Không xác định được địa chỉ của người hưởng thừa kế, có thể xét xử vắng mặt và giao kỷ phần của người này cho thừa kế khác quản lý
Án lệ số 06/2016/AL là một hình thức giải thích pháp luật về xét xử vắng mặt đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án thừa kế, vừa giải quyết dứt điểm vụ án, vừa bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của các đương sự khác, phù hợp với thực tiễn khi giải quyết loại vụ việc tranh chấp thừa kế. Và giao kỷ phần của người thừa kế không xác định được địa chỉ cho thừa kế khác quản lý, là vẫn bảo vệ được quyền lợi của người bị xét xử vắng mặt, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các thừa kế khác, phù hợp với thực tiễn.
ÁN LỆ SỐ 06/2016/AL
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền), bà Vũ Thị Hậu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông, bà Vũ Đình Đường, Vũ Thị Cẩm, Vũ Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Oanh, Hà Thùy Linh.
Khái quát nội dung của án lệ: Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điều 93; điểm đ khoản 1 Điều 168 của BLTTDS năm 2004;
Điều 676 và 685 của BLDS năm 2005.
Từ khóa của án lệ: “Tranh chấp di sản thừa kế”; “Người thừa kế ở nước ngoài chưa rõ địa chỉ”; “Ủy thác tư pháp”; “Phân chia di sản”; “Quản lý di sản”.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện tháng 7 năm 1993, nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng trình bày:
Cha mẹ ông là cụ Vũ Đình Quảng và cụ Nguyễn Thị Thênh sinh được 6 người con là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ Thị Thảo, ông, bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền) và bà Vũ Thị Hậu. Cụ Quảng và cụ Thênh tạo lập được căn nhà số 66 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, diện tích 123m2. Năm 1979, cụ Quảng chết không để lại di chúc, căn nhà do cụ Thênh và 3 con là ông, bà Hậu, bà Tiến ở; ông Đường, bà Thảo và bà Cẩm đều xuất cảnh đi nước ngoài. Tại biên bản họp gia đình ngày 28-10-1982, cụ Thênh và ông, bà Tiến, bà Hậu thỏa thuận tạm thời phân chia nhà thành 3 phần cho ông, bà Hậu và bà Tiến sử dụng. Năm 1987, cụ Thênh chết. Sau đó năm 1989, bà Tiến đã lén lút bán phần nhà được tạm chia cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh. Khi ông đã có đơn khởi kiện chia thừa kế ra Tòa án rồi nhưng ngày 31-10-1993, bà Hậu đã bán tiếp phần nhà bà Hậu được tạm chia cho bà Hà Thùy Linh. Việc mua bán nhà này là sai. Ông xác định được 3 anh chị em đang ở nước ngoài (là ông Đường, bà Cẩm và bà Thảo) có văn bản cho ông hưởng phần thừa kế nên yêu cầu chia thừa kế di sản của cha mẹ ông theo pháp luật.
Ông Hưng xuất trình bản photocopy các giấy ủy quyền lập ngày 03-3-1992 của ông Vũ Đình Đường, ngày 01-5-1993 của bà Vũ Thị Cẩm, ngày 28-10-1991 của bà Vũ Thị Thảo đều có nội dung ủy quyền cho ông Hưng quản lý trông nom phần tài sản của mình trong nhà 66 Đồng Xuân là 1/6 nhà. Sau khi nộp đơn khởi kiện, ông Hưng xuất trình thêm các “Giấy chuyển hẳn cho quyền thừa kế” đề ngày 25-4-1995 của ông Vũ Đình Đường; “Giấy chuyển hẳn cho quyền thừa kế” đề ngày 10-5-1995 của bà Vũ Thị Cẩm; “Giấy cho hẳn quyền thừa kế” của bà Vũ Thị Thảo; các văn bản này đều ghi là lập tại nước ngoài, đều có nội dung xác nhận: cha mẹ để lại ngôi nhà 66 Đồng Xuân cho 6 người con nhưng bà Tiến (Hiền) và bà Hậu đã bán phần nhà của cha mẹ để lại là vi phạm lời dặn của mẹ (không được bán, cho người ngoài vào ở)… Ông Đường và bà Thảo, bà Cẩm làm giấy này cho hẳn ông Hưng 1/6 ngôi nhà 66 Đồng Xuân phần mỗi người được hưởng thừa kế để ông Hưng duy trì thờ cúng tổ tiên và cũng để ba gia đình con cháu người ở nước ngoài có nơi đi lại thờ cúng tổ tiên và đề nghị cho ông Hưng được hưởng thừa kế bằng hiện vật (các tài liệu ông Hưng xuất trình đều chỉ là bản photocopy).
Bị đơn trình bày:
Bà Vũ Thị Tiến trình bày: Xác nhận về quan hệ huyết thống và nguồn gốc căn nhà 66 Đồng Xuân như ông Hưng trình bày. Năm 1989, bà đã bán phần được chia cho bà Oanh, đã giao nhà và đã làm xong thủ tục mua bán nhà tại Sở Nhà đất Hà Nội cho người mua. Sau khi đến ở, bà Oanh còn có thỏa thuận với ông Hưng, bà Hậu hoán đổi một số công trình trong nhà để các bên sử dụng thuận tiện hơn. Sau đó do ông Hưng khiếu nại nên Sở Nhà đất đã thu hồi hồ sơ mua bán nhà giữa bà và bà Oanh. Bà Hậu cũng đã bán phần nhà được chia cho người khác. Bà xác định cụ Thênh đã cho tiền 3 người đi nước ngoài nên họ không có yêu cầu gì về nhà này. Bà đã bán phần nhà của mình cho bà Oanh, nay bà không có trách nhiệm gì về phần nhà đã bán.
Bà Vũ Thị Hậu trình bày: Xác nhận về quan hệ huyết thống và nguồn gốc căn nhà 66 Đồng Xuân như ông Hưng trình bày và việc phân chia nhà cũng như việc bà Tiến đã bán một phần như bà Tiến trình bày. Bà xác định khi bán có thông báo cho anh chị ở nước ngoài và họ đều đồng ý. Bà đề nghị chia cho bà vào phần nhà bà đã bán cho vợ chồng bà Linh, ông Khôi.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày:
Vợ chồng bà Hà Thùy Linh và ông Hoàng Mạnh Khôi trình bày: Khi ông bà mua nhà, bà Hậu có cho xem biên bản họp gia đình, nên ông bà mới nhất trí mua. Ông bà đã trả đủ tiền, dọn đến ở từ đó đến nay, yêu cầu được hợp pháp hóa phần nhà đã mua của bà Hậu.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh trình bày: Ngày 18-10-1992, bà có mua nhà của bà Tiến được chia, giá 30.000.000 đồng. Việc mua bán đã được chính quyền cho phép. Sau khi mua nhà, bà đã về ở, có thỏa thuận hoán đổi một số vị trí sử dụng nhà cho ông Hưng, đề nghị công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa bà Tiến với bà.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 20/DSST ngày 23-5-1995, TAND thành phố Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế của ông Hưng, ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo do ông Hưng đại diện xin chia di sản thừa kế của cụ Quảng và cụ Thênh. Chấp nhận một phần bản di chúc của cụ Thênh lập ngày 28-10-1982, xác định di sản thừa kế trị giá 1.228.151.520 đồng, chia thừa kế bằng hiện vật nhà, đất cho 3 người là ông Hưng, bà Hậu và bà Tiến. Việc mua bán giữa bà Tiến, bà Hậu với bà Oanh, bà Linh được thực hiện theo quy định của nhà nước.
Bà Tiến kháng cáo đề nghị xem xét lại cách tính diện tích di sản thừa kế. Ông Hưng kháng cáo cho rằng Tòa án xử không khách quan.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 115 ngày 10-10-1995, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội quyết định: Hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 50/DSST ngày 11-9-1996, TAND thành phố Hà Nội quyết định chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế của ông Hưng, ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo do ông Hưng làm đại diện xin chia di sản thừa kế của cụ Quảng và cụ Thênh; ghi nhận sự tự nguyện của ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo ở nước ngoài nhường kỷ phần thừa kế cho ông Hưng và chia hiện vật cho ông Hưng, bà Hậu, bà Tiến (mỗi người 1/3 cửa hàng và phần nhà phía sau), bà Hậu, bà Tiến phải thanh toán chênh lệch cho ông Hưng (bà Hậu 156.824.381 đồng; bà Tiến 140.774.106 đồng). Việc mua bán nhà giữa bà Tiến, bà Hậu với bà Oanh, bà Linh là trái pháp luật.
Ông Hưng kháng cáo. Tại Quyết định số 82/TĐC ngày 15-7-1997, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Sau khi có Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tiếp tục giải quyết vụ án.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 142/2007/DSPT ngày 03-7-2007, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã hủy Bản án sơ thẩm và giao TAND thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại vụ án với nhận định: Đơn khởi kiện chỉ có ông Hưng viết và ký, các giấy ủy quyền của ông Đường, bà Thảo, bà Cẩm đều không thể hiện là uỷ quyền khởi kiện chia thừa kế (trừ giấy của bà Thảo), nay các đương sự thừa nhận ông Đường, bà Thảo đều đã chết, nên cần xác minh việc này và đưa người thừa kế của họ tham gia tố tụng; định giá lại nhà đất cho phù hợp.
Sau khi thụ lý lại vụ án, đương sự trình bày: ông Đường và bà Thảo đã chết vào khoảng năm 2002. Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu ông Hưng cung cấp giấy chứng tử của ông Đường và bà Thảo, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS (họ tên, địa chỉ, quốc tịch của các con ông Đường, bà Thảo; tên, địa chỉ của người đang ở tại phần nhà đất tranh chấp) nhưng ông Hưng không cung cấp được.
Tại Quyết định số 04/2008/QĐST-DS ngày 17-01-2008, TAND thành phố Hà Nội đã đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả tạm ứng án phí cho ông Hưng.
Ngày 29-01-2008, ông Hưng kháng cáo cho rằng Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng.
Tại Quyết định số 168/2008/DS-QĐPT ngày 04-9-2008, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo của ông Hưng, hủy quyết định sơ thẩm với lý do: cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 192 đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng, làm mất quyền khởi kiện của đương sự.
Sau khi thụ lý lại vụ án, TAND thành phố Hà Nội đã yêu cầu ông Hưng cung cấp các tài liệu là tên, tuổi, địa chỉ người thừa kế của ông Đường, bà Thảo; văn bản ủy quyền hoặc từ chối nhận thừa kế của những người này; tên và địa chỉ những người đang ở tại nhà đất của bà Oanh. Ông Hưng không cung cấp được các tài liệu trên.
Tại Quyết định số 54/DS-ST ngày 30-9-2009, TAND thành phố Hà Nội đã quyết định: Đình chỉ giải quyết vụ án chia thừa kế, trả lại đơn kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo cho ông Hưng.
Ông Hưng kháng cáo.
Tại Quyết định số 44/2010/QĐ-PT ngày 09-3-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Ông Hưng có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định số 35/2013/KN-DS ngày 22-01-2013, Chánh án TANDTC đã kháng nghị Quyết định số 44/2010/QĐ-PT ngày 09-3-2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, huỷ Quyết định dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 54/2009/DS-ST ngày 30-9-2009 của TAND thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện VKSNDTC nhất trí với kháng nghị của Chánh án TANDTC.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận định: Căn nhà số 66 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do cụ Vũ Đình Quảng (chết năm 1979) và Nguyễn Thị Thênh (chết năm 1987) tạo lập. Các cụ sinh được 6 người con thì 3 người là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ Thị Thảo định cư ở nước ngoài từ năm 1979, còn 3 người ở trong nước là ông Vũ Đình Hưng, bà Vũ Thị Tiến (Hiền), bà Vũ Thị Hậu. Sau khi cụ Quảng chết chỉ còn cụ Thênh, ông Hưng, bà Tiến, bà Hậu quản lý căn nhà này. Sau khi cụ Thênh chết, ông Hưng, bà Tiến và bà Hậu đã tự phân chia căn nhà thành 3 phần để ở. Ngày 18-10-1992, bà Tiến bán phần nhà đang sử dụng cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh và ngày 31-10-1993 bà Hậu bán tiếp phần nhà bà đang ở cho bà Hà Thùy Linh.
Năm 1993, ông Hưng khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhà đất của cha mẹ nêu trên theo pháp luật. Việc giải quyết vụ án kéo dài. Năm 2007, vụ án được thụ lý lại.
Khi giải quyết vụ án, trước giai đoạn tố tụng tạm đình chỉ (1997), ông Hưng đã cung cấp các đơn, giấy ủy quyền lập năm 1991, 1992, 1993, 1994 của ông Đường, bà Cẩm, bà Thảo có nội dung giao cho ông Hưng trông coi quản lý tài sản thừa kế phần của họ trong di sản thừa kế là nhà đất số 66 phố Đồng Xuân; sau đó ông Hưng lại cung cấp các văn bản lập năm 1995 của ông Đường, bà Thảo và bà Cẩm có nội dung cho hẳn ông Hưng phần thừa kế của mình trong tài sản tranh chấp. Các văn bản đều có tem và con dấu của nước sở tại (ông Đường ở Anh, bà Cẩm ở Pháp và bà Thảo ở Mỹ), nhưng chỉ là bản photocopy. Tuy nhiên, các đương sự đều ghi rõ số nhà, địa chỉ của người viết văn bản. Trong quá trình thụ lý giải quyết lại vụ án sau giai đoạn tạm đình chỉ, ông Hưng, bà Tiến, bà Hậu đều khai ông Đường, bà Thảo đã chết khoảng năm 2002, ông Hưng xác định địa chỉ của bà Cẩm, bà Thảo không thay đổi, còn ông đã liên lạc với con ông Đường nhưng không nhận được hồi âm (bút lục 376, 377, 382). Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng phải cung cấp chứng tử của ông Đường, bà Thảo; tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo. Ông Hưng khai không cung cấp được và đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ để giải quyết theo pháp luật (bút lục 390). Như vậy, trong hồ sơ đã có địa chỉ của những người đã sống ở nước ngoài, còn việc yêu cầu ông Hưng cung cấp chứng tử của ông Đường bà Thảo là không cần thiết, vì cả ba người ở trong nước đều xác nhận hai người này đã chết. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với ông Đường, bà Thảo để làm rõ thời điểm những người này chết và nếu hai người chết này còn có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án. Tùy từng trường hợp căn cứ chứng cứ mới để giải quyết vụ án theo quy định. Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn thì vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hưng để được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của ông Đường bà Thảo sẽ tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật, như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án. Đối với những người đang sống tại phần nhà bà Tiến bán thì nghĩa vụ cung cấp tên tuổi của họ là của bà Tiến. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên tuổi của những người này là không đúng đối tượng. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Hưng không cung cấp được tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo, người mua nhà của bà Oanh để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm lẽ ra phải hủy quyết định sơ thẩm để giao giải quyết lại nhưng lại giữ nguyên quyết định sơ thẩm là không đúng.
Ngoài ra, theo các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của ông Hoàng Mạnh Khôi ngày 17-10-2007 (bút lục 373) và “Giấy bán nhà” ngày 31-10-1993 (bút lục 18), thì bà Hậu bán phần nhà mà bà đang quản lý cho bà Hà Thùy Linh (chồng là ông Hoàng Mạnh Khôi). Quyết định sơ thẩm và phúc thẩm lại ghi là bà Nguyễn Thị Thùy Linh là không chính xác, cần điều chỉnh lại cho phù hợp.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 BBLTTDS;
QUYẾT ĐỊNH
1. Huỷ Quyết định số 44/2010/QĐ-PT ngày 09-3-2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 54/2009/DS-ST ngày 30-9-2009 của TAND thành phố Hà Nội về vụ án tranh chấp thừa kế, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến, bà Vũ Thị Hậu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ Thị Thảo, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, bà Hà Thùy Linh.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
NỘI DUNG ÁN LỆ
“Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với ông Đường, bà Thảo để làm rõ thời điểm những người này chết và nếu hai người chết này còn có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án. Tùy từng trường hợp căn cứ chứng cứ mới để giải quyết vụ án theo quy định. Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn thì vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hưng để được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của ông Đường bà Thảo sẽ tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật, như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án. Đối với những người đang sống tại phần nhà bà Tiến bán thì nghĩa vụ cung cấp tên tuổi của họ là của bà Tiến. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên tuổi của những người này là không đúng đối tượng. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Hưng không cung cấp được tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo, người mua nhà của bà Oanh để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm lẽ ra phải hủy quyết định sơ thẩm để giao giải quyết lại nhưng lại giữ nguyên quyết định sơ thẩm là không đúng.”
BÌNH LUẬN
1/ Sự cần thiết ban hành án lệ
Trong thực tế trong các vụ tranh chấp thừa kế thường có nhiều đương sự tham gia có thể với tư cách tố tụng là nguyên đơn, bị đơn nhưng phần lớn số người tham gia với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó việc tranh chấp thường diễn ra sau khi mở thừa kế đã khá lâu. Trong bối cảnh đó sẽ xuất hiện những trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, hoặc có địa chỉ nhưng không thực hiện được việc ủy thác, có thực hiện việc ủy thác để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc xét xử nhưng không đạt được kết quả. Trong thời điểm pháp lệnh thừa kế năm 1990 và pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án dân sự có hiệu lực, những trường hợp không xác định được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án tranh chấp thừa kế, các tòa án đều xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phần thừa kế của họ giao cho một thừa kế quản lý. Tuy nhiên, sau khi BLTTDS năm 2004 có hiệu lực, tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5 -2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS, đã quy định tại mục 8.5,8.6 và 8.7 phần I của Nghị quyết đã hướng dẫn:
“8.5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.
8.6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
8.7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Trên cơ sở quy định nói trên của Hội đồng thẩm phán TANDTC có công văn số 109/KHXX ngày 30 tháng 6 năm 2006 do Phó Chánh án ký, lưu ý các tòa án về việc không thụ lý, giải quyết những trường hợp chưa tìm được địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên trong vụ án thừa kế khi không xác định được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan các tòa án cũng không giải quyết.
Sau khi BLTTDS năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011 thì tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-H ĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS. Tại khoản 5 Điều 9 Nghị quyết quy định:
“5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.”
Do đó, trong các vụ án dân sự nói chung, vụ án thừa kế nói riêng khi không xác định được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quantrong vụ án thì các tòa án trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý thì đình chỉ giải quyết vụ án và kết quả là người khởi kiện mòn mỏi chờ đợi, không biết bao giờ vụ án mới kết thúc.
Mặt khác, tác giả từng trực tiếp tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thời điểm trước và sau khi Ủy ban thường vụ ban hành pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, nhận thấy đối với những vụ án thừa kế việc xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và giao kỷ phần của người này cho thừa kế khác quản lý. Trong thực tế các hội đồng khi ban hành phán quyết thường giao cho thừa kế nhận hiện vật quản lý kỉ phần này, việc giải quyết theo hướng này trong rất nhiều vụ, trong thời gian dài nhưng chưa thấy phát sinh hậu quả bất lợi cho đối tượng này.
Do đó, việc Hội đồng thẩm phán TANDTC tạo lập án lệ này là một hình thức giải thích pháp luật về xét xử vắng mặt đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án thừa kế, vừa giải quyết dứt điểm vụ án, vừa bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của các đương sự khác, phù hợp với thực tiễn khi giải quyết loại vụ việc tranh chấp thừa kế.
Và giao kỷ phần của người thừa kế không xác định được địa chỉ cho thừa kế khác quản lý, là vẫn bảo vệ được quyền lợi của người bị xét xử vắng mặt, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các thừa kế khác, phù hợp với thực tiễn.
2/ Nội dung của án lệ
2.1/ Tòa án phải ủy thác tư pháp theo quy định để thu thập tài liệu, chứng cứ, khi đương sự không cung cấp được; trường hợp không xác định được địa chỉ hoặc ủy thác tư pháp không đạt kết quả thì vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.
Trong vụ án các đương sự dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều có quyền bình đẳng như nhau trong tố tụng, có quyền tham gia tố tụng, đề đạt yêu cầu, cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh về quyền, lợi ích hợp pháp của mình, bác bỏ những yêu cầu không chính đáng của đương sự khác. Do đó, việc cung cấp xác định địa chỉ của các đương sự, thu thập cung cấp tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ của đương sự, nhưng theo quy định của các Bộ luật tố tụng dân sự thì tòa án đang thụ lý vụ án cũng có trách nhiệm thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật. Tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “1. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Toà án có thể ra quyết định uỷ thác để Toà án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự.” Tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: “1. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, tiến hành định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự.”
Trong vụ án này có ba đương sự là ông Vũ Đình Đường, bà Vũ Thị Cẩm, bà Vũ thị Thảo đang định cư ở nước ngoài từ năm 1979, trong đó có hai người đã chết. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp giấy chứng tử và địa chỉ của các con ông Đường, bà Thảo; văn bản ủy quyền hoặc từ chối nhận thừa kế của những người này. Các đương sự ở trong nước là ông Hưng, bà Tiến, bà Hậu đều khai là ông Đường, bà Thảo chết khoảng năm 2002, nhưng không cung cấp được thời điểm chết chính xác cũng như địa chỉ những người thừa kế của ông Đường, bà Thảo; ông Hưng đề nghị tòa án thu thập chứng cứ để giải quyết theo pháp luật (BL 390). Tòa án cấp sơ thẩm, sau đó là phúc thẩm không thu thập mà lại đình chỉ giải quyết vụ án rõ ràng là không đúng pháp luật. Trong trường hợp này án lệ đã có một định hướng rất chính xác là: “Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với ông Đường, bà Thảo để làm rõ thời điểm những người này chết và nếu hai người chết này còn có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án. Tùy từng trường hợp căn cứ chứng cứ mới để giải quyết vụ án theo quy định.”
Về những người đang sống tại phần nhà bà Tiến Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên, tên, địa chỉ những này là không hợp lý, nên tại Quyết định giám đốc thẩm cũng cho rằng: “những người đang sống tại phần nhà bà Tiến thì nghĩa vụ cung cấp tên tuổi cua họ là của bà Tiến. Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông Hưng cung cấp tên tuổi của những người này là không đúng đối tượng”.
Đối với những sai lầm nói trên án lệ đã chỉ rõ: “Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ông Hưng không cung cấp được tên, địa chỉ của con ông Đường, bà Thảo, người mua nhà của bà Oanh (quyết định giám đốc thẩm và án lệ ghi nhầm bà Oanh, thực chất bà Oanh là người mua nhà của bà Tiến. Lẽ ra khi đã lấy làm nội dung án lệ phải phát hiện nhầm lẫn này và có ghi chú để bảo đảm chính xác-TG) để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng.”
2.2/ Được giải quyết vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi ủy thác tư pháp không có kết quả và xử lý về kỷ phần của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị xét xử vắng mặt.
Có thể khẳng định đây là nội dung cốt lõi của án lệ này, có lẽ nó là cơ sở để được lựa chọn.
Như phần trên đã bình luận, tác giả hoàn toàn đồng tình với hướng xử lý thấu tình, đạt lý bảo vệ được lợi ích của các bên liên quan khi án lệ đã khẳng định cách thức xử lý: “Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn thì vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hưng để được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của ông Đường bà Thảo sẽ tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật, như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án.”
3/ Những trường hợp có thể được áp dụng án lệ.
Đối với những trường hợp trong vụ án thừa kế đã xác định được di sản thừa kế, diện, hàng thừa kế, người để lại di sản thừa kế không có di chúc. Trong vụ án có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, Tòa án đã thực hiện việc ủy thác tư pháp, thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không không xác định được địa chỉ, do địa chỉ được các bên cung cấp không chính xác, hoặc đương sự ở nước ngoài đã thay đổi địa chỉ nên không xác định được địa chỉ mới của họ thì tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn.
Có thể nhận thấy án lệ chưa đề cập trực tiếp trường hợp không xác định được địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (do các thừa kế đều không biết người thừa kế, thừa kế chuyển tiếp, thừa kế thế vị đang ở đâu-ở trong nước hay ở nước ngoài hoặc dù không có thông tin là họ đã ra nước ngoài, có thể đang ở trong nước nhưng không biết ở đâu do biệt tích đã lâu); không thực hiện được việc ủy thác (do Việt Nam và nước đó không có hiệp định tương trợ tư pháp, không có quan hệ ngoại giao vv…nên không thể thực hiện việc ủy thác), vậy khi gặp trường hợp này sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hay tiếp tục giải quyết vụ án?
Tác giả cho rằng, dù án lệ mới chỉ đề cập trường hợp là ủy thác không có kết quả: “Nếu không thu thập được chứng cứ gì hơn”, nhưng những trường hợp nêu trên (là một dạng thuộc nội hàm tương tự) vẫn hoàn toàn có thể vận dụng án lệ này để giải quyết vụ án; phần tài sản thừa kế của người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho người thừa kế khác (có thể là người thừa kế được chia hiện vật) quản lý.
Chúng ta đều biết “đáo tụng đình” là lựa chọn bất đắc dĩ “cực chẳng đã” của nhiều người, nhất lại là một vụ án tranh chấp thừa kế, họ đều là những người ruột thịt của nhau. Nếu không có những quy định hợp lý vụ án dễ “chuyển thành quả bóng” được đá di, đá lại không biết hồi kết khi nào, thì không chỉ hao phí thời gian, tiền bạc, sức lực của biết bao con người mà còn giết chết niềm tin vào công lý. Chính vì lẽ đó, tác giả đánh giá rất cao án lệ này, bởi nó có ý nghĩa thực tiễn rất cao, trong đó hàm chứa tính nhân văn sâu sắc./
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận