B phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo Điều 323 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết trao đổi ý kiến “Người trộm cắp tài sản dưới 16 tuổi thì người tiêu thụ tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự không?” của tác giả Nguyễn Thị Kim Phượng đăng ngày 07/3/2024, tác giả đồng thuận với quan điểm thứ nhất.

Trong trường hợp này, mặc dù A chưa đến tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp, nhưng hành vi khách quan và giá trị tài sản A chiếm đoạt đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm – có mức độ nguy hiểm cho xã hội nhất định; việc A không bị xử lý hình sự là do chính sách của Nhà nước ta đối với người phạm tội là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tài sản do B tiêu thụ đã thỏa mãn điều kiện về giá trị tài sản của tội trộm cắp tài sản và thực tế B đã tiêu thụ tài sản do A phạm tội nên hành vi của B đã cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao đã giải đáp về trường hợp tương tự như trên. Với câu hỏi: “Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không? Công văn đã giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 323 của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có cần cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 323 BLHS và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Công văn trên đã kết luận phần định tội theo quan điểm thứ nhất. Mặc dù lập luận trên Công văn lại dựa vào Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và Tội rửa tiền đã hết hiệu lực thi hành[1] nhưng trên tinh thần vẫn có thể áp dụng được.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng B đã phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS. Tuy nhiên, qua đó cho thấy vấn đề này thực sự vướng mắc trên thực tế và hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn đối với BLHS 2015. Do đó, tác giả đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi nội dung điều luật hoặc ban hành văn bản mới để hướng dẫn trường hợp này.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong trao đổi cùng đồng nghiệp, bạn đọc.

 

 

[1] Theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Hiện nay, BLHS 1999 đã chấm dứt hiệu lực và bị thay thế bởi BLHS 2015 nên các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành BLHS 1999  như TTLT 09 cũng hết hiệu lực.

HUỲNH HẢI DUY (Tòa án quân sự Quân khu 9)

 Tòa án huyện Ea H’leo, Đăk Lăk xét xử vụ án  “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - Ảnh: Bá Nhất