Áp dụng biện pháp dẫn giải đối với bị hại từ chối giám định và từ chối tham gia phiên tòa
Quy định về “Dẫn giải” trong BLTTHS năm 2015 đã giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng thuận tiện hơn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án hình sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong áp dụng biện pháp cưỡng chế này.
Biện pháp “Dẫn giải” là một biện pháp cưỡng chế để bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được diễn ra theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. BLTTHS năm 2015 quy định về biện pháp cưỡng chế, trong đó Điều 127 quy định cụ thể dẫn giải là một trong 4 biện pháp cưỡng chế và trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng để bảo đảm cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tuân thủ đúng pháp luật.
Quy định về “Dẫn giải” trong BLTTHS năm 2015 đã giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng thuận tiện hơn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án hình sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong áp dụng biện pháp cưỡng chế này.
1.Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng
1.1. Vướng mắc trong áp dụng biện pháp “Dẫn giải” đối với bị hại khi từ chối giám định
BLTTHS năm 2003 chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với các trường hợp bị hại từ chối giám định. Để khắc phục tình trạng nêu trên, BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 127 như sau: “ 2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với: … b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.
Như vậy, trường hợp bị hại từ chối giám định thì có thể bị dẫn giải. Tuy nhiên vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải khi bị hại từ chối giám định.
Theo quy định nếu người bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì sẽ bị dẫn giải. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều vụ án mà người bị hại từ chối giám định do nhiều nguyên nhân như: các bên đã thỏa thuận được việc bồi thường thiệt hại, tự hòa giải bồi thường; người bị hại hoặc người thân của người bị hại bị đe dọa, mua chuộc… thì khi đó Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định dẫn giải. Nhưng khi thực hiện quyết định dẫn giải, người bị hại cố tình lảng tránh, bỏ trốn hoặc tuy có mặt nhưng họ vẫn kiên quyết từ chối không đi giám định (không cho giám định viên xem xét dấu vết trên thân thể, không cho khám nghiệm tử thi, không cung cấp tài liệu liên quan…) thì Cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án cũng gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn “bắt buộc” phải giám định trong trường hợp trên. Vì vậy, không thể có kết luận giám định làm cơ sở pháp lý để xem xét dẫn đến việc giải quyết các vụ việc hoặc vụ án (khi đã khởi tố vụ án) lại rơi vào bế tắc và gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan điều tra.
1.2. Đại diện gia đình bị hại từ chối thực hiện các quyết định trưng cầu giám định, từ chối khám nghiệm tử thi
Trong thực tiễn áp dụng các vụ án như: Tai nạn giao thông có chết người hoặc nhiều vụ án khác có hậu quả chết người việc khám nghiệm tử thi nhằm xác định nguyên nhân chết là căn cứ quan trọng trong việc điều tra vụ án nhưng sau khi xảy ra vụ việc các bên liên quan nhanh chóng tự thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường và đại diện bị hại có đơn từ chối giám định tử thi; khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân chết người để có căn cứ xử lý vụ án đại diện gia đình bị hại cương quyết, thậm chí còn chống đối quyết liệt không cho các cơ quan có thẩm quyền khám nghiệm tử thi nên các cơ quan thực hiện việc khám nghiệm tử thi không thể tiến hành khám nghiệm được, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Do chưa có quy định các trường hợp đại diện gia đình bị hại từ chối thực hiện các quyết định trưng cầu giám định, từ chối khám nghiệm tử thi thì cơ quan có thẩm quyền có được ra quyết định cưỡng chế để thực hiện quyết định trưng cầu giám định hoặc khám nghiệm tử thi hay không, dẫn đến khó khăn áp dụng biện pháp cưỡng chế.
1.3. Có bắt buộc áp dụng biện pháp “Dẫn giải’’ khi người bị hại không giám định trong mọi trường hợp hay không?
Theo điểm b, khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015, về nguyên tắc, trong mọi trường hợp có thiệt hại sức khỏe, nếu người bị hại từ chối giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải ra quyết định dẫn giải. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn có mâu thuẫn giữa cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp trên như: Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra nhận thấy trong vụ án mặc dù bị hại có thiệt hại về sức khỏe, nhưng thương tích của người bị hại như vậy là nhẹ có thể nhận thấy bằng mắt thường không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên không cần phải dẫn giải; trong khi đó viện kiểm sát thì lại cho rằng: Luật đã quy định thì phải thực hiện; hơn nữa, khi chưa giám định thì chưa biết được tỷ lệ tổn thương cơ thể là bao nhiêu mà biết nhẹ hay nặng và đã đủ mức để xử lý hình sự chưa dẫn tới khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Như vậy có thể thấy nếu có căn cứ cho rằng việc bắt buộc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người bị hại từ chối giám định là không cần thiết thì có nên áp dụng biện pháp cưỡng chế này hay không?
1.4. Bị hại từ chối tham gia phiên tòa có áp dụng biện pháp “Dẫn giải” không?
Trong vụ án hình sự việc bị hại tham gia phiên tòa vừa có quyền và đồng thời có nghĩa vụ. Việc người bị hại tham gia phiên tòa trong nhiều vụ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp hội đồng xét xử làm sáng tỏ nội dung vụ án. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp vì một nguyên nhân nào đó bị hại không tham gia phiên tòa khiến việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn. Vậy trong trường hợp này có cần tiến hành biện pháp “Dẫn giải” bị hại tham gia phiên tòa không?
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì bị hại có nghĩa vụ “Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải…”. Tuy nhiên theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 4 và điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 thì biên pháp “Dẫn giải” chỉ được áp dụng đối với bị hại khi bị hại từ chối đi giám định, không quy định đối với trường hợp khi bị hại từ chối hoặc trốn tránh tham gia phiên tòa.
Theo quan điểm của tác giả thì mặc dù việc “Dẫn giải” bị hại tham gia phiên tòa không được quy định tại Điều 4 và Điều 127 BLTTHS năm 2015 nhưng căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS thì vẫn có thể áp dụng đối với trường hợp “Dẫn giải” bị hại khi tham gia phiên tòa.
2.Kiến nghị
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tác giả kiến cần sớm có văn bản hướng dẫn điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 theo hướng:
-Có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải người bị hại đi giám định; thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp trưng cầu giám định khám nghiệm tử thi.
-Có văn bản hướng dẫn xác định tiêu chí để quyết định việc áp dụng biện pháp cưỡng chế là dẫn giải, hạn chế tình trạng dẫn giải tràn lan, làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc của những người tiến hành tố tụng, cơ quan giám định và của Nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc.
Bổ sung việc “Dẫn giải” bị hại tham gia phiên tòa vào BLTTHS năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật đới với trường hợp trên.
Dẫn giải bị cáo đến phiên tòa – Ảnh: Trinh Phan/ PLXH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận