Áp dụng pháp luật trong giải quyết, xét xử các loại tội phạm do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Từ thực tiễn xét xử các vụ án hình sự mà người phạm tội thực hiện tội phạm sau khi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác còn có những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, có vướng mắc.
Quy định của pháp luật
Điều 8 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Như vậy, thông thường thì người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà áp dụng chế định khác như bắt buộc chữa bệnh… theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 13 không loại trừ trách nhiệm cho người phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Nghĩa là những người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu trong trường hợp khi phạm tội hạn chế hoặc mất năng lực hành vi do việc dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác.
Trên thực tế những người này là người có năng lực trách nhiệm hình sự, việc mất năng lực, hạn chế năng lực do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích là do họ tự đặt mình vào trong trường hợp đấy. Người phạm tội hoàn toàn ý thức được điều này. Mặt khác, trên thực tế việc say rượu, bia hoặc chất kính thích là thói xấu trong xã hội, việc người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm khi rơi vào trạng thái họ có thể lường trước được còn là biểu thị sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này.
Rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác khi sử dụng dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi một cách tức thời hoặc không có tính chất như bệnh kinh niên, mãn tính, bệnh hiểm nghèo mà có cơ sở y tế xác định không do các yếu tố nếu trên. Một người bị loạn thần, ảo giác do dùng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác mà pháp luật đã có những chế tài quy định cấm hoặc xử lý hành chính lại có những hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm do mình thực hiện.
Thực tiễn xét xử người phạm tội do dùng chất ma túy tổng hợp (ma túy dạng đá), có kết luận của cơ quan giám định pháp y tâm thần: “Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội bị can có biểu hiện rối loạn, loạn thần do trực tiếp sử dụng các chất gây ảo giác, hội chứng nghiện các chất gây ảo giác. Theo phận loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số F16.5/F16.2. Bị can mất khả năng nhận thức và điểu khiển hành vi. Tại thời điểm giám định bị can có biểu hiện hội chứng nghiện các chất gây ảo giác, hiện đang cai trong môi trường được bảo vệ. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, có mã só F16.21”. Như vậy mặc dù bị can rõ ràng có bệnh do dùng chất kích thích là ma túy đá làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm do mình gây ra.
Với trường hợp người phạm tội là người say rượu bệnh lý: Say rượu bệnh lý là trạng thái loạn thần cấp tính xảy ra do uống rượu trong một khoảng thời gian ngắn không chỉ với lượng rượu lớn mà ngay cả khi chỉ uống một lượng rượu nhỏ nhưng vẫn bị say do cơ thể có sự suy yếu hoặc mẫn cảm đặc biệt đối với rượu. Đặc điểm của say rượu bệnh lý phát sinh sau khi uống rượu không phụ thuộc vào số lượng và loại rượu uống, rượu chỉ là một tác nhân dẫn đến say, có khi chỉ một lượng nhỏ.
Say rượu bệnh lý xuất hiện đột ngột và triệu chứng rất rầm rộ. Trong say rượu bệnh lý ý thức người bệnh trở nên mù mờ, định hướng về thời gian và không gian bị rối loạn. Người bệnh có ảo giác thị giác và ảo giác thính giác, có hoang tưởng bị hại, có cảm giác sợ hãi, cảm xúc bất an, lo âu, hoảng sợ; cảm xúc không thoải mái về quá khứ, ấn tượng đã từng trải và đôi khi đã đọc qua, đã trải nghiệm, các hồi tưởng được “chế biến” một cách bệnh lý, tạo nên một cảm giác bị đe dọa, nguy hiểm đang nhích lại gần đặc biệt là từ phía những người xung quanh dẫn đến việc nhận định mang tính hoang tưởng, nhiều ảo giác, hay giận dữ và độc ác… nên dễ dàng tấn công người xung quanh. Say rượu bệnh lý thường kéo dài từ vài giờ đến 24 giờ và kết thúc đột ngột bằng một giấc ngủ sâu, sau đó bệnh nhân không nhớ những gì đã xảy ra hoặc chỉ nhớ lẻ tẻ. Thực tiễn xét xử cũng đã xảy ra trường hợp giám định tâm thần kết luận người phạm tội là người say rượu bệnh lý, tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy có thể thấy dù không tự mình đưa bản thân vào tình trạng say, người phạm tội trong tình trạng trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Say rượu bệnh lý có được loại trừ trách nhiệm hình sự?
Vấn đề đặt đặt ra là trường hợp say rượu bệnh lý nêu trên có được áp dụng Điều 21 BLHS để loại trừ trách nhiệm hình sự theo hướng có lợi cho người có hành vi phạm tội hay không?
Điều 21 BLHS quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo quy định trên, có hai dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: dấu hiệu y học (mắc bệnh) và dấu hiệu tâm lý (mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi).
Về dấu hiệu y học: Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc hoạt động tinh thần bị rối loại. Các bệnh này có thể là mãn tính hoặc đột ngột nhất thời. Có thể kể đến một số loại bệnh như tâm thần ở các thể trầm trọng, bệnh si ngốc (ngu, đần, thộn), hoặc hoạt động tinh thần bị rối loạn do các bệnh khác như sốt rét ở nhiệt độ quá cao gây mê sảng, rối loạn nhận thức sau tai biến, rối loạn nhận thức sau chấn thương sọ não… Tiêu chuẩn y học là điều kiện cần. Vì thế, trong thực tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định sẽ cho biết người đó có khả năng nhận thức hoặc điểu khiển hành vi của mình hay không khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đây là việc làm bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người theo quy định của luật tố tụng hình sự.
Dấu hiệu về tâm lý: Dấu hiệu này đòi hỏi một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Năng lực nhận thức thể hiện ở sự hiểu biết các yêu cầu tất yếu của xã hội liên quan đến hành vi mà mình thực hiện, năng lực suy xét hành vi đó có nên làm hay không . Từ đó họ sẽ biết tự điều khiển hành vi của mình, kiềm chế những hành vi không phù hợp, pháp luật cấm.
Hai dấu hiệu này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, dấu hiệu y học với vai trò là nguyên nhân và điều kiện cần còn dấu hiệu tâm lý giữ vai trò kết quả và là điều kiện đủ để đánh giá một người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hay không. Chính vì vậy, không thể kết luận một người mắc bệnh tâm thần là tất yếu phải dẫn đến mất năng lực trách nhiệm hình sự. Điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phụ thuộc vào loại bệnh. Trong trường hợp bệnh chưa dẫn đến người đó mất hoàn toàn khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ.
Cần có hướng dẫn
Thực tiễn xét xử thấy khi người thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra có những căn cứ chứng minh người phạm tội có biểu hiện hoặc có dấu hiệu về tâm thần, dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình đã phải trưng cầu giám định về tâm thần. Khi cơ sở giám định có kết luận giám định. Tại kết luận giám định cũng nêu rõ tên bệnh theo quy định của Bộ Y tế hoặc phân loại bệnh quốc tế. Xác định rõ nguồn gốc phát sinh bệnh đã có lịch sử về bệnh án, có quá trình điều trị và hiện tại đang điều trị về một bệnh do mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi đã có mầm bệnh từ lâu. Tại thời điểm thực hiện hành vi, trước đó đã và đang điều trị bệnh nếu không có sự quản lý, giám sát thì người đó hành động một cách không có ý thức, lý trí; không thể nhận thức hành vi đó nguy hiểm cho xã hội cũng như cho chính bản thân họ. Điều này hoàn toàn khác với việc người thực hiện hành vi phạm tội do dùng rươu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác.
Có thể khẳng định quy định tại Điều 13 BLHS về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 BLHS.
Qua nghiên cứu, tác giả thấy nội dung này còn có cách hiểu và vận dụng khác nhau, cần có sự hướng dẫn chi tiết của các cơ quan tiến hành tố tụng để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật.
TAND tỉnh Hà Nam vừa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – Ảnh: Lại Thị Chúc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận