B, C, D và G mỗi người phải hoàn trả 1 tỷ đồng cho Công ty TNHH M
Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Đỗ Ngọc Bình và một số quan điểm trao đổi về vấn đề người thứ ba ngay tình trong vụ án hình sự, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng B, C, D và G phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu là Công ty TNHH M mới đúng quy định của pháp luật.
Vấn đề dân sự nếu có căn cứ, cơ sở thì được giải quyết luôn trong vụ án hình sự để đảm bảo giải quyết vụ án được toàn diện. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bồi thường, đòi lại tài sản do bị chiếm hữu bất hợp pháp,… Và các vấn đề liên quan đến giải quyết quyền lợi cho người thứ ba ngay tình cũng luôn được quan tâm, được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, không phải trong tất cả các trường hợp việc xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình đều được xác lập và có hiệu lực pháp lý, trong một số trường hợp cụ thể, mặc dù được xác định là người thứ ba ngay tình nhưng họ vẫn phải hoàn trả lại tài sản có được cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Để giải quyết được vấn đề người thứ ba ngay tình trong vụ án hình sự, ta phải hiểu trước hết các trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ, các trường hợp người thứ ba ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Khoản 1 Điều 133 BLDS quy định: “1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.” Như vậy, trong các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của hợp đồng là tài sản không phải đăng kí đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch này vẫn được xác lập và có hiệu lực với người thứ ba. Điều này là bởi lẽ đối với những tài sản không được đăng kí quyền sở hữu thì người thứ ba rất khó hoặc không thể thực hiện được các biện pháp để kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của tài sản này, do vậy, pháp luật đặt ra quy định tại khoản 1 Điều 133 BLDS để đảm bảo tối đa quyền lợi cho họ.
Tuy nhiên, các trường hợp trên phải không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 167 BLDS thì giao dịch với người thứ ba ngay tình mới được xác lập và có hiệu lực. Điều 167 BLDS quy định: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.”. Theo Điều 167 thì có 02 trường hợp chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình đó là:
- Người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Ví dụ như A mượn B chiếc máy tính, sau đó A tặng lại cho C chiếc máy tính đó. Trường hợp này A là người không có quyền định đoạt đối với chiếc máy tính và B có quyền đòi lại tài sản từ C mặc dù C là người thứ ba ngay tình.
- Đối với hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Ví dụ như A lấy trộm chiếc điện thoại của B, sau đó A đem bán cho C. Ở đây C là người thứ ba ngay tình có được tài sản thông qua hợp đồng có đền bù với A, nhưng A lại chiếm đoạt tài sản này của B bằng cách lấy trộm, do đó B có quyền đòi lại tài sản trên.
Tại khoản 2 Điều 47 BLHS quy định: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.”. Điều luật này cũng ghi nhận việc tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu, tức là nếu đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình nhưng không thuộc các trường hợp được pháp luật cho phép thì người thứ ba này vẫn phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Trở lại vụ án tác giả đưa ra, số tiền 5 tỷ đồng mà A có là do hành vi phạm tội của mình, A đã dùng 4 tỷ đồng để trả nợ cá nhân cho B, C, D và G. Trong trường hợp này, B, C, D và G đã nhận được tiền từ A nhưng số tiền này là do A chiếm đoạt trái phép của Công ty TNHH M, nói cách khác, số tiền này bi chiếm hữu trái với ý chí của chủ sở hữu. Do vậy, Công ty M hoàn toàn có quyền yêu cầu B, C, D và G trả lại số tiền trên. Khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Tòa án không tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước mà phải tuyên thu hồi lại 4 tỷ đồng từ B, C, D và G để trả lại cho Công ty M.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý độc giả và đồng nghiệp.
TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vụ án Mua bán trái phép chất ma túy- Ảnh: Lê Thanh Nhàn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận