Bà L tham gia phiên tòa với tư cách người giám hộ đương nhiên của bị hại V
Nghiên cứu bài viết “Xác định người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự?”của tác giả Nguyễn Thị Kim Phượng đăng ngày 13/03/2024, tôi nhất trí với quan điểm thứ hai của tác giả.
Đầu tiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLDS 2015, người dưới 18 tuổi sẽ được gọi là người chưa thành niên.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 47 BLDS 2015 thì người được giám hộ bao gồm:
“a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
c) Người mất năng lực hành vi dân sự.
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
Trường hợp ông C và bà N (là cha mẹ ruột của bị hại V) cùng ủy quyền cho bà L (là bà ngoại của bị hại V) tham gia tố tụng với lý do ông C đang là học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh BL. Như vậy, ông C là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bà N đi làm ăn xa nên không có điều kiện chăm sóc, giáo dục cháu V và việc ông C và bà N lập giấy ủy quyền cho bà L (bà ngoại của cháu V) để yêu cầu giám hộ cho cháu V nên V có điều kiện để được giám hộ.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 49 BLDS 2015 về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:
“Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.”
Như vậy, nếu bà ngoại có đủ điều kiện trên thì có thể làm người giám hộ cho cháu V.
Thứ tư, thứ tự giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại Điều 52 BLDS 2015 như sau:
“Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 47 của bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”
Như vậy xét điều kiện của người giám hộ và đối chiếu quy định pháp luật nêu trên thì bà ngoại có thể làm thủ tục để đăng ký giám hộ cho cháu V và trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký giám hộ đương nhiên được quy định tại Điều 21 Luật Hộ tịch năm 2014.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý đồng nghiệp và bạn đọc.
TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử vụ án Hiếp dâm - Ảnh: Xuân Nha
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận