Áp dụng tình tiết định khung nào đối với Nguyễn Văn A?
Bị cáo có một tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, chưa được xóa án tích lại bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy mà trọng lượng hoặc thể tích dưới mức định lượng quy định... thì có bị coi là tái phạm hay không?
Ngày 07/01/2019, Nguyễn Văn A có hành vi tàng trữ trái phép 1,0270 gam ma túy Methamphetamine để sử dụng thì bị bắt quả tang. Nguyễn Văn A có 01 tiền án: Tại Bản án số 12/2015/HSST ngày 12/5/2015 của TAND quận H xử phạt A 30 tháng tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy” (chưa được xóa án tích). Do vậy, A bị VKSND huyện T truy tố về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm a, c khoản 1 Điều 249 BLHS 2015.
Hiện nay đang có hai loại quan điểm khác nhau trong việc áp dụng tình tiết định khung đối với Nguyễn Văn A.
– Quan điểm thứ nhất: Xét xử bị cáo theo điểm a, c khoản 1 Điều 249 BLHS 2015 như VKSND truy tố. Vì nhân thân bị cáo “đã bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là yếu tố cấu thành tội phạm với tình tiết định khung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS 2015. Và hành vi bị cáo “tàng trữ trái phép 1,0270 gam ma túy Methamphetamine” là yếu tố cấu thành tội phạm với tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS 2015.
– Quan điểm thứ hai: Xét xử bị cáo theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS 2015, không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS 2015. Vì điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS 2015 chỉ áp dụng trong trường hợp: Khối lượng hoặc thể tích ma túy không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều này và người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Do vậy, trường hợp này, A sẽ bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “tái phạm” tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.
Tôi cho rằng quan điểm thứ hai là phù hợp, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, so sánh với điều luật khác trong cùng BLHS 2015, ví dụ tại Điều 173 BLHS 2015 quy định về tội “trộm cắp tài sản” như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a, Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b, Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ….”
Phần giả định trong cấu trúc của Điều 173 BLHS 2015 rất rõ ràng, dễ hiểu, do đó, việc áp dụng luật được thống nhất trong thực tiễn. Điều luật quy định giá trị tài sản bị trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm. Nếu tài sản trộm cắp dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện quy định tại điểm a hoặc điểm b,… mới cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Do vậy, nên áp dụng Điều 249 BLHS 2015 theo tinh thần của Điều 173 BLHS 2015 để đảm bảo sự thống nhất về đường lối, quan điểm áp dụng pháp luật trong BLHS.
Thứ hai, Điều 194 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS 1999) quy định tội “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” như sau:
“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm …”.
Điều luật không quy định cụ thể định lượng các chất ma túy để xác định cấu thành tội phạm giống như BLHS 2015, mà căn cứ vào tiểu mục 3.6 mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 để xác định mức tối thiểu của cấu thành tội phạm. Theo đó, người nào tàng trữ Methamphetamine từ 01 gam đến dưới 05 gam thì sẽ phạm tội theo khoản 1 Điều 194 BLHS 1999. Nếu trọng lượng ma túy dưới 01 gam thì sẽ bị xử phạt hành chính, sau đó, nếu người nghiện lặp đi lặp lại hành vi tàng trữ trái phép ma túy Methamphetamine có trọng lượng dưới 01 gam để sử dụng cho bản thân thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm. Do vậy, BLHS 2015 bổ sung quy định mới về tình tiết định khung tại điểm a khoản 1 Điều 249 để áp dụng trong trường hợp này.
Từ những phân tích trên, tác giả đề nghị TANDTC sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS 2015 để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, theo hướng: Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy có trọng lượng hoặc thể tích dưới mức định lượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h và i của khoản 1 Điều này và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là một số ý kiến của tác giả trong việc áp dụng tình tiết định khung đối với Nguyễn Văn A, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.
HĐXX một phiên tòa hình sự tại TAND huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng – Ảnh VKSND BLV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận