Bác Hồ nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt

Thời gian qua, Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghĩ về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Người, chúng ta thấy trong Bác là hiện thân của một người Thẩm phán lỗi lạc, anh minh, liêm chính, công bằng; chính Người là “Thẩm phán” của các Thẩm phán, là Người Cha, Người Anh của biết bao thế hệ Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân, tiền thân là Tòa án quân sự.

Phụng công thủ pháp, chí công vô tư

Những lời dạy sâu sắc của Bác đối với chúng ta đã trở thành kim chỉ nam, thành lẽ sống, nguyên tắc làm việc và động lực phấn đấu của người cán bộ Tòa án như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, “Phụng công, Thủ pháp, Chí công, vô tư”, “Gần dân, Hiểu dân, Giúp dân, Học dân”, chính Người đã thực hành những tôn chỉ đó đầu tiên và toàn diện, sâu sắc nhất mà các thế hệ chúng ta cho đến nay có thể chưa có ai được như vậy.

Riêng với cán bộ Tư pháp, cán bộ Tòa án, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những tiêu chí cụ thể hơn, cho đúng với tư cách người làm công tác xét xử, công tác tư pháp. Đó là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư ”. Đây là ý trong thư gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 7 tại Việt Bắc năm 1948. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.

Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Với cách nói “tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” là phẩm chất bắt buộc, đòi hỏi đương nhiên phải có trong mỗi cán bộ tư pháp, mà không những thế còn phải nêu cao tấm gương thực hiện những tiêu chí đó cho nhân dân noi theo nữa. Điều đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết và đòi hỏi ở người cán bộ Tư pháp có phẩm chất cao đến thế nào.

Ðã là người cán bộ tòa án, thì phải “Phụng công”, là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ Tòa án phải “Thủ pháp” là lẽ đương nhiên và cần phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, cho “Chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật. “Chí công vô tư” là không nghĩ đến mình trước, phải đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của Đảng, lên trên hết, trước hếtkhông kèn cựa về mặt hưởng thụ, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, mình vì mọi người, công tâm trong sáng. Đối lập với“Chí công vô tư” là “di công vi tư”, đó là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, là một thứ vi trùng độc hại; là căn nguyên, gốc rễ đẻ ra hàng trăm thứ bệnh và thói hư tật xấu: Tham lam, kiêu ngạo, hiếu danh, óc địa phương hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, quan liêu, độc đoán, tham ô, tham nhũng…

Bác coi việc phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Ðảng dìu dắt. Song song với tinh thần kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Ðảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện truyền thống khoan dung, nhân đạo của dân tộc. Bác nhắc nhở cán bộ tư pháp về phương châm xử lý cán bộ vi phạm pháp luật: “Không được vì công mà quên lỗi; không được vì lỗi mà quên công”.

Một phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ Tòa án là “Gần dân, Hiểu dân, Giúp dân, Học dân”.

Tại Hội nghị cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Theo Bác, người cán bộ tòa án cũng là con người nên không thể tránh được những thiếu sót. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài phải liêm khiết, trong sạch thì người cán bộ tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.

Năm 1950, trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, lớp nghiên cứu chính trị, pháp lý cho gần 100 cán bộ tư pháp từ liên khu 5 trở ra đã được tổ chức tại một cánh rừng ở chiến khu Việt Bắc. Lớp học vinh dự được Bác Hồ đến thăm và căn dặn nhiều điều quý báu. Sau khi phân tích sự khác biệt giữa Tòa án của ta và của đế quốc, Bác nói: Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Với những quan điểm chỉ đạo của Bác đã mở đầu cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất ở nước ta trên cơ sở quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tăng cường cán bộ công – nông, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, rèn luyện “óc pháp lý mới”. Sau đó, Bộ Tư pháp đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh dự án Sắc lệnh Cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng với những mục đích rất rõ ràng là bộ máy tư pháp cần được “dân chủ hóa”, “để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng cần được hợp lý và giản dị hơn”. Với ý nghĩa đó, ngày 22-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta.

Trong công tác xử án, Tòa án phải tuyên truyền, giải thích

 Cuộc đời Chủ tịch hồ Chí Minh gắn bó khá nhiều với ngành Tòa án và công tác xét xử. Vài câu chuyện dưới đây có thể cho chúng ta thấy tình cảm, trách nhiệm của người đối với công tác tư pháp nói chung, công tác xét xử nói riêng.

… Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra một vụ trọng án. Ba chị em ở Phú Thọ rủ nhau lên Hà Giang buôn bán. Đó là một phụ nữ cùng hai em thiếu niên (tầm 14,15 tuổi). Ba chị em đi thuyền từ Thị xã Tuyên Quang ngược sông Lô lên Hà Giang. Trên đường đi, ba chị em gặp một người đàn ông và một người đàn bà làm nghề “chở thuyền thuê”, và đã cho họ cùng lên thuyền. Lợi dụng trời tối, đến quãng nước sâu, cặp “chở thuyền thuê”  người lái đò đã sát hại cả ba chị em, phi tang xác xuống sông. Sau đó, Công an phát hiện, điều tra và truy bắt hai tên này. Quá trình mở rộng điều tra cho thấy, hai tên này trước đó đã gây ra vụ giết người dã man khác… Năm 1951, anh C. nhà ở Thác Bà, thường xuyên đi buôn đường sông, người xuôi Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang. Một lần, đi cất hàng về, anh C. phát hiện vợ mình đang lả lướt với với một gã đàn ông lạ mặt ngay trên thuyền. Anh bấm bụng nín nhịn. Tối đó, vợ anh C. cùng gã đàn ông lạ kia làm cơm rượu đãi anh. Ngỡ tưởng vợ và gã kia hối hận, dừng quan hệ, nên anh C. vui vẻ chuyện trò. Khi đã ngà ngà men rượu, anh C. bị vợ cùng gã đàn ông lạ sát hại ngay trên thuyền. Nhằm trốn tội của cả hai vụ án, vợ anh C. cùng gã đàn ông nhân tình đùm theo tiền bạc, trốn chạy vào vùng tạm chiếm…

Thời điểm đó, Đoàn Luật sư (cũ) được thành lập theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945, nhưng đã tạm dừng hoạt động do hầu hết thành viên trong Đoàn đều tham gia công tác phục vụ kháng chiến. Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề nghị Hội Phụ nữ tỉnh cử người bào chữa cho nữ bị cáo (vợ anh C.). Tại phiên tòa xét xử, bị cáo nữ thú nhận đã “đè mái chèo lên người chồng để gã nhân tình ra tay sát hại anh C.”… Ở vụ án sát hại ba chị em, thị thú nhận: Thấy chị bị chết, hai em nhỏ túm lấy thị cầu cứu, khóc lóc van xin… nhưng thị đã tàn nhẫn, dã man gạt tay, đẩy hai em bé ra để gã nhân tình tiếp tục sát hại. Hành vi phạm tội man rợ của hai bị cáo khiến người dân dự phiên tòa hết sức căm phẫn. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tuyên phạt cả hai bị cáo mức án: Tử hình.

Chỉ vài ngày sau khi phiên tòa kết thúc, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhận được “Công văn Khẩn” từ Văn phòng Chủ tịch nước, yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án giết người này lên để có việc. Gay go rồi. Chánh án tỉnh cùng Hội đồng xét xử Tòa án tỉnh Tuyên Quang run bắn người, lo lắng mất ăn mất ngủ. Không biết có gì sai không đây?

Chừng mấy hôm sau, Văn phòng Chủ tịch nước gửi lại hồ sơ cùng Công văn cho Tòa án tỉnh. Sau này, một đồng chí ở Bộ Tư pháp và đồng chí cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đã tiết lộ cho các cán bộ Tòa án Tuyên Quang rằng: Hôm Tòa án tỉnh mở phiên tòa xét xử, đúng ngày Hồ Chủ tịch có việc đi công tác qua thị xã Tuyên Quang, Người đã quan sát, lắng nghe quần chúng nhân dân xì xào, bàn tán râm ran nhiều về vụ trọng án trên Sông Lô.

Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Tòa án tỉnh, Người đọc đi đọc lại từng trang, từng đoạn, rồi hỏi han rất kỹ, tỷ mỷ về những tình tiết, chứng cứ, lời khai của từng bị cáo trong vụ án, nhất là đối với bị cáo nữ. Trước khi gửi trả hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang, mặc dù trong Công văn gửi kèm đã chỉ đạo rõ về quan điểm, đường lối xử án, Hồ Chủ tịch vẫn không quên dặn các đồng chí ở Bộ Tư pháp, truyền đạt ý kiến tới Chánh án Tòa án Tuyên Quang rằng: Trong công tác xử án, Tòa án phải tuyên truyền, giải thích thật đầy đủ, toàn diện về nội dung vụ án, về áp dụng luật để tuyên án, nhằm để đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ về đường lối xét xử của Tòa án Cách mạng, hiểu rõ về việc xử án đúng đắn của vụ án đó. Chánh án và Hội đồng xét xử vụ án của TAND tỉnh Tuyên Quang nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm….

Là người đứng đầu một đất nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của Tòa án, từ việc to đến việc nhỏ, khiến toàn thể cán bộ, Thẩm phán các Tòa án đều khâm phục và cảm động. Người quan tâm đến việc xử án vì hai lẽ: Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phải được bảo đảm và việc xét xử của Tòa án phải công bằng, nghiêm minh.

Từ việc xét xử vụ án này, và với sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đến công tác xét xử cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao đã tổng kết, bổ sung thành nguyên tắc xét xử các vụ án hình sự, phổ biến, áp dụng trong các Tòa án cả nước: “Xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ”. Nhân dân đồng tình ủng hộ bởi vì họ đã hiểu, đã nhận thức rõ về việc xét xử của Tòa án

Hay là câu chuyện nổi tiếng về Bác Hồ gắn với vụ án tham nhũng đình đám một thời, vụ án Trần Dụ Châu.

Cách nay gần 70 năm, ngày 5/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi.

Có thể nói đây là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn trùng khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì việc đưa vụ án này ra xét xử công khai trước công đường không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp… tài sản Nhà nước, sống sa đọa đang nhởn nhơ ở ngoài xã hội.

Tại phiên toà, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu đã phải cúi đầu nhận tội. Cụ thể, Châu đã lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đô la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất – tử hình.

Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Sau vụ Trần Dụ Châu, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 – 17/11/1950, Bác Hồ trong bài phát biểu kết luận đã căn dặn: “Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”.

Sau này, nội dung đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu còn được Người nêu lên trong nhiều bài nói, bài viết tại các Hội nghị Trung ương, ở những buổi làm việc với lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương, cũng như ở nhiều bài viết quan trọng khác. Điều đó cho thấy đây là một nội dung xuyên suốt trong cuộc đời đấu tranh hoạt động của Bác Hồ, là vấn đề được Người thường xuyên quan tâm để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Không khoan nhượng với “Giặc tham”

Nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng đối với sự ổn định chính trị – xã hội và phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác; đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương. Song, nghiêm túc đánh giá thì hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và lòng mong muốn của các tầng lớp nhân dân như Đại hội X và XI của Đảng đã nhận định.

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI vừa bế mạc ngày 15/5/2012, Ban Chấp hành TƯ cũng thống nhất nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Điều đáng làm cho chúng ta phải lo lắng, suy nghĩ là tham nhũng len lỏi ở khắp mọi nơi; không chỉ ở cán bộ, đảng viên cấp thấp, mà nó đã “bập” cả vào một số cán bộ cấp cao, vào những ngành, nghề mà xưa nay nhân dân ta rất kính trọng như giáo dục, y tế.

Đấu tranh chống tham nhũng thực chất là đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực từ trong nội bộ. Người vi phạm phần lớn là người có chức, có quyền. Vì vậy, cuộc đấu tranh này rất gay go, phức tạp. Muốn có kết quả, phải đấu tranh kiên trì và triệt để, phải phát động cho được đông đảo đảng viên và nhân dân tham gia, thực hiện phương châm mà Hồ Chủ tịch thường nhắc nhở: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nóng bỏng như hiện nay, được ví như cái lò đang nung đỏ rực lửa, củi dù tươi mấy bỏ vào cũng sẽ cháy thành tro. Đảng và Nhà nước ta đang bằng mọi cách, mọi giá phải chống cho bằng được “Giặc tham”, không để chúng ăn sâu, khoét cạn đất nước. Những năm qua, ngành Tòa án nhân dân đã tăng cường công tác xét xử án hình sự, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế, thu hồi cho Nhà nước các khoản tiền và tài sản rất lớn thất thoát; qua đó củng cố thêm lòng tin của nhân dân; góp phần ổn định, phát triển đất nước.

Những năm qua, các Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”…; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Trần Phương Bình phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ Mobifone mua AVG, vụ Nhật Cường Mobile, vụ VN Farma, vụ Sagri, vụ Vinasin, vụ Bảo hiểm xã hội, vụ Oceanbank… Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Năm 2020, tập trung xét xử một số vụ đại án lớn về chức vụ, tham nhũng, kinh tế lớn.

Thời điểm hiện nay và thời gian tới, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh triệt để, không khoan nhượng với “Giặc tham”. Các cơ quan tư pháp nói chung, ngành Tòa án nói riêng phải phát huy cao độ hơn nữa năng lực, trách nhiệm  trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án chức vụ, tham nhũng, kinh tế; chung tay đùi lùi tệ nạn tham nhũng. Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta cần nghiêm túc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phải thực hiện cho bằng được lời Bác dạy: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, “Phụng công, Thủ pháp, Chí công, Vô tư” và “Gần dân, Hiểu dân, Giúp dân, Học dân”./.

 

 

 

Th.s NGUYỄN ANH CHUNG ( Tòa án quân sự Quân khu 5)