Bên vận chuyển không phát Lệnh giao hàng, trách nhiệm đối với thiệt hại của Hợp đồng vận chuyển thuộc về ai?

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vận chuyển như sau: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.

1.Về Hợp đồng vận chuyển

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc ký kết hợp đồng vận chuyển tài sản ngày càng trở nên phổ biến.

Từ Bộ luật Dân sự năm 1995[1] đã đề cập đến khái niệm hợp đồng vận chuyển, sau đó là Bộ luật Dân sự năm 2005[2]. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vận chuyển như sau[3]: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.

Như vậy, hợp đồng vận chuyển tài sản mang đặc trưng của những hợp đồng dân sự (đây là hợp đồng song vụ), đó là việc tự nguyện, tự do và bình đẳng của các bên trong khi xác lập một giao dịch dân sự. Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận hợp đồng vận chuyển tài sản có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể[4]. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 636 còn quy định một loại chứng từ có thể đảm bảo được điều đó, đó chính là “vận đơn” hoặc “chứng từ vận chuyển”, cụ thể như sau:“Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”. Tại Khoản 2 Điều 148 Bộ luật Hàng hải năm 2015 về Chứng từ vận chuyển quy định: “Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển”. Đồng thời, khoản 1 Điều 129 Luật Hàng không dân dụng năm 2006 về Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa quy định: “Vận đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng”.

Như vậy, Vận đơn là một thuật ngữ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung đều xác định vận đơn là chứng từ vận chuyển. Do vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định:“Chứng từ vận chuyển là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”.

2.Vụ án cụ thể

Ngày 01/4/2008, Công ty H và Công ty A (trụ sở ở Hoa Kỳ) ký Hợp đồng mua bán số 06 để nhập khẩu xe ô tô (giá 16.400UDS/xe), điều kiện giao hàng CNF Hải Phòng. Ngày 03/4/2008, Công ty H đã chuyển 70.000 USD cho Công ty A; ngày 21/5/2008, Công ty A đã xuất hóa đơn và bản kê chi tiết với nội dung: Bán cho Công ty H 4 xe ô tô với giá 17.500 USD/xe, tổng cộng 70.000 USD.

Theo Vận đơn số 08 ngày 21/5/2008 thì Công ty A đã thuê Công ty P vận chuyển 04 xe trên từ cảng New York – Hoa Kỳ đến cảng Hải Phòng – Việt Nam và Công ty T là đại lý giao trả hàng. Theo Hợp đồng đại lý ngày 08/4/2003 ký giữa Công ty P và Công ty T thì Công ty P chỉ định Công ty T bán hàng, điều hành, giao hàng và là đại lý chuyển tiếp hàng hóa nội địa và/hoặc vận tải đường biển tới Việt Nam và ngược lại.

Tháng 6/2008, Công ty H nhận được Giấy báo tàu đến và 03 Vận đơn gốc số 08 (qua đường bưu điện) do Công ty P phát hành. Công ty H đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty T phát Lệnh giao hàng nhưng không được chấp nhận. Ngược lại, Công ty T yêu cầu Công ty H thanh toán cước vận tải biển và phí lưu công-te-nơ. Tuy nhiên, Công ty H xác định giá mua hàng đã bao gồm phí vận chuyển nên Công ty H không đồng ý trả khoản tiền này; Công ty H đã liên hệ nhưng không tìm kiếm được bên gửi hàng. Ngày 28/5/2009, Công ty T xác nhận việc giữ lô hàng do có yêu cầu của người gửi hàng. 

Việc Công ty T không phát Lệnh trả hàng dẫn đến lô hàng bị tồn kho làm phát sinh chi phí lưu kho, Công ty H không thể thu hồi vốn để trả nợ Ngân hàng. Do đó, Công ty H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty T phải giao 04 xe ô tô, chịu chi phí lưu kho, bãi và công-te-nơ khi trả hàng; bồi thường thiệt hại phát sinh do lỗi giữ hàng. Tại phiên tòa sơ thẩm công ty H đồng ý trả cho Công ty T cước phí theo nội dung ghi trong vận đơn.

Bị đơn là Công ty T xác định theo Vận đơn số 08 thì lô hàng chưa được thanh toán cước vận chuyển. Công ty T đã gửi fax thông báo tàu đến cho Công ty H và yêu cầu Công ty H mang đầy đủ chứng từ theo quy định đến để lấy Lệnh giao hàng nhưng Công ty H không liên hệ. Do Công ty H không thực hiện nên Công ty T không thể phát Lệnh giao hàng theo yêu cầu. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn chịu mọi chi phí phát sinh là không có cơ sở.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 905/2015/KDTM-ST ngày 08/9/2015, Tòa án nhân dân thành phố H quyết định:

(i) Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Buộc Công ty T có trách nhiệm phát lệnh giao trả lô hàng đủ và đúng như ghi trong Vận đơn số 08 cho Công ty H.

- Công ty H có trách nhiệm thanh toán toàn bộ cước phí vận tải ghi trên Vận đơn số 08, các chi phí khác của đại lý theo quy định khi nhận hàng.

- Công ty T phải chịu toàn bộ chi phí lưu kho, bãi và công-te-nơ khi giao trả lô hàng theo Vận đơn số 08.

(ii) Không chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty H đòi Công ty T thanh toán bồi thường thiệt hại tiền lãi.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 34/2017/KDTM-PT ngày 31/8/2017, Tòa án nhân dân cấp cao H quyết định: Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

3.Một số vấn đề bàn luận đối với vụ án

- Đối với việc xác định Công ty H có trách nhiệm thanh toán toàn bộ cước phí vận tải theo Vận đơn số 08 ngày 21/5/2008

Ngày 03/7/2008, Công ty T đã gửi Giấy báo tàu đến cho Công ty H với nội dung tàu dự kiến đến cảng ngày 03/7/2008. Sau khi có Giấy báo nêu trên, Công ty T nhiều lần gửi email yêu cầu Công ty H mang đủ chứng từ theo quy định để lấy Lệnh giao hàng nhưng do Công ty H không xuất trình vận đơn gốc, không thanh toán cước phí vận tải theo điều kiện của vận đơn và yêu cầu của Công ty P nên Công ty T không phát Lệnh giao hàng cho Công ty H.

Ngày 28/5/2009, Công ty T có văn bản gửi Công ty H với nội dung: Công ty H chưa thanh toán toàn bộ các chi phí cho người gửi hàng; người gửi hàng đã gửi Công văn chính thức yêu cầu Công ty P tại Mỹ giữ lô hàng nói trên cho đến khi người nhận hàng thực hiện xong việc thanh toán. Đề nghị  Công ty H nhanh chóng giải quyết vấn đề thanh toán với Người gửi hàng và tiến hành thủ tục nhận Lệnh giao hàng trong thời quan sớm nhất có thể để giảm thiểu các chi phí lưu công-te-nơ, lưu bãi cũng như các khoản chi phí khác có thể phát sinh... Khi đến nhận Lệnh giao hàng Công ty H phải xuất trình Giới giới thiệu, Vận đơn đường biển bản gốc và thanh toán cho Công ty T các khoản chi phí, phí lưu công-te-nơ, lưu bãi... theo quy định của hãng tàu.

Ngày 01/7/2009, Công ty H có phản hồi cho rằng nếu Công ty P (hoặc Công ty A) có văn bản chính thức (có ký tên và đóng dấu) yêu cầu giữ lại lô hàng cho Công ty H thanh toán với Công ty A thì đề nghị gửi bản sao hợp lệ của văn bản đó. Trái lại, đề nghị gửi qua bưu điện hoặc fax Lệnh giao hàng để có căn cứ thực hiện. Phí lưu công-te-nơ, lưu bãi Công ty H có trách nhiệm tính toán cụ thể sau.

Tại văn bản ngày 21/7/2009, Công ty T đề nghị Công ty H trực tiếp đến nhận Lệnh giao hàng, không chuyển qua đường bưu điện khi chưa nhận được vận đơn gốc và các khoản thanh toán cước vận tải.

Quá trình giải quyết vụ án, Công ty H cho rằng số tiền 70.000 USD đã trả cho Công ty A là đã bao gồm cả phí vận chuyển, nên không đồng ý trả cước phí vận chuyển và không đến làm thủ tục nhận Lệnh giao hàng. Tuy nhiên, mục 25 của Vận đơn số 08 thể hiện cước phí thu ở người nhận hàng. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty H đồng ý trả tiền cước vận chuyển. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định Công ty H có trách nhiệm thanh toán toàn bộ cước phí vận tải theo Vận đơn số 08 ngày 21/5/2008 và các chi phí khác theo quy định khi nhận hàng là có cơ sở.

- Đối với trách nhiệm chịu toàn bộ chi phí lưu kho, bãi và công-te-nơ

Tác giả cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định Công ty T có lỗi trong việc không giao hàng nên phải chịu toàn bộ chi phí lưu kho, bãi và công-te-nơ là chưa hợp lý.

Theo Hợp đồng đại lý ngày 08/4/2003 ký giữa Công ty P và Công ty T thì Công ty P chỉ định Công ty T bán hàng, điều hành, giao hàng và là đại lý chuyển tiếp hàng hóa nội địa và/hoặc vận tải đường biển tới Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, sau khi tàu cập cảng ngày 03/7/2008, Công ty T đã giữ hàng, không phát Lệnh giao hàng với lý do Công ty H không trả tiền cước phí, phụ phí theo Vận đơn số 08, trong khi Công ty H có đầy đủ vận đơn gốc là không đúng. Công ty H không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cước vận chuyển hàng hóa theo vận đơn để Công ty T làm thủ tục phát lệnh giao hàng. Do vậy, trường hợp này, cả Công ty T và Công ty H đều có lỗi trong việc chậm giao nhận hàng và cùng phải chịu trách nhiệm đối với khoản chi phí lưu kho, bãi và công te-nơ.

Bên cạnh đó, Vận đơn số 08 ngày 21/5/2008 chỉ thể hiện cước phí thu ở người nhận hàng, không xác định rõ số tiền cước phí, phụ phí là bao nhiêu. Do đó, các bên phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh về số tiền cước phí, phụ phí vận tải theo Vận đơn số 08, số tiền chi phí lưu kho, bãi và công-te-nơ mới có cơ sở để giải quyết triệt để vụ án.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

Hoạt động tại cảng Cát Lái. Ảnh: Phan Hoàng

 

[1] Điều 538 BLDS năm 1995

[2] Điều 535 BLDS năm 2005

[3] Điều 530 BLDS năm 2015

[4] Điều 536 BLDS năm 2015

Luật gia CHU MINH ĐỨC