Bà Rịa- Vũng Tàu: Có dấu hiệu thất thoát ngân sách nhà nước tại Dự án Khu du lịch Trung Sơn- Hồ Tràm?

Khu đất rộng hơn 11ha, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nhà nước giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Sơn (Trước đây là Công ty TNHH Trung Sơn) làm dự án khu du lịch Trung Sơn- Hồ Tràm từ năm 2003 và không thu tiền sử dụng đất; thế nhưng, nơi đây hiện vẫn là khu đất hoang.

Thế chấp dự án để bảo lãnh cho một công ty khác vay tiền

Mới đây, bà Hà Thị Hòa, một người dân tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có đơn tố cáo gửi lãnh đạo tỉnh này và các cơ quan báo chí phản ánh việc tỉnh đã giao đất ưu đãi cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng từ năm 2003 đến nay dự án bỏ hoang, gây lãng phí và thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước. Bà Hòa yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ những dấu hiệu sai phạm của dự án, cá nhân có liên quan nhằm đem lại một xã hội công bằng, nghiêm túc tuân thủ pháp luật tại địa phương. Nhưng nhiều lá đơn của bà mấy năm qua vẫn rơi vào im lặng.

Theo trình bày của bà Hoà, khu du lịch (KDL) Trung Sơn – Hồ Tràm do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Sơn (viết tắt là Công ty Trung Sơn) làm chủ đầu tư có nguồn gốc đất là của Công ty Liên hiệp Dầu thực vật Đồng Nai. Giai đoạn 1987 - 1988, công ty này giao đất cho nhiều người dân địa phương canh tác sản xuất. Năm 2003 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty Trung Sơn làm dự án với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, nhà nước cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm.

 

Bên trong dự án chậm triển khai hơn 20 năm

Ngày 15/7/2003, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có Quyết định 6561/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án. Đến ngày 10/5/2005, tỉnh có quyết định điều chỉnh thay đổi từ hình thức cho thuê sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Thế nhưng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi đó không hiểu vì lý do gì đã cho Công ty Trung Sơn được miễn tiền sử dụng đất (theo quyết định 1466/QĐ-CT ngày 10/5/2005 của Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Hai tháng sau đó, Công ty Trung Sơn đã thế chấp toàn bộ dự án tại ngân hàng để bảo lãnh cho một công ty khác vay tiền dùng vào việc khác thay vì vay vốn để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng. “Có thể thấy, trong hai năm từ năm 2003 đến năm 2005 dự án không triển khai gì, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng lại thực hiện việc chuyển hình thức từ cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất sang hình thức giao đất và ưu đãi không thu tiền sử dụng đất. Điều này tạo điều kiện cho Công ty Trung Sơn mang giấy tờ đất đi bảo lãnh cho một công ty khác. Như vậy nhà nước thất thu ngân sách khi ưu đãi đầu tư sai đối tượng, Công ty Trung Sơn hưởng lợi bằng việc dùng tài sản nhà nước giao đất không thu tiền để bảo lãnh cho công ty khác vay tiền ngân hàng”, bà Hoà bức xúc.

Không chỉ bà Hoà, một người dân khác là bà Nguyễn Thị Hảo (cư trú tại tổ 2, khu phố Kim Hải, TP.Bà Rịa) cũng đã có đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo Công ty Trung Sơn chiếm đất của gia đình bà và cho biết công ty này không có năng lực thực hiện dự án khi để dự án “treo” hơn 20 năm không thực hiện, gây thiệt hại về kinh tế, gây bất ổn về trật tự xã hội và xâm hại lợi ích gia gia đình bà cũng như gây lãng phí nghiêm trọng và thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Hơn 11ha đất nhưng chỉ đóng 7,6 tỉ đồng tiền sử dụng đất

Do dự án không triển khai, nên đến năm 2014, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư về dự án. Hai năm sau kể từ ngày bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, ngày 28/6/2016, Sở TN&MT tỉnh tiếp tục có kết luận Thanh tra số 1431 xác định vi phạm của Công ty Trung Sơn là “chậm đưa đất vào sử dụng và gia hạn sử dụng đất – theo Điều 64 Luật Đất đai 2013” và nêu rõ: Hết thời gian gia hạn nếu công ty không tiến hành triển khai dự án theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, thì sẽ tiến hành lập thủ tục thu hồi đất theo quy định pháp luật".

Ngày 16/1/2017, UBND huyện Xuyên Mộc cũng có văn bản số 248 đề xuất thu hồi dự án vì dự án chậm, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, Công ty mang hồ sơ đi thế chấp ngân hàng vay tiền để sử dụng mục đích khác.

 

Dự án treo hơn 20 năm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh

Trước các kiến nghị trên, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy về việc chủ đầu tư kiến nghị giãn tiến độ dự án.

Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát pháp lý dự án thì Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc- Châu Đức có Thông báo nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp số 1282 đối với diện tích hơn 11ha đất được giao cho Công ty Trung Sơn, với nghĩa vụ tài chính là 7,6 tỉ đồng.

Trong một diễn biến khác, 7 tháng sau khi UBND Huyện Xuyên mộc có đề xuất thu hồi dự án thì đến ngày 18/8/2017, Công ty Trung Sơn bất ngờ thực hiện thủ tục xóa thế chấp vay tiền tại ngân hàng, trong khi trước đó vào năm 2014 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

“Trong khi dự án bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn cầm cố vay ngân hàng. Như vậy, việc này chủ đầu tư có chăng đang trục lợi quyền sử dụng đất được giao trong suốt 12 năm để lấy vốn làm việc khác mà không đầu tư xây dựng dự án. Không những vậy, đến nay dự án cũng không hề triển khai, khu đất vẫn là bãi đất hoang hóa hơn 20 năm. Dư luận hiện nay đang đặt ra nhiều câu hỏi tại dự án này nhất là cơ sở nào để tính số tiền sử dụng đất 7,6 tỉ với diện tích hơn 11ha đất này, trong khi giá đất giao dịch tại khu vực này năm 2019 đã là 7-8 triệu đồng/m2. Có chăng việc tính tiền sử dụng đất như trên đang gây thất thoát ngân sách nhà nước? Hiện nay tôi được biết dự án đã được bán cho một doanh nghiệp ở TP.HCM, Công ty Trung Sơn thu lợi hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ đóng thuế cho nhà nước chỉ 7,6 tỉ đồng trong khi dự án chưa xây dựng bất kỳ hạng mục nào”, bà Hoà bức xúc.

Theo luật sư Trần Thu, đoàn luật sư TP.HCM, tại mục 5 Điều II Quyết định số 6561 ngày 15/7/2003 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai công tác đầu tư và xây dựng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch đã cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại cho tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê, đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt. Tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ: "Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng". Do đó, trong trường hợp cụ thể này, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cần thu hồi đất theo quy định pháp luật đối với Công ty Trung Sơn để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

QUANG MINH