Áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự, từ thực tiễn của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai
Bài viết này, các tác giả đề cập đến một số vấn đề về cơ sở lý luận trong việc áp dụng án lệ giải quyết các vụ án dân sự của TAND; đánh giá khái quát thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ án dân sự tại TAND tỉnh Đồng Nai trong những năm vừa qua từ đó phân tích một số giải pháp cơ bản nhằm bảo đảm hiệu quả áp dụng án lệ trong xét xử của TAND ở Việt Nam trong thời gian tới đây.
1.Nhận thức chung về án lệ với tư cách là một nguồn luật điều chỉnh
Thuật ngữ án lệ trong tiếng Anh là “Precident” có nghĩa là tiền lệ tức là dựa vào cái có trước để làm theo thành lệ. Án lệ là một loại tiền lệ bởi án lệ là các giải pháp pháp lý trong bản án của tòa án trước tạo ra được áp dụng để giải quyết cho các vụ việc tương tự về sau [10, p.88-89]. Khái niệm “Án lệ” được sử dụng phổ biến trên thế giới nhưng ở các quốc gia có truyền thống pháp luật khác nhau thì khái niệm này có cách hiểu khác nhau.
Ở các nước theo hệ thống pháp luật Common Law, án lệ được xem là nguồn luật chính thức, được thể hiện bằng cụm từ “Case law” nghĩa là “luật được hình thành theo vụ việc”. Theo từ điển Black’s Law thì khái niệm án lệ “Precedent” được hiểu với hai nghĩa. Một là: Án lệ là việc làm luật của tòa án trong việc công nhận và áp dụng các quy tắc mới nhằm thực thi công lý. Hai là: Vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này. Án lệ ở các quốc gia theo hệ thống pháp luật Common Law đòi hỏi Thẩm phán phải tôn trọng và tuân theo các bản án đã tuyên của Tòa án cấp trên theo nguyên tắc bắt buộc [11, p.159]
Ở các nước Civil Law không thừa nhận án lệ là một nguồn luật chính thức nên án lệ thường được hiểu là những bản án, quyết định của tòa án có chứa đựng cách giải quyết vấn đề pháp lý mới, có giá trị tham khảo khi giải quyết các vụ việc tương tự về sau [18, p.126] .
Theo Từ điển Luật học thì án lệ được hiểu là: “Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các Thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự” [8, tr.13]
Theo Quyết định số 74/QĐ-TANDTC triển khai thực hiện chiến lược phát triển án lệ ngày 31/12/2012 nêu ra khái niệm án lệ: Án lệ là bản án, quyết định của Tòa án chứa đựng sự giải thích, áp dụng pháp luật được tòa án vận dụng giải quyết vụ án có nội dung tương tự”. Khái niệm này khẳng định nguồn gốc của án lệ trong chiến lược phát triển án lệ là sự giải thích pháp luật, áp dụng pháp luật trong các bản án, quyết định của tòa án.
Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa ra định nghĩa án lệ như sau: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân Tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Như vậy, khái niệm án lệ ở Việt Nam được nhìn nhận là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực được lựa chọn thành án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong xét xử.
Án lệ trong từng hệ thống pháp luật có những đặc trưng nổi bật riêng. Tuy nhiên có thể khái quát những đặc điểm chung như sau: Chủ thể tạo lập và ban hành án lệ là Tòa án. [3, tr.232]; Án lệ được hình thành từ một bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án;
Bản án, quyết định trở thành án lệ phải có tính chuẩn mực, tạo ra nguyên tắc trong xét xử,
phải được dùng làm căn cứ giải quyết các vụ việc tương tự xảy ra sau này; án lệ có tính bắt buộc hoặc tham khảo đối với Tòa án trong quá trình xét xử; Án lệ được tập hợp và công bố theo một trình tự riêng do tòa án thực hiện và án lệ có tính cụ thể cao.
2. Đánh giá thực trạng áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự tại Đồng Nai
2.1. Về kết quả đạt được
Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, án lệ đã từng bước đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực. Các án lệ được công bố đã phần nào đáp ứng mong đợi của người dân đặc biệt là những người làm công tác pháp luật. Các án lệ đã góp phần khắc phục được các khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Đến nay, TANDTC đã công bố 28 án lệ về dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động. Theo Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện công tác phát triển án lệ ngày 23/10/2018 của TANDTC, ngay sau khi án lệ được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc tương tự; phân tích, viện dẫn án lệ trong các bản án, quyết định; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; qua đó bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tại các Tòa án. Theo số liệu thống kê đến ngày 31-7-2018, có 181 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ [5].
Theo số liệu được tìm kiếm trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC tính đến ngày 20/3/2019, cả nước có 275 bản án, quyết định của TAND cấp huyện có áp dụng án lệ. Đối với TAND cấp tỉnh là 88 bản án, quyết định có viện dẫn án lệ trong xét xử các vụ án dân sự. Số liệu trên đã minh chứng rằng án lệ không còn mang tính lý luận nữa mà đã thực sự đi vào đời sống pháp lý thông qua các vụ án cụ thể.
Qua các vụ án có áp dụng án lệ nêu trên có thể thấy án lệ đã được TAND các cấp sơ thẩm, phúc thẩm áp dụng làm căn cứ cho lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án. Mặc dù số lượng các bản án, quyết định của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai có áp dụng án lệ chưa nhiều song việc án lệ được chính thức thừa nhận là một nguồn luật bổ trợ, có tính chất tham khảo giúp các Thẩm phán áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đảm bảo các vụ án có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau được xét xử như nhau, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Về quy trình áp dụng: Thủ tục tố tụng là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá giá trị hiệu lực của một bản án, quyết định. Bản án, quyết định dù có lập luận chặt chẽ đến đâu nhưng nếu thủ tục tố tụng không được đảm bảo hoặc bị vi phạm thì đó là một trong những căn cứ để hủy án. Việc áp dụng án lệ để xét xử các vụ án dân sự của Tòa án cũng không là ngoại lệ. Theo Điều 3 BLTTDS năm 2015, một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTDS là việc tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự. Theo đó “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này.”
Thực tiễn áp dụng án lệ trong các vụ án nêu trên cho thấy Tòa án đều áp dụng đúng các thủ tục tố tụng trong giải quyết các vụ án. Các vụ án có áp dụng án lệ đều có căn cứ pháp lý và đúng quy trình, thủ tục tố tụng; vụ án có kháng cáo nhưng do đương sự không đồng ý với đường lối xét xử của Tòa án chứ không liên quan đến thủ tục tố tụng.
Về việc đảm bảo nguyên tắc trong áp dụng án lệ: Từ thực tiễn áp dụng án lệ trong xét xử của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai đối với 07 bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm thời gian qua có thể thấy việc áp dụng án lệ đều đảm bảo các nguyên tắc được quy định trong BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 03/2015 /NQ-HĐTP về quy trình áp dụng án lệ trong xét xử. Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP để áp dụng án lệ, thứ nhất đối tượng khởi kiện, quan hệ pháp luật điều chỉnh chưa có điều luật để áp dụng; thứ hai, các tình tiết khách quan, sự kiện pháp lý cần được giải quyết trong vụ án dân sự mà Tòa án đã thụ lý “tương tự” với các tình tiết khách quan, vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong án lệ. Đây là hai yếu tố cơ bản, quan trọng để Thẩm phán quyết định áp dụng án lệ.
Về việc phát huy vai trò án lệ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật: Hệ thống quy phạm pháp luật dù hoàn thiện đến đâu cũng luôn có những “lỗ hổng” bởi các quan hệ xã hội đa dạng phong phú đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại trong khi quy phạm pháp luật dù có thay đổi nhưng chậm hơn. Do đó, luôn có những quan hệ xã hội cần thiết được điều chỉnh mà thiếu quy phạm pháp luật. Án lệ là giải pháp pháp lý để khắc phục sự thiếu sót này, làm cho hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn.
Khi đánh giá vai trò của án lệ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và áp dụng án lệ trong xét xử án dân sự nói riêng. Đôi khi án lệ chỉ được áp dụng đối với một hoặc một vài quan hệ pháp luật trong toàn bộ nội dung tranh chấp của đương sự chứ không phải toàn bộ nội dung tranh chấp. Ví dụ như Bản án số 98/2017/HNGĐ-ST ngày 14/11/2017 của TAND huyện XL về việc: “Ly hôn, tranh chấp nuôi con, tranh chấp hợp đồng tín dụng”, chỉ có phần nợ chung của vợ chồng chị Bùi Thị Thanh T và bị đơn anh Nguyễn Văn A áp dụng Án lệ số 08/2016/AL để giải quyết vấn đề liên quan đến hợp đồng tín dụng còn các quan hệ pháp luật còn lại áp dụng quy phạm pháp luật để giải quyết. Điều này đã trở nên ngày càng phổ biến khi áp dụng án lệ trong xét xử đối với các vụ án cụ thể.
Qua thực tiễn áp dụng có thể văn bản hóa án lệ, làm cho pháp luật trở nên hoàn thiện hơn: Ngày 11/01/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm nhằm hướng dẫn TAND các cấp áp dụng thống nhất. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019. Thực tiễn áp dụng án lệ của TAND 02 cấp tỉnh Đồng Nai đối với 07 bản án, quyết định có áp dụng án lệ thì có 05 bản án, quyết định áp dụng án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, 01 bản án áp dụng án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.
Sau khi án lệ chính thức được áp dụng, Án lệ số 08/2016/AL và Án lệ số 09/2016/AL được TAND các cấp đặc biệt là TAND cấp huyện áp dụng phổ biến nhất vì đây là các quan hệ xã hội gần gũi với cuộc sống, xuất hiện ngày càng nhiều, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế rất cần sự điều chỉnh của pháp luật.
Do thực tiễn áp dụng pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau về lãi, lãi suất, nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Án lệ số 08/2016/AL và Án lệ số 09/2016/AL của TAND Tối cao đã hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với quan hệ pháp luật này. Đảm bảo những tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự với án lệ sẽ được giải quyết đúng với đường lối mà án lệ đưa ra.
Từ quy định lúc đầu dựa trên án lệ, các vấn đề lãi, lãi suất, phạt vi phạm đã được văn bản hóa hay nói cách khác án lệ đã trở thành quy phạm pháp luật thông qua Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Đây là hiệu quả tích cực mà án lệ đã phát huy vai trò rõ nét nhất, làm cho hệ thống pháp luật trở nên ngày càng hoàn thiện hơn.
Việc áp dụng án lệ sẽ đảm bảo tính độc lập của cơ quan xét xử, nâng cao vị thế của Tòa án, bảo vệ công lý: Những vụ án áp dụng án lệ thời gian qua cho thấy, đối với các vụ việc có tính chất tương tự với án lệ về tình tiết, sự kiện pháp lý đã được tòa án xét xử đúng đường lối án lệ đưa ra. Điều này góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Tòa án – nơi người dân gửi gắm lòng tin về sự công bằng, công lý sẽ được thực thi. Đồng thời, khi áp dụng án lệ trong xét xử, người tiến hành tố tụng là các Thẩm phán, Hội thẩm sẽ căn cứ vào án lệ để ra phán quyết, hạn chế sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc xét xử của Tòa án góp phần đảm bảo sự độc lập của cơ quan xét xử đúng như tinh thần của Hiến pháp và Bộ luật tố tụng dân sự là “Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”.
2.2. Về những tồn tại, hạn chế
Tuy đạt được những kết quả đáng kể, song áp dụng án lệ vẫn là một lĩnh vực còn rất mới mẻ trong đời sống pháp lý Việt Nam. Chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tế về áp dụng án lệ mà chủ yếu là tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới để lựa chọn hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Xét một cách khách quan, những kết quả đạt được vẫn chưa thể hiện hết vai trò của án lệ là nguồn bổ trợ trong hệ thống nguồn luật. Những khó khăn, vướng mắc được thể hiện ở nhiều khía cạnh như sau:
Thứ nhất, số lượng án lệ ở Việt Nam chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Hiện nay, chúng ta chỉ có 28 án lệ đã được công bố, con số này còn quá khiêm tốn so với số lượng bản án, quyết định hàng năm của TAND các cấp. Trong khi hiện nay, số lượng án thụ lý mới ở mỗi cấp Tòa án năm sau luôn cao hơn năm trước. Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 BLTTDS năm 2015 thì “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”. Quy định này đòi hỏi Tòa án phải căn cứ vào các loại nguồn khác của pháp luật như tập quán, án lệ, áp dụng tương tự pháp luật … để giải quyết. Số lượng án lệ quá ít là khó khăn không nhỏ trong việc giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Thứ hai, vẫn còn nhiều trường hợp nảy sinh trong thực tiễn xét xử cần áp dụng án lệ nhưng Tòa án còn lúng túng dẫn đến án lệ không phát huy được vai trò là nguồn bổ trợ trong hệ thống nguồn luật. Như đã phân tích, do án lệ vẫn còn rất mới mẻ nên nhiều Thẩm phán còn e ngại, lúng túng trong việc áp dụng, viện dẫn án lệ dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất, thậm chí nhiều Thẩm phán không viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của mình mà chỉ xét xử theo đường lối mà án lệ đưa ra. Ví dụ như: Bản án số 66/2017/DSST ngày 22/11/2017 của TAND huyện NT xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận diện tích đất tranh chấp 724 m2 cho nguyên đơn. Về tình tiết và sự kiện pháp lý của bản án tương tự với Án lệ số 04/2016/AL của TANDTC. Bản án tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đúng với đường lối mà án lệ đưa ra. Tuy nhiên, khi lập luận cho phán quyết của mình, TAND huyện NT không viện dẫn Án lệ số 04/2016/AL.
Thứ ba, do là chế định mới, một số Tòa án chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ nên còn chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ về TANDTC.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP
Thứ nhất, Điều 1 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP quy định về giá trị pháp lý của án lệ chưa cụ thể, chưa thể hiện được giá trị pháp lý của án lệ là mang tính chất “tham khảo” hay “bắt buộc” dẫn đến các Tòa án áp dụng không thống nhất trong thực tiễn xét xử. Do Nghị quyết quy định án lệ được “nghiên cứu, áp dụng” nên đã dẫn đến có cách hiểu là Tòa án chỉ nghiên cứu thôi, không có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ dẫn đến Tòa án áp dụng tùy nghi.
Thứ hai, tiêu chí lựa chọn án lệ tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP còn chưa rõ, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc phát hiện, đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ của các Tòa án. Tiêu chí để lựa chọn án lệ tạo ra quy phạm pháp luật trong trường hợp Tòa án giải quyết vụ việc mà không có luật quy định; như thế nào là khái niệm “có tính chuẩn mực” tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết chưa được làm rõ.
Thứ ba, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau”. Tuy nhiên, Nghị quyết chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là “vụ việc tương tự” nên trong thực tiễn xét xử thời gian qua vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Có quan điểm cho rằng “vụ việc tương tự” được hiểu theo nghĩa hẹp là “vụ việc có tình tiết tương tự”, tức là các tình tiết đó lệ thuộc vào chính hoàn cảnh làm phát sinh án lệ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng cần phải hiểu “vụ việc tương tự” theo nghĩa rộng, không nên quá lệ thuộc vào hoàn cảnh làm phát sinh án lệ mà cần hiểu là “vụ việc có vấn đề pháp lý tương tự” và khi “vụ việc có vấn đề pháp lý tương tự” thì “phải được giải quyết như nhau”. Với cách hiểu không thống nhất sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau khi xác định có áp dụng án lệ hay không đối với cùng một vụ việc.
Thứ tư, hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về “Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án” còn chung chung, chưa thể hiện rõ trường hợp nào thì phải áp dụng án lệ, trường hợp nào thì không áp dụng án lệ; trường hợp Thẩm phán đã viện dẫn cụ thể các quy định của pháp luật là căn cứ để giải quyết vụ án thì có nhất thiết phải áp dụng, viện dẫn án lệ không.
Thứ năm, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP mới chỉ hướng dẫn mang tính nguyên tắc mà chưa hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án nên Thẩm phán còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng, viện dẫn án lệ trong thực tiễn xét xử.
Thứ sáu, tại khoản 3 Điều 9 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định về việc cho phép Tòa án không áp dụng án lệ: “Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về Tòa án nhân dân tối cao”. Như vậy, trong trường hợp Tòa án không áp dụng án lệ thì Tòa án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ đến TANDTC. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian Tòa án gửi kiến nghị thay thế án lệ đến TANDTC và chờ nhận được phản hồi có chấp nhận hay không đôi lúc còn lâu hơn việc bản án đó có nguy cơ bị Tòa án cấp trên hủy vì không áp dụng án lệ. Do đó, quy định này hoàn toàn cứng nhắc và không có tính khả thi.
Thứ bảy, về nhận diện án lệ. Một án lệ được công bố chứa đựng nhiều thành phần. Trong đó, có những yếu tố có giá trị tham khảo như “Từ khóa của án lệ”, “Quy định liên quan đến án lệ”, “Khái quát nội dung án lệ” và các thành tố khác trong nội dung án lệ. Tuy nhiên, có những yếu tố rõ ràng mang tính bắt buộc. Yếu tố này không nằm ở phần “Khái quát nội dung án lệ” mà ở “Nội dung án lệ”. Trên thực tế khi viện dẫn án lệ, nhiều Tòa án vẫn nhầm lẫn phần “Nội dung án lệ” và phần “Khái quát nội dung án lệ”. “Khái quát nội dung án lệ” chỉ có giá trị tham khảo do Ban biên soạn án lệ đưa vào giúp người đọc dễ hiểu án lệ để áp dụng vào những hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh đã tạo thành án lệ chứ không có giá trị bắt buộc. “Nội dung án lệ” mới là phần có chứa đựng đầy đủ tình tiết, sự kiện pháp lý và hướng giải quyết, có giá trị bắt buộc đối với chủ thể áp dụng án lệ. Việc nhận diện yếu tố nào là bắt buộc, cơ bản và yếu tố nào có tính chất tham khảo vẫn là vấn đề gây nhiều khó khăn khi áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử.
Thứ tám, giá trị của án lệ so với các loại nguồn luật khác trong giải quyết các tranh chấp dân sự. Về nguyên tắc, án lệ được áp dụng khi không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật. Tuy nhiên, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, trường hợp vụ án vừa có tập quán, vừa có án lệ thì Hội đồng xét xử có bắt buộc phải viện dẫn án lệ hay không? Mặt khác, xét thứ tự thì án lệ được xếp sau áp dụng tương tự pháp luật nhưng khi một vụ việc đã có án lệ nghĩa là đã có giải pháp pháp lý rõ ràng thì có cần thiết phải áp dụng tương tự pháp luật hay không? Nếu áp dụng tương tự pháp luật thì án lệ sẽ mất đi vai trò và giá trị của nó. Đây cũng là khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự của TAND, từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
3.1. Giải pháp nâng cao chất lượng lập luận, lý lẽ trong bản án, quyết định của Tòa án nhân dân
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chúng ta chưa có những bản án, quyết định được coi là án lệ theo đúng nghĩa. Các án lệ chủ yếu có nguồn là các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, để đảm bảo chất lượng của các bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ cần thiết phải nâng cao chất lượng lập luận, lý lẽ trong các bản án, quyết định của tòa án.
Thứ nhất, khuyến khích phát hiện các bản án của các Tòa án mang tính chuẩn mực trong áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống thực tế phức tạp hiện còn có những vướng mắc hoặc cách hiểu khác nhau để đề xuất phát triển thành án lệ.
Thứ hai, tăng cường hoạt động bình luận án lệ. Trên cơ sở đề xuất của các Tòa án, TANDTC tổ chức các Hội nghị tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ với sự tham gia của đại diện các cơ quan có liên quan và các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như uy tín nghề nghiệp để Hội đồng Thẩm phán xem xét, phát triển thành án lệ. Để tạo thuận lợi cho các Tòa án trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp với các chuyên gia pháp lý và những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử tiến hành bình luận đối với các án lệ đã ban hành; đồng thời, biên tập và xuất bản các Cuốn án lệ và bình luận án lệ cấp phát tới tất cả các Thẩm phán trong toàn hệ thống. Việc xem xét, công bố các quan điểm, lập luận của các chuyên gia pháp lý đầu ngành trong hoạt động bình luận án lệ sẽ góp phần giúp hoạt động bình luận án trở nên sôi nổi hơn, tạo ra góc nhìn đa chiều, có ý nghĩa về mặt khoa học và lý luận cho công tác nghiên cứu về án lệ sau này.
Thứ ba, đảm bảo nguyên tắc tranh luận và đa dạng về lý lẽ trong lập luận của Tòa án. Các quan điểm của Thẩm phán trong HĐXX nên được ghi lại trong bản án. Điều này sẽ đảm bảo tính khách quan, vô tư trong phán quyết của Tòa án. Tránh tình trạng nhận định chủ quan, một chiều.
Thứ tư, cải cách phần viết án. Cách viết bản án của Tòa án cần phải được cải tiến theo hướng làm rõ hơn căn cứ, lập luận để ra quyết định, bổ sung thêm việc viện dẫn án lệ có liên quan. Riêng đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao cần được viết rõ hơn khi phân tích sai lầm của Tòa án cấp dưới bao gồm cả ý kiến phản bác hoặc các lập luận không thống nhất.
Thứ năm, cần mở rộng nguồn tài liệu là các cơ sở để đưa ra lập luận, lý lẽ. Hiện nay, trong phần xét thấy của các quyết định, bản án phần lập luận còn hết sức nghèo nàn, ngắn gọn, phụ thuộc nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Để cải thiện điều này, cần có nhiều đề tài nghiên cứu, các công trình khoa học chuyên sâu về án lệ và áp dụng án lệ, các bài bình luận khoa học, các học thuyết pháp lý… để cải cách phần “xét thấy”, tăng tính thuyết phục cho các lập luận của Thẩm phán.
3.2. Giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ Thẩm phán trong áp dụng án lệ để xét xử các vụ án dân sự
Thẩm phán là người có vị trí trung tâm trong quá trình xét xử các vụ án dân sự so với những người tiến hành tố tụng khác. Họ đồng thời là những người xây dựng và áp dụng án lệ. Không những thế, vị trí của Thẩm phán còn thể hiện là người đảm bảo sự công bằng thông qua hoạt động xét xử. Để làm tốt công tác này, yêu cầu đặt ra là chất lượng Thẩm phán phải được nâng lên.
Việc thừa nhận án lệ ở Việt Nam đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ Thẩm phán. Bởi án lệ do Thẩm phán tạo ra, án lệ cũng do Thẩm phán áp dụng khi xét xử các vụ án dân sự. Do đó, chỉ có độc lập trong xét xử thì Thẩm phán mới tạo lập được các án lệ có chất lượng và áp dụng các án lệ trong xét xử các vụ án có hiệu quả.
Trong công cuộc cải cách tư pháp, đặc biệt với việc thừa nhận, áp dụng án lệ ở Việt Nam thì vấn đề chất lượng của Thẩm phán là then chốt. Cần phải có những giải pháp để bảo đảm rằng Thẩm phán có thể thực sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Áp dụng án lệ chính là một trong những giải pháp hiệu quả từ bên trong. Án lệ là sản phẩm của sự sáng tạo của các Thẩm phán trong quá trình áp dụng pháp luật. Do đó, để có được các án lệ chất lượng thì vai trò của Thẩm phán là vô cùng quan trọng.
Để làm được điều này cần mở các khóa tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của Thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Trong đó xây dựng chương trình đi sâu vào phổ biến, đào tạo về án lệ, bao gồm cả các vấn đề lý luận và thực tiễn về án lệ để các Thẩm phán có được nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và giá trị của án lệ.
Tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm để các Thẩm phán có thể học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài, bao gồm cả các nước trong hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law.
Tăng cường sự trao đổi, kết nối giữa hoạt động thực tiễn và hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý để Thẩm phán không chỉ có được kinh nghiệm thực tế mà còn có khả năng tự hoàn thiện các vấn đề lý luận.
3.3. Giải pháp về công tác báo cáo, thống kê, tập hợp án lệ phục vụ hoạt động xét xử các vụ án dân sự
Hoạt động tập hợp, công bố án lệ là hoạt động quan trọng trong phát triển án lệ. Cơ sở dữ liệu được xây dựng, cập nhật tốt sẽ phát huy hiệu quả to lớn trong áp dụng án lệ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của án lệ. Hiện nay, TANDTC công bố án lệ . Việc công bố được thực hiện bằng hai cách. Trên trang thông tin điện tử của TANDTC thông qua chuyên mục án lệ của Website TANDTC và xuất bản các ấn phẩm “Tuyển tập án lệ”. Các án lệ được đăng trong tuyển tập án lệ là nguồn trích dẫn chính thống được áp dụng trong hoạt động xét xử của Tòa án. Ngoài ra, cần khuyến khích các nhà xuất bản tư nhân công bố án lệ. Trên cơ sở các án lệ đã được TAND công bố, các nhà xuất bản sẽ chọn lọc, sắp xếp và bình luận, làm cho hoạt động công bố án lệ đa dạng, phong phú.
Việc lưu trữ, đánh chỉ mục và công khai các bản án của TAND các cấp là một trong những tiền đề quan trọng nhất nhằm tạo lập nguồn án lệ tại Việt Nam. Ngoài việc công khai bản án, Tòa án cũng nên thống nhất phương pháp đánh chỉ mục và đặt tên cho bản án sao cho dễ nhớ và thuận tiện cho việc tra cứu.
Việc lưu trữ, đánh chỉ mục, công bố, biên tập và bình luận các bản án có rất nhiều ích lợi, giúp các Thẩm phán tiếp cận, tra cứu án lệ khi thực hiện công việc của mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các án lệ, không chỉ trong các hoạt động liên quan đến Tòa án mà cả các hoạt động khác như luật sư tư vấn, tranh tụng, cán bộ nhà nước giải quyết vụ việc hành chính, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giảng dạy, nghiên cứu pháp luật. Công tác này là một bước tiền đề giúp pháp điển hóa các án lệ và xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Cần sửa lại mẫu sổ thụ lý để đảm bảo khi có vụ việc mà người dân yêu cầu Tòa án giải quyết, dù có căn cứ pháp lý để giải quyết hay không thì Tòa án vẫn thống kê, ghi nhận các trường hợp tranh chấp. Từ những thống kê này, TANDTC trong phạm vi thẩm quyền ban hành Nghị quyết hoàn thiện cơ sở pháp lý, hướng dẫn áp dụng án lệ hoặc chuyển tới cơ quan lập pháp ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho phép áp dụng án lệ để giải quyết hoặc ban hành quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội đó.
“Sổ tiếp nhận, thụ lý và kết quả giải quyết các vụ án dân sự” cần bổ sung thêm nội dung “có áp dụng án lệ” hay “Không áp dụng án lệ” để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đánh giá được hiệu quả công tác áp dụng án lệ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Tài liệu tham khảo
1. Tòa án nhân dân tối cao (2011), Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Tòa án nhân dân Tối cao.
2. Tòa án nhân dân Tối cao (2018), Báo cáo Tổng kết năm 2018, Hà Nội.
3. Tòa án nhân dân Tối cao (2018), Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện công tác phát triển án lệ, Hà Nội.
4. Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai (2016,2017,2018), Báo cáo Tổng kết năm 2016 2017,2018, Đồng Nai.
5. Trường Đại học Luật Hà Nội, (2015), Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
6. Trường Đại học Luật Tp. HCM, (2013), Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB Hồng Đức.
7. Tưởng Duy Lượng (2009), “Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
8. Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, , Nxb Tư pháp và NxB Từ điển bách khoa, trang 13.
9. Võ Khánh Vinh, (2013), “Luật học so sánh”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
10. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân Tối cao, (2018), “Án lệ và bình luận”, NXB Lao động, Hà Nội.
11. Bryan A, Garner (2004), Black’s Law Dictionary, 9th edition, West Group, tr.1059
12. Guy Canivet, The Court of Cassation: Looking Into The Future, Law Quarter Review, 2007, 123, p.p.401-416
13. Ian McLeod (1996), Legal Method, Second Edition, Macmillan, p.161
14. International Academy or Comparative Law, Utreccht 16-22 July 2006, Edited by Eword Hondius, 2006, p.27
15. Jay M.Feinman, Law 101: Everything You need to Know about the American Law System, Oxford Univ. Press, 2000,p.24
16. Kohn, Zdenek (2007), Precedent in the Czech Repblic: in “Ewoud Hondius, General Report, In Precedent And the Law, Bruylant Bruxelles.
17. Kleinwort Beson Ltd v. Lincoln City Council (1999) 2 A. C.349, 358 as quoted in Whittaker Simon, Precedent In English Law A View From The Citadel, in “Precedent an The Law Report To The XVII th Congres
18. Michel Troper, and Christophe Gregorczyk, Precedent in France, in “Interpreting Precedents A Comparative Study” (1997), Edited by D.Neil MacCormick an R.S Summers, Ashgate Publishing Company, p.126.
19. Raimo Siltala, A Theory ofprecedent from Analytical and positivism to a post – Analytical Philosophy of Law, Hart Publishing, 2000.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
2 Bình luận
Võ Khoa
23:38 21/12.2024Trả lời
Hồ đức thanh
23:38 21/12.2024Trả lời