân sự cụ thể, đã phát sinh những vướng mắc và có cách tính án phí khác nhau.
Để tiện cho việc trao đổi, tác giả xin dẫn ra một vụ án cụ thể như sau: Nguyễn Văn An khởi kiện Trần Văn Bình yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với số tiền là 80.000.000 đ. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 thì An được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Tòa án nhân dân huyện đã thụ lý vụ án, sau đó tiến hành hòa giải và các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Theo đó, Trần Văn Bình đồng ý bồi thường cho Nguyễn Văn An số tiền 80.000.000 đ. Khi tính án phí của vụ án này đã có hai quan điểm khác nhau về mức án phí mà Trần Văn Bình phải chịu.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Trần Văn Bình phải chịu 2.000.000 đ án phí DSST có giá ngạch, với công thức tính là: (80.000.000đ x 5%) x 50% = 2.000.000.đ.
Lập luận của quan điểm thứ nhất là: Theo quy định tại 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 thì “Các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”. Trong vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì người yêu cầu bồi thường (nguyên đơn) được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Vì vậy, bên bị đơn phải chịu toàn bộ 50% (tương đương với 2.000.000 đ) mức án phí quy định.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Trần Văn Bình phải chịu 1.000.000 đ án phí DSST có giá ngạch, với công thức tính là: (80.000.000 đ x 5%) x 50% : 2 = 1.000.000,đ, với lập luận như sau: Theo khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 thì “Các đương sự thỏa thuận được với nhau nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”. Như vậy, phải hiểu là khi Tòa án tiến hành hòa giải và các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định. Quy định này phải được áp dụng đối với toàn bộ các vụ việc dân sự mà không có sự ngoại lệ nào.
Giả sử trong vụ án cụ thể nêu trên nếu yêu cầu khởi kiện của An không phải là bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm mà là yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì rõ ràng cả An và Bình mỗi người đều phải chịu ½ án phí (tương đương 25% của 50% mức án phí quy định). Tuy nhiên, trong vụ án này người khởi kiện (An) là đối tượng được nhà nước “cho hưởng” ưu ái đặc biệt đó là được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Như vậy, rõ ràng đây là một trong những chính sách an sinh xã hội của nhà nước dành cho một chủ thể cụ thể (An). Khi mà nhà nước đã dành cho một chủ thể nào đó chế độ ưu đãi nào đó, mà khi theo quy định của pháp luật chủ thể đó phải chịu nghĩa vụ (phần nghĩa vụ) nào đó thì đương nhiên nhà nước là người phải “chịu thay” (trong trường hợp này là miễn nộp toàn bộ phần án phí mà đáng ra chủ thể này (An) phải nộp), chứ không thể bắt chủ thể khác (Bình) phải chịu trách nhiệm thay cho phần nghĩa vụ mà nhà nước dành cho một chủ thể nhất đinh (An) được hưởng.
Do đó, khi Tòa án tiền hành hòa giải mà các đương sự (An và Bình) thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì “Các bên đương sự” (tức là An và Bình) phải chịu 50% mức án phí quy định. Trong vụ án cụ thể này, do phần nghĩa vụ chịu án của An (½ của 50% mức án phí quy định) đã được Nhà nước miễn nộp toàn bộ (điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326) nên Bình chỉ phải chịu phần nghĩa vụ án phí của mình (½ của 50% mức án phí quy định tương đương với 1.000.000,đ) mà không phải là 2.000.000 đ như cách tính của quan điểm thứ nhất.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai và tán thành với những lập luận mà quan điểm thứ hai đã đưa ra.
Trên đây là một trong những vướng mắc, còn chưa có cách hiểu thống nhất về cách tính án phí trong một số vụ án dân sự cụ thể trong quá trình giải quyết các vụ việc. Sự vướng mắc, thiếu thống nhất này không chỉ gây khó khăn cho quá trình giải quyết các vụ việc mà còn ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các bị đơn trong các vụ việc dân sự như ví dụ nêu trên.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả, các chuyên gia pháp lý và các đồng nghiệp. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất vấn đề này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận