B phạm tội “giữ người trái pháp luật” và tội “cưỡng đoạt tài sản”

Sau khi đọc bài viết “B phạm một hay hai tội?” của tác giả Đỗ Ngọc Bình, Nguyễn Bá Nhất và bài trao đổi của tác giả Phạm Văn Minh đăng ngày 18/01/2022 và ngày 22/02/2022, chúng tôi cho rằng hành vi của B phạm tội “giữ người trái pháp luật” và tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, vụ việc xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn khi H cho rằng giữa B và L (là chồng H) có quan hệ nam nữ, nên B tìm H để làm rõ về nội dung liên quan. Ngay khi gặp nhau hai bên cự cãi nhau gây mất trật tự nên theo đề nghị của B thì H tự nguyện về nhà B để tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, tại nhà của mình, B đã có những hành vi túm tóc, dùng tay tát nhiều cái vào mặt của H và dùng chai nước, mũ cối ném vào người H. Khi H yêu cầu cho H về thì B không cho H về mà yêu cầu H phải trả 150 triệu đồng đã vay trước đó và giữ H lại gần 02 giờ, đến khi chồng H là L chuyển trả tiền đủ 150 triệu đồng thì B cho H về. B không phải là người có thẩm quyền trong việc bắt giữ người; H cũng không vi phạm pháp luật dẫn đến phải bị bắt giữ. Do đó, hành vi giữ H của B đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “giữ người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 157 BLHS[1].

- Thứ hai, mục đích ban đầu của B là yêu cầu H về nhà mình để làm rõ mọi chuyện có liên quan đến việc H nhắn tin chửi B vì cho rằng giữa B và L có quan hệ nam nữ. Nhưng sau khi H về nhà B, B có những hành vi vi phạm xâm phạm H; ngay khi đó thì B nhớ lại việc H và L còn nợ mình 150 triệu đồng nên yêu cầu H phải trả đủ thì mới cho H về. Mặc dù, H và L có nợ B 150 triệu đồng, trách nhiệm của H và L là phải trả tiền cho B, nhưng việc yêu cầu trả nợ của B tại thời điểm đang giữ H trái pháp luật, buộc H phải trả thì mới cho về là có sự tác động trái với ý trí tự nguyện của H, nên hành vi yêu cầu trả nợ của B là trái quy định của pháp luật.

Vấn đề đặt ra là, hành vi của B vi phạm pháp luật ở mức độ nào, và nếu vi phạm pháp luật hình sự thì phạm tội gì? Với tính chất của vụ việc, B yêu cầu H về nhà mình, cùng đi với H còn có A, C và hai người khác, khi về nhà thì B đã túm tóc, tát vào mặt và ném đồ vào người H, sau đó lại yêu cầu phải trả nợ thì mới cho về. Hành vi yêu cầu trả nợ này của B không chỉ đơn thuần là vi phạm pháp luật thông thường, mà hành vi này có dấu hiệu của tội phạm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, tình trạng cho vay, cho vay nặng lãi, xảy ra rất phức tạp, và người cho vay dùng bất chấp các thủ đoạn, hình thức để đòi nợ từ người cho vay đã gây ra bất ổn trong xã hội ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc. So sánh, đối chiếu hành vi vi phạm của B đối với quy định của BLHS, thì hành vi của B có thể phạm vào một trong hai tội là “cướp tài sản” hoặc “cưỡng đoạt tài sản”.

Khoản 1 Điều 168 BLHS quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Khoản 1 Điều 170 BLHS quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

So sánh dấu hiệu về hành vi của người phạm tội được quy định trong cấu thành của hai tội, thể hiện, tội “cướp tài sản” phải có một trong ba hành vi: dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực nay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự với mục đích chiếm đoạt tài sản. Đối với tội “cưỡng đoạt tài sản” thì phải có một trong hai hành vi: đe dọa sẽ dùng vũ lực, hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần với mục đích chiếm đoạt tài sản. Như vậy, trong cấu thành của hai tội có hai hành vi có nét gần tương đồng nhau, đó là “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc – đe dọa sẽ dùng vũ lực” và “hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự - thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần”.

Theo lý luận thì, “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” là hành vi mà người phạm tội thể hiện tính quyết liệt trong lời nói kết hợp với hành động biểu hiện ra bên ngoài, từ đó bị hại tin rằng họ sẽ vùng vũ lực ngay nếu như không thỏa mãn yêu cầu của họ; hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thể hiện tính quyết liệt cao trong hành động và bị hại không có sự lựa chọn nào ngoài việc thực hiện theo yêu cầu hoặc sẽ bị dùng vũ lực. Ví dụ, người phạm tội dùng dao kề vào cổ bị hại và hô to “đưa tiền, nếu không tao cắt cổ mày”; với hành động và lời nói như vậy, bị hại tin rằng nếu không đưa tiền thì bị cắt cổ. Nói tóm lại, để xác định hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như lời nói, hành động, không gian, thời gian, tương quan lực lượng... từ đó mới có thể xác định được người phạm tội có dùng vũ lực ngay tức khắc hay không.

Về hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực” là trường hợp ít nguy hiểm hơn so với “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc”. Hành vi đe dọa dùng vũ lực diễn ra không thể hiện tính quyết liệt trong hành động, khi người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực thì bị hại còn có sự lựa chọn xem có thực hiện theo yêu cầu của người phạm tội hay không. Ví dụ, người phạm tội đứng đối diện với bị hại và hô “đưa tiền cho tao, nếu không đưa tao sẽ bắn mày (thực tế không có súng)”.

“Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được”, đây cũng là hành vi thể hiện tính nguy hiểm rất cao. Khi người phạm tội thực hiện hành vi này thì bị hại không có khả năng chống trả, cũng như không có sự lựa chọn nào và người phạm tội dễ dàng chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ví dụ, người phạm tội dùng thuốc mê gây mê bị hại, ép bị hại uống rượu say...

Đối với hành vi “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần”, đây cũng là hành vi thể hiện tính nguy hiểm thấp hơn so với hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Khi người phạm tội dùng thủ đoạn để huy hiếp tinh thần bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị hại có quyền lựa chọn đưa tài sản hay không đưa tài sản; bị hại có thời gian so sánh, đánh giá giữa việc đưa tài sản thì “được” gì và không đưa tài sản thì “nhận được” gì. Nói tóm lại, khi người phạm tội dùng thủ đoạn khác để huy hiếp tinh thần bị hại, thì bị hại có quyền quyết định đưa tài sản hay không đưa tài sản. Ví dụ, người phạm tội dọa bị hại nếu không đưa tiền thì sẽ nói với chồng bị hại là bị hại có quan hệ bất chính với người khác...

Trở lại nội dung của vụ việc, thể hiện khi B túm tóc, tát vào mặt và ném đồ vật vào người H thì thời điểm đó B chưa có ý định yêu cầu H phải trả 150 triệu đồng. Đến khi H yêu cầu cho về thì B mới nhớ lại việc H và L còn nợ 150 triệu đồng và yêu cầu H trả xong mới cho về. Tại thời điểm B yêu cầu H trả tiền và trở về sau, B không dùng vũ lực và cũng không đe dọa dùng vũ lực gì đối với H. Hành vi dùng vũ lực của B đã kết thúc trước khi H yêu cầu cho về. Từ khi B buộc H trả tiền thì chỉ có hành vi giữ H lại và yêu cầu H gọi điện cho L để yêu cầu L trả tiền thì B mới cho H về; ngoài ra, B không dùng bắt cứ thủ đoạn, hành vi nào khác. Khi H bị giữ lại và buộc phải trả tiền thì H có quyền lựa chọn và thực tế H đã tự gọi điện thoại cho L và L ra ngân hàng chuyển tiền cho B, khi B nhận được tiền thì cho H về. Như vậy, hành vi của B tại thời điểm này thỏa mãn dấu hiệu của tội “cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 BLHS, đó là “dùng thủ đoạn khác huy hiếp tinh thần” đối với H.

- Thứ ba, tác giả Phạm Văn Minh cho rằng hành vi giữ H lại để yêu cầu trả 150 triệu đồng của B phạm tội “cướp tài sản” là không phù hợp. Bởi lẽ, ngay khi B gặp H ở ngoài đường và sau khi về đến nhà B thì B không có ý định yêu cầu H trả tiền. Mục đích chính của việc gặp H, yêu cầu H về nhà và sau đó túm tóc, tát vào mặt, ném đồ vật vào người H của B chỉ vì muốn làm rõ việc H nhắn tin chửi B vì cho rằng B và L có quan hệ nam nữ. Hành vi dùng vũ lực của B đối với H kết thúc trước khi việc yêu cầu trả tiền xảy ra.

Khi H yêu cầu cho H về thì B mới nhớ lại chuyện H và L nợ 150 triệu đồng nên buộc H phải trả tiền thì mới cho về. Kể từ thời điểm yêu cầu trả tiền B không có bất cứ hành vi nào ngoài việc giữ H lại và yêu cầu H gọi điện cho L để trả tiền. Trong tình huống cũng thể hiện trong khoảng thời gian hơn một giờ, B không có bất cứ hành vi nào đối với H, H cũng tự điện thoại yêu cầu L chuyển tiền vào tài khoản để trả cho B. Theo đó, B không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và cũng không dùng thủ đoạn khác để dẫn đến H không kháng cự được; hành vi của B là “dùng thủ đoạn giữ H lại để huy hiếp về tinh thần” buộc H trả tiền. Như đã phân tích ở trên, thì hành vi của B phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 BLHS.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về định tội danh đối với hành vi của B trong trường hợp có hành vi giữ người trái pháp luật và sau đó buộc phải trả nợ đã vay trước đó, mong bạn đọc cùng trao đổi làm rõ./.

 

Tòa án huyện Quang Bình, Hà Giang xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản - Ảnh: Vân Anh

 

[1] Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

NGUYỄN VĂN LAM (Tòa án quân sự Quân khu 9)