Người trộm cắp tài sản dưới 16 tuổi thì người tiêu thụ tài sản có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
A chưa đủ 16 tuổi, trộm cắp điện thoại trị giá 3 triệu đồng bán cho B. B biết là tài sản do A trộm cắp nhưng vẫn mua, B có phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 của BLHS hay không?
Ngày 19/4/2021 Nguyễn Văn A (sinh năm 2007- chưa đủ 16 tuổi) đã vào hồ bơi, lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu đã lén lút lấy 1 chiếc điện thoại rồi bán cho B với giá 2.000.000 đồng. B biết rõ chiếc điện thoại này là tài sản trộm cắp nhưng vẫn đồng ý mua. A và B bị công an bắt, chiếc điện thoại được Hội đồng định giá tài sản định giá 3.000.000 đồng. Sau khi vụ án xảy ra có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến hành vi của B.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: B phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS vì điều luật quy định hành vi không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có. B biết rõ chiếc điện thoại A có được là do trộm cắp, tài sản có giá trị 3.000.000 đồng nên B phải chịu TNHS về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: B không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, vì hành vi của Nguyễn Văn A không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” do chưa đủ tuổi chịu TNHS về tội phạm này; tài sản A có được đem tiêu thụ cho B chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà không phải là hành vi phạm tội. Bởi lẽ điều luật xác định tài sản tiêu thụ phải là tài sản có được do hành vi “phạm tội” mà có, có nghĩa là để truy cứu TNHS của B thì A cũng phải bị truy cứu TNHS về hành vi phạm tội để có được tài sản. Do vậy hành vi của B chỉ là vi phạm hành chính.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất: B phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS. Vì điều luật quy định hành vi không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Trong trường hợp nêu trên mặc dù A chưa đủ tuổi chịu TNHS về tội phạm này, nhưng hành vi khách quan và giá trị tài sản A chiếm đoạt đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm; việc A không bị xử lý hình sự là do chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội là người chưa đủ 16 tuổi. Tài sản do B tiêu thụ đã thỏa mãn điều kiện về giá trị tài sản của tội trộm cắp tài sản và thực tế B đã tiêu thụ tài sản do A phạm tội nên hành vi của B đã cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Ngoài ra, tác giả cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc hiểu không đúng quy định của luật và có nhiều quan điểm khác nhau trong ví dụ nêu trên có lẽ do nhiều người hiểu sai thuật ngữ “thực hiện tội phạm” và “thực hiện phạm tội”, xét về bản chất người có tài sản bất hợp pháp đem đi chứa chấp, tiêu thụ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và được BLHS quy định, còn việc họ có bị xử lý hay không hoặc xử lý như thế nào thì không phải là điều kiện bắt buộc để xem xét trách nhiệm của người chứa chấp, tiêu thụ tài sản.
Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp cùng bạn đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử bị cáo có hành vi trộm cắp tài sản tại một tiệm điện thoại- Ảnh: TATP
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận