Một số vấn đề về hình thức của Án lệ trong luật so sánh

Bài viết tập trung vào việc tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức, cấu trúc của án lệ đồng thời so sánh với cấu trúc của án lệ tại Pháp nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa các quy định có liên quan đến hình thức, cấu trúc của án lệ nói riêng và các quy định liên quan đến án lệ nói chung tại nước ta.

Nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc công nhận án lệ tại Việt Nam đã lần lượt được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trên cơ sở đó Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ tại Việt Nam và gần đây nhất được thay thế bằng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019). Nghị quyết này quy định cụ thể về khái niệm án lệ, giá trị của án lệ, các tiêu chí được lựa chọn làm án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, quy trình thủ tục ban hành án lệ, cách thức hủy bỏ, thay thế án lệ. Có thể nói những quy định hiện nay đã dần tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh làm cơ sở cho việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ những văn bản pháp lý nêu trên có thể thấy chưa có quy định cụ thể nào đề cập đến hình thức, cấu trúc của án lệ. Kết quả là hình thức, cấu trúc của những án lệ đã được công bố trong thời gian qua hoàn toàn thiếu sự thống nhất. Điều này đã khiến cho việc nghiên cứu, áp dụng án lệ gặp ít nhiều khó khăn và từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc áp dụng án lệ.

1.Hình thức của án lệ tại Pháp

Theo quy định tại Điều 455 BLTTDS Pháp thì bản án cần trình bày một cách tóm tắt yêu cầu của từng bên đương sự, các căn cứ mà các bên nêu ra để bảo vệ yêu cầu của họ và phải nêu rõ căn cứ của Hội đồng xét xử. Một bản án của Tòa án nhất thiết phải có hai phần và cấu trúc này được áp dụng chung cho tất cả các phán quyết của Tòa án. Việc viết bản án bắt buộc phải tuân thủ quy định về mặt hình thức. Theo truyền thống, từ “xét thấy” (attendu que) được sử dụng ở phần đầu quyết định và về nguyên tắc được lặp lại trong mỗi đoạn văn. Đôi khi, phần đầu quyết định còn được diễn đạt một cách ngắn gọn như là “nhận thấy” (vu que) hoặc“căn cứ” (considérant que). Còn phần thứ hai là phần quyết định và phần này thường được bắt đầu bằng cụm từ “từ những căn cứ trên…” (par ces motif). Nhìn chung, một phán quyết của Tòa án thường có cấu trúc như sau:

- Phần thứ nhất là “căn cứ của quyết định” (Motifs de la décision). Thông thường, phần này được bắt đầu bằng từ “xét thấy” (attendu que) để nêu căn cứ cho quyết định của Thẩm phán. Theo quy định, Thẩm phán bắt buộc phải đưa ra lý do cho phán quyết của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự cũng như chống lại sự tùy tiện của Thẩm phán trong xét xử.

- Phần thứ hai là phần “Quyết định”. Phần này được bắt đầu bằng cụm từ “từ những căn cứ trên…” (par ces motifs). Đây là phần cuối cùng trong cơ cấu của một bản án, chứa đựng giải pháp giải quyết tranh chấp[1].

Tuy nhiên, tại Pháp cũng tương tự như Việt Nam, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Thủ tục giám đốc thẩm (thuộc thẩm quyền của Tòa phá án) không phải là cấp xét xử thứ ba. Nhiệm vụ của Tòa phá án là đảm bảo các phán quyết của Tòa án cấp dưới đúng pháp luật. Nói cách khác, Tòa phá án được xem như người canh gác nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Tòa phá án thực hiện nhiệm vụ này theo ba phương thức là: giải quyết kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm khi một trong các bên đương sự cho rằng bản án của Tòa phúc thẩm là trái luật; thủ tục thỉnh thị ý kiến của Tòa phá án được thực hiện bởi các Tòa án cấp dưới trước một vấn đề pháp lý mới phát sinh trong vụ việc cụ thể đang được giải quyết; thủ tục kháng nghị vì lợi ích của luật do các Công tố viên thực hiện tại Tòa phá án mà không phải là các bên trong vụ kiện trong trường hợp bản án được xem là trái luật. Thông qua việc thực hiện ba phương thức trên, Tòa phá án đảm bảo việc các Thẩm phán của Tòa án cấp dưới áp dụng đúng các quy định pháp luật, từ đó thúc đẩy sự xuất hiện của một án lệ thống nhất.

Tại Pháp chỉ có những bản án của Tòa phá án và Hội đồng nhà nước mới có thể trở thành án lệ. Do vậy, việc nghiên cứu hình thức của án lệ trong lĩnh vực dân sự cũng chính là nghiên cứu hình thức của các bản án của Tòa phá án. Kể từ khi thành lập Tòa phá án vào năm 1790, các cố vấn của Tòa đã cải tiến dần dần kỹ thuật soạn thảo bản án của Tòa phá án. Theo đó, đặc trưng của các bản án của Tòa phá án là ngắn gọn, chính xác về mặt thuật ngữ, chặt chẽ và hợp lý. Nhìn chung, không có nhiều sự thay đổi trong cách trình bày một bản án của Tòa phá án. Về mặt ngữ pháp, bản án của Tòa phá án được viết bằng một câu duy nhất khiến cho việc đọc hiểu nó là một điều không dễ dàng. Thông thường, bản án của Tòa phá án được viết theo cấu trúc tam đoạn luận, cụ thể như sau:

- Phần thứ nhất là trình bày về cơ sở pháp lý. Bản án của Tòa phá án được bắt đầu bằng việc xác định quy phạm pháp luật mà dựa vào đó làm xuất hiện việc kháng cáo. Hay nói cách khác, bản án được bắt đầu bằng việc nêu lên những quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho Tòa phá án đưa ra bản án và phần này được gọi là phần “căn cứ” (le visa)[2]. Phần này luôn được bắt đầu bằng cụm từ “Căn cứ vào…”(Vu…). Sau khi xác định cơ sở pháp lý làm căn cứ cho quyết định của mình, Tòa phá án sẽ tuyên bố nguyên tắc chung được áp dụng và phần này được gọi là “mũ của bản án” (le chapeau).

- Phần thứ hai là nhắc lại phán quyết bị kháng cáo, thủ tục và những lập luận của Tòa án cấp dưới. Cụ thể, tiếp theo sau phần “mũ của bản án” (le chapeau), bản án của Tòa phá án đề cập đến việc kháng cáo đối với quyết định bị tranh chấp, thủ tục, lý do cho việc đưa ra phán quyết của Tòa án cấp dưới.

- Phần thứ ba là kết luận. Bản án của Tòa phá án được kết thúc bằng từ “kết luận”(Conclusion/ Motifs). Trong phần này, Tòa phá án giải thích cho quyết định của mình. Sau khi trình bày xong tất cả những lập luận giải thích cho quyết định của mình, Tòa phá án sẽ đưa ra quyết định. Cụ thể, Tòa phá án sẽ tuyên bố hoặc chấp nhận kháng cáo, hủy một phần hoặc toàn bộ phán quyết của Tòa án cấp dưới; hay bác kháng cáo, giữ nguyên phán quyết bị kháng cáo[3].

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải tất cả các bản án của Tòa phá án đều được trình bày hoàn toàn giống với cấu trúc nêu trên. Tùy thuộc vào việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo mà bản án của Tòa phá án được phân chia thành bản án hủy toàn bộ phán quyết của Tòa án cấp dưới (l’arrêt de cassation); bản án bác kháng cáo (l’arrêt de rejet); bản án hủy một phần phán quyết của Tòa án cấp dưới (l’arrêt de cassation partielle). Điều này dẫn đến cấu trúc bản án của Tòa phá án trong từng trường hợp ít nhiều có sự khác nhau[4]. Cụ thể như sau:

- Đầu tiên là bản án hủy toàn bộ phán quyết của Tòa án cấp dưới (l’arrêt de cassation). Bản án này có nghĩa là Tòa phá án không đồng ý với việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới. Hay nói cách khác là Tòa phá án đồng ý với bên kháng cáo. Trong trường hợp này, cấu trúc của bản án sẽ được trình bày xoay quanh hai luận điểm đối lập nhau theo trình tự luận điểm của Tòa án cấp dưới rồi đến luận điểm của Tòa phá án[5].

- Kế đến là bản án bác kháng cáo (l’arrêt de rejet). Đây là trường hợp Tòa phá án không đồng ý với bên kháng cáo. Điều này có nghĩa là Tòa phá án đồng ý với việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới. Do đó, cấu trúc bản án này có chút thay đổi so với bản án hủy toàn bộ phán quyết của Tòa án cấp dưới đã trình bày ở trên. Cụ thể, trong bản án bác kháng cáo thì không có phần nêu cơ sở pháp lý. Điều này trái với bản án hủy toàn bộ phán quyết của Tòa án cấp dưới, bởi vì trong bản án hủy toàn bộ phán quyết của Tòa án cấp dưới thì luôn tìm được ít nhất một cơ sở pháp lý để làm căn cứ cho việc Tòa phá án không đồng ý với phán quyết bị kháng cáo. Nhìn chung, cấu trúc của bản án này sẽ được trình bày xoay quanh hai luận điểm đối lập nhau theo trình tự luận điểm của bên kháng cáo rồi đến luận điểm của Tòa phá án. Như vậy, có thể thấy rằng, luận điểm thứ hai luôn là của Tòa phá án, còn luận điểm đầu tiên thay đổi tùy theo phán quyết của Tòa phá án là đồng ý hay không đồng ý với việc kháng cáo. Trong phần nội dung bản án, đầu tiên, Tòa phá án lần lượt nhắc lại những sự việc là nguồn gốc của tranh chấp đã được đánh giá bởi Tòa án cấp dưới cũng như trình bày về thủ tục và giải pháp do Tòa án cấp dưới đưa ra. Kế đến, Tòa phá án sẽ nhắc lại những lập luận mà bên kháng cáo đưa ra để chống lại phán quyết của Tòa án cấp dưới. Cuối cùng, Tòa phá án từ chối kháng cáo bằng cách xác nhận các lập luận của Tòa án cấp dưới[6].

- Cuối cùng là bản án hủy một phần phán quyết của Tòa án cấp dưới (l’arrêt de cassation partielle). Trong trường hợp này, Tòa phá án đồng ý với bên kháng cáo đối với một số điểm nhưng cũng đồng ý với Tòa án cấp dưới đối với một số điểm khác còn lại. Có thể thấy, bản án này là sự kết hợp của hai loại bản án nêu ở trên. Do vậy, cấu trúc của bản án này cũng phức tạp hơn so với hai loại bản án trước. Theo đó, về hình thức bản án này sẽ trình bày theo cấu trúc của kháng cáo. Tuy nhiên, đối với từng luận cứ, các luận điểm đối lập sẽ được trình bày lần lượt khi thì giữa Tòa án cấp dưới với Tòa phá án, khi thì giữa bên kháng cáo với Tòa phá án[7].

Tóm lại, nhìn chung các bản án của Tòa phá án được soạn thảo theo cấu trúc được trình bày ở trên. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất của từng loại phán quyết mà cấu trúc của bản án trong nhiều trường hợp ít nhiều có sự khác nhau. Mặc dù vậy, có thể nói, cấu trúc được trình bày ở trên đã bao gồm những bộ phận cơ bản cấu thành bản án của Tòa phá án. Việc khiếm khuyết một bộ phận hay phát triển một bộ phận nào đó tùy thuộc vào tính chất của từng loại phán quyết của Tòa phá án.[8]

2.Hình thức án lệ tại Việt Nam

Mặc dù đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để ghi nhận việc thừa nhận và cho áp dụng án lệ chính thức tại Việt Nam, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định cụ thể về hình thức của án lệ. Cụ thể, trước đây theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì án lệ được công bố chỉ cần có đủ những nội dung sau: Tên của vụ việc được Tòa án giải quyết; Số bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng án lệ; Từ khóa về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ; Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; Vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ. Nói cách khác, theo quy định của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì để được công bố án lệ chỉ cần hội đủ những nội dung nêu trên còn việc những nội dung đó được trình bày theo trật tự như thế nào thì vẫn chưa được quy định cụ thể. Do vậy, về mặt hình thức, cấu trúc của các án lệ khi được công bố có thể sẽ không thống nhất với nhau, bởi vì chưa có quy định bắt buộc về cấu trúc của án lệ. Điều này đã được phản ánh qua những án lệ đã được thông qua và công bố trong thời gian gần đây. Cụ thể, một số án lệ được cấu thành bởi các bộ phận sau: Án lệ số; nguồn án lệ; khái quát nội dung của án lệ; quy định của pháp luật liên quan đến án lệ; từ khóa của án lệ; nội dung vụ án; Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận định; quyết định; nội dung án lệ. Trong khi đó, một số khác lại được cấu tạo bởi các bộ phận sau: Án lệ số; nguồn án lệ; nị trí nội dung án lệ; khái quát nội dung án lệ bao gồm hai phần: phần tình huống án lệ và phần giải pháp pháp lý; quy định của pháp luật liên quan đến án lệ; từ khóa của án lệ; nội dung vụ án; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định; quyết định; nội dung án lệ.

Có thể thấy sau một thời gian thi hành, bên cạnh những ưu điểm thì Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã bộc lộ nhiều vướng mắc trong đó có vấn đề về hình thức của án lệ từ đó làm giảm đáng kể hiệu quả của việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ tại Việt Nam. Chính vì vậy, vào ngày 18/6/2019 Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP để thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP quy định về quy trình lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019. Tuy nhiên, theo văn bản này thì vấn đề về hình thức của án lệ vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ. Theo đó, mặc dù những nội dung công bố có một số thay đổi so với quy định trước đây trong Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP nhưng nhìn chung vẫn theo mô típ cũ. Cụ thể, Điều 7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định Chánh án TANDTC ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua trong đó nội dung gồm có: số, tên án lệ; số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ; tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ; quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ và nội dung của án lệ... Đây là điểm khác nhau đầu tiên liên quan đến vấn đề hình thức của án lệ tại Việt Nam và Pháp. Bởi vì, Pháp rất coi trọng hình thức của bản án nói chung và bản án của Tòa phá án nói riêng. Mặc dù, trên thực tế có nhiều biến thể về cấu trúc trình bày bản án của Tòa phá án nhưng nhìn chung nó vẫn tương tự với cấu trúc cơ bản nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lý của bản án.

Kế đến, so với các bản án của TANDTC, các án lệ tại Việt Nam có sự khác biệt về hình thức kết cấu. Bởi vì, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và  Điều 1 Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP không chỉ có bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao mà tất cả bản án, quyết định của các Tòa án cấp dưới đều có thể trở thành án lệ. Những bản án, quyết định được lựa chọn trở thành án lệ sẽ được biên tập lại trước khi thực hiện việc công bố. Do vậy mà cấu trúc của án lệ không tương đồng với cấu trúc của bản án nói chung và bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao nói riêng. Đây là điểm khác biệt với hình thức án lệ của Pháp. Bởi vì, ở Pháp, chỉ những bản án của các Tòa án đứng đầu trong hệ thống Tòa án mới có thể trở thành án lệ. Chính vì thế mà hình thức, cấu trúc bản án của Tòa phá án cũng đồng thời là hình thức, cấu trúc của án lệ trong lĩnh vực dân sự.

Cuối cùng, có thể thấy, những án lệ đã được công bố tại Việt Nam không phải là những bản án gốc. Các án lệ khi được công bố đã được biên tập lại, do đó, đơn giản hơn về hình thức so với các bản án thông thường và nội dung cũng được tóm tắt hơn. Nội dung được trình bày trong các bản án lệ được biên tập, cắt gọt bởi cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn và thông qua là Hội đồng Thẩm phán TANDTC[9]. Có thể thấy, đây là sự khác nhau tiếp theo về hình thức của án lệ giữa Pháp và Việt Nam. Án lệ tại Pháp là những bản án gốc của các Tòa án đứng đầu trong hệ thống Tòa án trong đó có Tòa phá án. Nhìn chung, Tòa phá án không xét xử lại vụ tranh chấp về mặt nội dung, mà chỉ xem xét việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới có chính xác hay không. Do vậy, để đưa ra bản án về việc có đồng ý hay không với phán quyết của Tòa án cấp dưới, với lập luận của bên kháng cáo, Tòa phá án thường phải đưa ra những luận điểm của mình. Việc thể hiện quan điểm của Tòa phá án được trình bày theo mô típ là nhắc lại nội dung vụ việc, những luận điểm của Tòa án cấp dưới hoặc lập luận của bên kháng cáo (tùy thuộc vào loại bản án như đã trình bày ở trên) và sau đó, tuyên bố luận điểm của mình. Chính vì vậy, khi xem các án lệ của Pháp, người đọc có thể cảm thấy khó hiểu hoặc thậm chí có thể hiểu không chính xác nội dung của nó, bởi vì nó thường dẫn chiếu đến các phán quyết của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo. Trong khi đó, tại Việt Nam, như đã đề cập ở trên, các án lệ được công bố không phải là những bản án gốc mà đã được biên tập lại. Việc này giúp cho người đọc có thể hiểu được nội dung của án lệ một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, nếu việc biên tập lại không được thực hiện tốt thì có thể dẫn đến việc bỏ sót một số nội dung quan trọng trong bản án gốc dẫn đến nội dung của án lệ có thể bị hiểu sai khiến cho việc áp dụng không thống nhất.[10]

3.Kết luận

Tóm lại, hình thức án lệ là một vấn đề quan trọng cần phải được quy định để đảm bảo tính thống nhất, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc áp dụng án lệ trên thực tiễn. Có thể thấy, tại Pháp, hình thức cấu trúc của án lệ rất chặt chẽ và thống nhất. Trong khi đó, tại Việt Nam, do chưa có quy định về vấn đề này, nên những án lệ đã được công bố chưa có sự thống nhất về mặt cấu trúc. Việc bỏ ngỏ quy định về cấu trúc của án lệ sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho hiệu quả của việc áp dụng án lệ bị hạn chế. Bởi lẽ, khi trở thành án lệ, thì ngoài việc đảm bảo tính thuyết phục về mặt nội dung, hình thức của nó cũng không kém phần quan trọng. Án lệ có hình thức thống nhất, cấu trúc chặt chẽ, rõ ràng sẽ giúp cho người đọc hiểu chính xác nội dung của nó. Do vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xem xét việc ban hành quy định cụ thể về hình thức, cấu trúc của án lệ cũng như mẫu án lệ tương tự như việc ban hành mẫu các bản án nói chung. Thực hiện được điều này không những giúp cho những án lệ được công bố về sau có hình thức thống nhất, cấu trúc chặt chẽ mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng của án lệ./.

 

Một phiên họp của Hội đồng thẩm phán TANDTC - Ảnh: TL

 

[1] Xem thêm: Analyse et commentaire d’une décision de justice (Tạm dịch là: Phân tích và bình luận bản án), www.letudiant.fr/boite-a-docs/telecharger/methodes-d-exercices-juridiques-donnees-de-base-1795+&cd=11&hl=fr&ct=clnk&gl=vn, truy cập ngày 29/4/2018.

[2] Từ “Le visa” được dùng để chỉ “phần các căn cứ” khi bắt đầu một văn bản luật hoặc một bản án mà trong đó nhà lập pháp hoặc Thẩm phán nêu lên những căn cứ pháp lý của văn bản luật đó hoặc của bản án đó. Ví dụ: « Vu l’article 1147 du Code civil… » (căn cứ vào Điều 1147 Bộ luật Dân sự).

[3] Xem thêm: Comprendre un arrêt de la Cour de cassation rendu en matière civile par Jean-François Weber, président de chambre à la Cour de cassation (Tạm dịch là: Tìm hiểu về phán quyết của Tòa phá án trong lĩnh vực dân sự bởi Jean-François Weber, Chánh Tòa dân sự của Tòa phá án),

https://www.courdecassation.fr/publications_cour_26/bulletin_information_cour_cassation_27/bulletins_information_2009_2866/no_702_3151/communication_3153/, truy cập ngày 24/4/2018.

[4] Xem thêm: Comment analyser un arrêt de la Cour de cassation (Tạm dịch là: Cách phân tích bản án của Tòa phá án), http://ecrirelaregledujeu.fr/analyser-arret-cour-cassation/, truy cập ngày 24/4/2018.

[5] Xem thêm: Comment analyser un arrêt de la Cour de cassation (Tạm dịch là: Cách phân tích bản án của Tòa phá án), http://ecrirelaregledujeu.fr/analyser-arret-cour-cassation/, truy cập ngày 24/4/2018.

[6] Xem thêm: Structure des arrêts de rejet de la Cour de cassation (Tạm dịch là: Cấu trúc của bản án bác kháng cáo của Tòa phá án), http://reussir-son-droit.fr/structure-arret-rejet-cour-cassation/, truy cập ngày 24/4/2018.

[7] Xem thêm: Comment analyser un arrêt de la Cour de cassation (Tạm dịch là: Cách phân tích bản án của Tòa phá án), http://ecrirelaregledujeu.fr/analyser-arret-cour-cassation/, truy cập ngày 24/4/2018.

[8] Xem thêm: Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên), Sách chuyên khảo Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, NXB. ĐHQG TP.HCM, 2018, trang 73-76.

[9] Xem thêm: Phạm Vĩnh Hà (2017), Nhận thức và áp dụng án lệ - Nhìn từ phán quyết Bosman và gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5 (349), tr.9.

[10] Xem thêm: Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên), Sách chuyên khảo Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, NXB. ĐHQG TP.HCM, 2018, trang 77-79.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật ĐHQG TP Hồ Chí Minh)