Vay tiền rồi bán đất cho người thân để không thi hành án có phạm tội hay không?

Vay tiền rồi bán đất cho người thân để không thi hành án có phạm tội hay không?, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Vào ngày 12/8/2021, ông Phạm Văn V có vay tiền của bà Lê Thị Bích V số tiền là 150.000.000 đồng, khi vay hai bên có lập hợp đồng vay và lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng, thời hạn vay là 12 tháng thì ông V phải trả vốn và lãi còn nợ (nếu có) cho bà V, mỗi tháng ông V phải trả lãi suất tiền vay cho bà V vào ngày 12 hàng tháng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng thì ông V đều trả lãi cho bà V đúng theo thỏa thuận nhưng đến khi tới hạn trả vốn thì ông V không trả cho bà V mà xin bà V cho khất nợ đến 12/02/2023 sẽ trả đủ vốn và lãi, ông V có làm giấy cam kết cho bà V và bà V cũng đồng ý.

Đến 12/4/2023, do ông V trì hoãn nghĩa vụ trả nợ nên bà V đã khởi kiện yêu cầu ông V phải trả tiền vốn vay là 150.000.000 đồng và tiền lãi suất vay theo thỏa thuận của hai bên kể từ ngày 12/8/2022 đến ngày Tòa án giải quyết xong vụ án tạm tính tiền lãi đến ngày 12/8/2023 (thời hạn giải quyết vụ án 04 tháng) là 150.000.000 đồng x 12 tháng x 1,5%/tháng = 22.500.000 đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 172.500.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án thì ông V thống nhất có nợ bà V số tiền là 172.500.000 đồng nhưng xin trả dần mỗi tháng trả cho bà V 2.000.000 đồng (thông qua bản tự khai, biên bản hòa giải, diễn biến tại phiên tòa), trả đến khi hết nợ; bà V không đồng ý nên vào ngày 23/8/2023, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T đã xét xử, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà V, buộc ông V trả cho bà V số tiền 172.500.000 đồng và tiền lãi chậm trả theo quy định.

Do hai bên không có kháng cáo, bản án không bị kháng nghị nên Bản án sơ thẩm số 312/2023/DS-ST ngày 23/8/2023 của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì bà V đã nộp đơn yêu cầu thi hành án thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đã ban hành quyết định thi hành án vào ngày 08/12/2023.

Đến ngày 24/4/2024, qua kết quả xác minh thì được biết trước đây ông V có đứng tên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 1, diện tích 1.312m2 đất, loại đất trồng cây lâu năm, được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận ngày 18/6/2014, trên thửa đất có căn nhà cấp 4, ông V đang sinh sống trong căn nhà này từ năm 2010 cho đến nay. Nhưng vào ngày 17/8/2023 ông V đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho em ruột của mình là ông Phạm Văn H với số tiền là 400.000.000 đồng (thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, trị giá khoảng 01 tỷ đồng). Đến ngày 24/8/2023, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có kết quả điều chỉnh biến động trang 4, ông Phạm Văn H đã đứng tên.

Ngoài ra, ông V không còn tài sản nào khác nên ngày 14/5/2024, Cơ quan thi hành án đã ban hành quyết định về việc chưa đủ điều kiện thi hành án đối với hồ sơ yêu cầu thi hành án của bà V.

Trong trường hợp này, hành vi của ông V nợ tiền của bà V nhưng bán tài sản cho người khác trong quá trình giải quyết vụ án để dẫn đến chưa có điều kiện thi hành án cho bà V, vậy hành vi này của ông V có phạm tội hay không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đây chỉ là giao dịch dân sự giữa các bên.

Trong tình huống pháp lý này có hai giao dịch dân sự đó là:

- Trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay giữa bà V và ông V là một vụ án dân sự đã được giải quyết bằng một bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, bản án đã buộc ông V phải có nghĩa vụ trả cho bà V số tiền là 172.500.000 đồng, trường hợp ông V không trả nợ cho bà V thì V có quyền yêu cầu thi hành án tiến hành các thủ tục thi hành án theo quy định nhưng do chưa có điều kiện thi hành án (không có tài sản tại thời điểm xác minh) nên Cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là quy trình để giải quyết một vụ án dân sự và thi hành án đối với một bản án dân sự thông thường cho nên bản chất đây chỉ là quan hệ giao dịch dân sự.

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông V và ông H là giao dịch dân sự giữa hai bên đã có công chứng và đã được nhà nước công nhận hợp pháp thông qua việc kết quả điều chỉnh trang 4 trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông V, chuyển nhượng cho ông H.

- Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa hai bên nếu bà V phát hiện ông V có hành vi tẩu tán tài sản thì bà V có quyền nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định (Chương VIII của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) để bảo đảm thi hành án sau này.

- Hơn nữa nếu bà V cho rằng ông V có hành vi tẩu tán tài sản thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông V và ông H thì bà V có quyền khởi kiện đối với ông V và ông H để yêu cầu tuyên hợp đồng này vô hiệu do giao dịch vi phạm điều cấm của luật (khai giá thấp hơn giá thực tế của tài sản để trốn nghĩa vụ nộp thuế) hoặc do giao dịch này là giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bên thứ ba (bà V). Trường hợp, Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V thì cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành án bình thường; ngược lại nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V thì Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông V theo đúng quy định.

Do vậy, trong tình huống này, ông V không có phạm tội vì vụ việc chỉ mang tính chất dân sự.

Quan điểm thứ hai (cũng là là quan điểm của các tác giả cho rằng):

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

Đối chiếu hành vi của ông V với quy định nêu trên thì hành vi của ông V đã đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể như sau:

Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà V với ông V thì ông V đã thừa nhận có nợ số tiền 172.500.000 đồng thì đồng nghĩa với nội dung trình bày, cách tính toán trong đơn khởi kiện của bà V là đúng sự thật, nghĩa là vào ngày 12/8/2021, ông V có vay tiền của bà V số tiền là 150.000.000 đồng nhưng đến hạn trả nợ, ông V không có thực hiện nên có viết cam kết sẽ trả đủ vốn và lãi vào ngày 12/02/2023.

Do ông V không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng vay và giấy cam kết nên hai bên phát sinh tranh chấp, bà V đã khởi kiện ông V ra Tòa án để yêu cầu ông V trả nợ. Nhưng trước ngày Tòa án xét xử sơ thẩm 06 ngày (ngày 17/8/2023) ông V đã chuyển nhượng tài sản duy nhất của mình cho em ruột là ông H nhưng giá chuyển nhượng chỉ 400.000.000 đồng (đã thể hiện đầy đủ qua hợp đồng chuyển nhượng và biên nhận nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất); mức giá này thấp hơn giá trị thực tế của tài sản 2,5 lần.

Rõ ràng, việc ông V đang có nghĩa vụ với bà V nhưng vẫn chuyển nhượng tài sản cho ông H với giá thấp hơn giá trị thực tế là dấu hiệu bất thường, thể hiện ý đồ trốn tránh nghĩa vụ của ông V đối với bà V, dẫn đến giao dịch chuyển nhượng giữa ông V với ông H đã vi phạm khoản 2 Điều 124 BLDS năm 2015 nên giao dịch dân sự này phải bị vô hiệu do giả tạo. Điều này đồng nghĩa với việc giữa ông V và ông H đã thông đồng dùng thủ đoạn gian dối đối với bà V, đối với các cơ quan chức năng để chuyển nhượng tài sản sang cho ông H, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà V bằng hình thức là làm cho ông V chưa có điều kiện thi hành án, không trả tiền cho bà V.

Ông V đã có hợp đồng vay tiền của bà V, ông V phải có nghĩa vụ trả tiền cho bà V vào ngày 12/02/2023 (theo hợp đồng vay, giấy cam kết, lời khai của ông V) mặc dù thời điểm này ông V vẫn còn đứng tên thửa đất có giá trị 01 tỷ đồng, hoàn toàn đủ khả năng trả nợ cho bà V nhưng đến ngày 17/8/2023, ông V vẫn cố tình không trả thông qua hợp đồng chuyển nhượng để chuyển nhượng tài sản trị giá 01 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển nhượng tài sản cho em ruột mình với giá 400.000.000 đồng để nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền nợ của bà V bằng hình thức là làm cho ông V chưa có điều kiện thi hành án, không trả tiền cho bà V.

TRẦN TÚ ANH - HUỲNH MINH KHÁNH (TAND khu vực 5 – Đồng Tháp)

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.